Tăng sức đề kháng, phản biện trên không gian mạng cho người trẻ
Nêu ra một số vấn đề xâm hại an ninh quốc gia và hiện tượng lệch lạc trên không gian mạng như 'giang hồ mạng', khoe cuộc sống xa hoa... nhiều ý kiến đặt ra yêu cầu đối với tổ chức Đoàn về tăng sức đề kháng và giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho người trẻ.
Ngày 18/3, tại Hà Nội, T.Ư Đoàn tổ chức Hội nghị lấy ý kiến góp ý của thanh niên trong lực lượng vũ trang xây dựng dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII. Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương chủ trì.
Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Xuân Tùng
Tăng sức đề kháng trên không gian mạng
Tại Hội nghị, nhiều đại biểu quan tâm, góp ý về công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi của tổ chức Đoàn trong thời gian tới, với nhiều thách thức do cơ chế thị trường, mạng xã hội, sự chống phá của các thế lực thù địch.
Anh Nguyễn Công Tuấn (Đoàn Thanh niên Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Bộ Công an) cho biết, giai đoạn 2020-2021 là khoảng thời gian số lượng vụ việc xâm hại, làm ảnh hưởng an ninh mạng quốc gia tăng cao đột biến. Đáng lưu ý, tỷ lệ thanh thiếu niên, người trẻ có sức ảnh hưởng gây ra các vụ việc này không nhỏ.
Bên cạnh đó, trên không gian mạng xuất hiện nhóm người trẻ có vai trò dẫn dắt, tác động hành vi của bộ phận giới trẻ mà phần nhiều theo chiều hướng tiêu cực. Một số đối tượng "giang hồ mạng" có hành vi cổ súy bạo lực, lệch chuẩn thu hút được nhiều người trẻ theo dõi, tôn sùng. Ngoài ra, một số người trẻ khoe cuộc sống xa hoa, tạo cái nhìn lệch lạc với giá trị lao động, sùng bái vật chất.
Anh Tuấn cũng cho rằng, không phải ai cũng sở hữu sẵn “sức đề kháng” mạnh trước những cám dỗ trên môi trường internet, nhất là các bạn trẻ. Các cấp bộ Đoàn cần quan tâm hơn nữa đến công tác tăng cường giáo dục tư tưởng cho thanh thiếu nhi, hình thành thế trận lòng dân, đẩy mạnh đấu tranh phản bác trên không gian mạng với nòng cốt là đoàn viên, thanh niên ưu tú.
Tại Hội nghị, nhiều ý kiến đề xuất tổ chức Đoàn, Hội cần điều chỉnh phù hợp, kịp thời về các mô hình, chương trình rèn luyện, tăng cường kỹ năng, tư duy phản biện xã hội, hội nhập quốc tế liên quan đến danh hiệu “Sinh viên 5 tốt".
Đồng thời, tập trung đồng hành với thanh niên nông thôn, vùng sâu vùng xa vì họ còn nhiều khó khăn, hạn chế; bên cạnh giúp thanh niên chậm tiến, tổ chức Đoàn cần quan tâm hỗ trợ thanh niên hoàn lương tái hòa nhập cộng đồng để họ sớm trở thành người có ích cho xã hội...
Đổi mới công tác giáo dục tư tưởng
Nhiều ý kiến đề xuất các cấp bộ Đoàn cần đổi mới cách thức tiếp cận đoàn viên, thanh niên theo hướng nhanh chóng, đa dạng, linh hoạt, phù hợp với tâm lý của thanh thiếu nhi; đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, đánh giá hiệu quả hoạt động của cơ sở Đoàn.
Anh Trần Xuân Chuyên (Trưởng ban Công tác quần chúng, Trường Sỹ quan Chính trị) cho rằng, chúng ta không thể trói buộc, nhưng cũng không thể thả lỏng quản lý mạng xã hội. Tổ chức Đoàn cần có giải pháp phát huy mặt tích cực của mạng xã hội trong công tác giáo dục lý tưởng, đạo đức, lối sống văn hóa cho giới trẻ. Bên cạnh đó, cần ưu tiên bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ cán bộ Đoàn, báo cáo viên, tuyên truyền viên ở cấp cơ sở.
Theo Nguyễn Quang Huy (Trưởng Phòng Công tác quần chúng, Cục Chính trị, Quân khu 1), cần lồng ghép các nội dung giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức lối sống thông qua những sản phẩm truyền thông hiện đại, cuộc thi trực tuyến trên môi trường internet, không gian mạng xã hội.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bí thư T.Ư Đoàn Ngô Văn Cương ghi nhận, tiếp thu ý kiến của các đại biểu; đồng thời khẳng định đây là những trăn trở, đề xuất cụ thể, thiết thực, sẽ góp phần nâng cao hiệu quả công tác giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống của tổ chức Đoàn, Hội cho thanh thiếu nhi trong thời gian tới.