Tăng sức hút không gian đi bộ, Hà Nội chạm mốc 25 triệu khách
Không gian đi bộ Hà Nội ngày càng thu hút du khách, trở thành điểm nhấn trong chiến lược phát triển du lịch. Nhờ đó, 11 tháng đầu năm Thủ đô ghi nhận hơn 25 triệu lượt khách, khẳng định sức bật mạnh mẽ trong năm 2024.
Sức hút từ những điểm đến quen thuộc
Trải qua hai năm hoạt động, tuyến phố ẩm thực kết hợp đi bộ quanh hồ Trúc Bạch đã ghi dấu ấn trong lòng người dân và du khách. Không chỉ là không gian thư giãn và trải nghiệm văn hóa ẩm thực, nơi đây còn góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Theo đại diện UBND quận Ba Đình, số cơ sở kinh doanh dịch vụ trong khu vực Khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc - Ngũ Xã và lân cận đã tăng thêm 145 cơ sở. Doanh thu ngân sách từ các cơ sở này tăng 245% so với thời điểm trước khi thực hiện đề án.
Mới đây, việc UBND Tp. Hà Nội công nhận Đảo Ngọc - Ngũ Xã là điểm du lịch chính thức đã tạo nên một bước đột phá. Điểm nhấn đặc biệt là sự kiện khai trương Tuyến tàu điện số 6 - Bảo tàng đường phố Hà Nội, mang đến một sản phẩm du lịch đặc thù.
Trong sự kiện “Đêm Trúc Bạch” kéo dài ba ngày, hơn 40.000 lượt khách đã đổ về đây, minh chứng cho sức hấp dẫn không gian này.
Một trong những yếu tố thu hút tại Đảo Ngọc - Ngũ Xã chính là việc tái hiện không gian văn hóa, sinh hoạt thời bao cấp. Với các mô hình sống động như tiệm may, quán nước, hiệu ảnh và các vật dụng đặc trưng như chiếc tủ bích-phê, chăn con công hay chiếc phích Rạng Đông, du khách được đắm chìm trong ký ức về một giai đoạn đặc biệt.
Chia sẻ với Người Đưa Tin về trải nghiệm không gian tại đây, bạn Hương Giang (Long Biên) cho hay: “Các không gian về cuộc sống Hà Nội xưa được tái hiện sinh động, đẹp mắt và rất ý nghĩa, giúp giới trẻ hiểu hơn về một thời gian khó đã qua”.
Giang cũng cho biết thêm, điều cô ấn tượng nhất là sự tỉ mỉ trong từng chi tiết tái hiện. Từ những góc phố cổ kính, quầy hàng rong đến hình ảnh của các cụ ông, cụ bà trong tà áo dài, tất cả đều mang lại cảm giác gần gũi và chân thực.
"Khi bước vào không gian tái hiện Hà Nội những năm tháng chiến tranh, mình cảm nhận rõ sự hy sinh và ý chí kiên cường của ông cha. Đây không chỉ là một nơi tham quan, mà còn là nơi để thế hệ trẻ như mình cảm nhận và tự hào về lịch sử", Giang nói.
Bên cạnh đó, các màn trình diễn thực cảnh như đám cưới thời bao cấp hay những bài hát xưa cũ càng làm tăng tính chân thực và cảm xúc cho khách tham quan. Đây không những là cách lưu giữ văn hóa mà còn là cách thu hút lớp trẻ đến gần hơn với lịch sử.
Theo ông Tạ Nam Chiến - Chủ tịch UBND quận Ba Đình, trong những năm qua, quận đã tập trung phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù, đồng thời đẩy mạnh quảng bá giá trị văn hóa gắn liền với di tích lịch sử, lễ hội, sản phẩm văn hóa truyền thống và ẩm thực đặc sắc.
Ông Chiến nhấn mạnh, quận Ba Đình là trung tâm hành chính, đồng thời sở hữu bề dày văn hóa, lịch sử với nhiều di tích và dấu ấn quan trọng. Do đó, đơn vị luôn xác định việc phát triển kinh tế phải được thực hiện một cách thận trọng, đảm bảo hài hòa giữa việc giữ vững an ninh chính trị và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
"Đối với các khu vực được lựa chọn phát triển kinh tế ban đêm, định hướng của quận là tận dụng và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử vốn có. Chúng tôi không đặt ra những mục tiêu xa rời thực tế, mà tập trung phát triển bền vững, đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng”, vị Chủ tịch chia sẻ.
Hiện nay, các không gian đi bộ trên địa bàn Hà Nội cũng đang nỗ lực đổi mới để tạo dấu ấn riêng. Phố đi bộ Thành cổ Sơn Tây, dù ra đời sau các không gian đi bộ khác đã nhanh chóng ghi dấu ấn nhờ cách làm sáng tạo.
Điểm nhấn tại đây là các chương trình nghệ thuật chất lượng như “Đoài Melody” trong chuỗi sự kiện Hanoi Concert và hoạt động “Trung thu Thành cổ - Sơn Tây xứ Đoài”.
Sự kết hợp giữa yếu tố truyền thống và hiện đại đã biến Sơn Tây thành một điểm đến không thể bỏ qua, đặc biệt trong các dịp lễ hội. Các sự kiện tại đây không chỉ phục vụ cư dân địa phương mà còn thu hút du khách từ các vùng lân cận, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội cho thị xã.
Là biểu tượng của Thủ đô, không gian đi bộ quanh hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội không ngừng đổi mới. Những hoạt động nghệ thuật đường phố, triển lãm và sự kiện văn hóa quan trọng như Lễ hội quà tặng du lịch Hà Nội đã mang lại hơi thở hiện đại, sáng tạo cho không gian này.
Đặc biệt, đây còn là nơi để giới trẻ thể hiện tài năng nghệ thuật và là điểm đến quen thuộc của những người yêu thích sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại.
Dù mới hoạt động trong thời gian gần đây, phố đi bộ Trần Nhân Tông đã nhanh chóng trở thành địa điểm tổ chức các sự kiện lớn như Lễ hội ẩm thực Hà Nội. Sự kiện này không chỉ quảng bá nét đẹp ẩm thực của Thủ đô mà còn tạo thêm sân chơi cho người dân và du khách.
Du lịch Hà Nội tự tin "cán đích"
Vừa qua, cơn bão Yagi đổ bộ khiến không ít địa phương bị ảnh hưởng, nhưng Hà Nội nhanh chóng vực dậy nhờ sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ và sự phối hợp của các cấp chính quyền. Những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào sản phẩm, dịch vụ mới đã giúp ngành du lịch sớm phục hồi và bứt phá.
Đáng chú ý, các chính sách thị thực thông thoáng hơn, thời gian lưu trú được cải thiện, đã khiến Việt Nam và đặc biệt là Hà Nội đã trở thành điểm đến hấp dẫn cho khách quốc tế.
Theo Cục Thống kê Hà Nội, chỉ tính riêng 10 tháng đầu năm 2024, tổng lượt khách đến Hà Nội đạt 23,11 triệu, trong đó khách quốc tế chiếm 4,95 triệu. Đây là con số khả quan, vượt xa kỳ vọng ban đầu, khi Hà Nội đặt mục tiêu đón 26,5 triệu lượt khách trong cả năm 2024.
Ước tính đến tháng 11/2024, tổng lượng khách du lịch đến Hà Nội đạt 25,33 triệu lượt, tăng 11,7% so với cùng kỳ năm trước. Tổng thu từ khách du lịch dự kiến đạt 99.949 tỷ đồng, tăng 17,8%. Đây là minh chứng rõ nét cho sự phát triển vượt bậc của du lịch Thủ đô.
Đại diện Công ty CP Asia Magics Travel tự tin rằng Hà Nội hoàn toàn có thể đón thêm hơn 1 triệu khách trong tháng cuối năm, đặc biệt khi mùa cao điểm du lịch quốc tế đang bắt đầu.
Phạm Văn Bẩy - Phó Giám đốc Công ty Vietravel chi nhánh Hà Nội cũng nhấn mạnh xu hướng du lịch bền vững đang thu hút sự quan tâm lớn từ du khách quốc tế.
“Chúng tôi đã phối hợp với Sở Du lịch Hà Nội để xây dựng mô hình du lịch cộng đồng gắn với trải nghiệm tại các làng nghề và văn hóa dân tộc. Chúng tôi tin rằng mô hình này sẽ tạo ra những trải nghiệm độc đáo, góp phần vào sự phát triển bền vững của du lịch Thủ đô”, ông cho biết.
Không chỉ tăng cường quảng bá, Hà Nội còn tập trung phát triển những sản phẩm du lịch mang tính đột phá, gắn liền với văn hóa và thiên nhiên. Các mô hình thí điểm như du lịch nông nghiệp tại xã Tích Giang (huyện Phúc Thọ) hay các chương trình tập huấn phát triển du lịch cộng đồng tại Gia Lâm, Quốc Oai và Mê Linh là những điểm nhấn nổi bật.
Bên cạnh đó, khu di tích Hương Sơn (chùa Hương) cũng được chú trọng đổi mới về quản lý và bảo tồn để thu hút khách. Những hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm du lịch mà còn góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản.
Trước xu hướng công nghệ hóa, Sở Du lịch Hà Nội đã triển khai nhiều sáng kiến, như số hóa hệ thống thông tin du lịch, xây dựng nền tảng địa chỉ số để hỗ trợ du khách. Các điểm đến, dịch vụ và sản phẩm mới đều được tích hợp trên các kênh truyền thông số, giúp quảng bá hình ảnh Hà Nội đến đông đảo du khách trong và ngoài nước.
Ông Trần Trung Hiếu - Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội, cho biết: “Chúng tôi đang tận dụng mọi nguồn lực để nâng tầm thương hiệu du lịch Hà Nội. Thời gian còn lại của năm 2024 là cơ hội để ngành du lịch tạo bứt phá không chỉ về lượng khách mà còn về chất lượng trải nghiệm".
Thời tiết thuận lợi những tháng cuối năm mở ra cơ hội vàng cho Hà Nội tăng tốc, đón dòng khách lớn trong mùa cao điểm. Quan trọng hơn, sự gắn kết giữa chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng không chỉ thúc đẩy tăng trưởng ngắn hạn mà còn đặt nền móng cho chiến lược phát triển bền vững lâu dài.