Tăng sức lan tỏa cho hàng Việt
Thực hiện nhóm hỗ trợ phát triển hệ thống phân phối hàng Việt Nam cố định và bền vững, trên địa bàn tỉnh đã triển khai 9 điểm bán hàng Việt với tên gọi 'Tự hào hàng Việt Nam', góp phần tạo sự lan tỏa về mua và dùng hàng Việt... Tuy nhiên, việc xây dựng điểm bán hàng Việt thí điểm chưa đủ so với đề án đề ra. Vẫn còn những điểm bán hàng hoạt động khó khăn, cần những cách làm mới để tạo sự đột phá.
Địa chỉ tin cậy của người tiêu dùng
Trên địa bàn tỉnh hiện có 9 điểm bán hàng Việt cố định do Sở Công thương triển khai ở các huyện Trà Bồng, Bình Sơn, Sơn Hà, Sơn Tịnh, Mộ Đức, Sơn Tây, Ba Tơ, Minh Long và TX.Đức Phổ. Tại một số điểm bán hàng Việt cố định, việc bố trí kệ hàng, trang trí bảng hiệu... bày trí khá bắt mắt. Hàng hóa có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng.
Người tiêu dùng mua hàng tại điểm bán hàng Việt ở huyện Sơn Tây.
Chị Minh Thỏa, chủ điểm bán hàng Việt ở chợ Thi Phổ (Mộ Đức) cho biết: "Sở Công thương triển khai xây dựng điểm bán hàng Việt của tôi vào tháng 7.2019. Hàng hóa đều được sản xuất trong nước. Khách hàng không ngừng tăng lên. Bởi người dân tin tưởng vào kênh phân phối ở điểm bán hàng Việt. Nhà sản xuất, nhà phân phối và cả người tiêu dùng đều được hưởng lợi".
Tương tự, tiệm tạp hóa Trà Vy, ở xã Sơn Dung (Sơn Tây) được triển khai trong năm 2020 cũng dần trở thành điểm mua hàng tin cậy của người dân địa phương. Mặc dù việc vận chuyển hàng hóa xa xôi, nhưng giá bán vẫn ngang với đồng bằng. Chị Huệ, chủ tiệm tập hóa Trà Vy cho hay: Người dân địa phương rất tin tưởng khi mua hàng hóa ở đây. Việc xây dựng các điểm phân phối hàng Việt ở các huyện miền núi là cần thiết, giúp người dân dễ tiếp cận với hàng hóa chất lượng, giá cả lại phải chăng.
Theo đánh giá của Sở Công thương, qua 5 năm triển khai thực hiện, mô hình điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh được người tiêu dùng đón nhận và đánh giá rất cao. Kênh phân phối này đã góp phần quảng bá, tạo điều kiện để hàng hóa mang thương hiệu Việt và sản phẩm truyền thống, có tiềm năng tại địa phương đến tay người tiêu dùng, ổn định thị trường, nâng cao khả năng cạnh tranh.
Vẫn còn khó khăn
Trong khi nhiều điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh hoạt động hiệu quả, thì tại điểm bán hàng Việt ở huyện Bình Sơn, nằm trong chợ Châu Ổ, đang trong tình trạng "cửa đóng then cài". Điểm bán hàng Việt này do UBND huyện Bình Sơn triển khai xây dựng, nhằm hưởng ứng Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiêu dùng hàng Việt Nam”.
Chị Hồng Hà, từng là chủ điểm bán hàng Việt ở chợ Châu Ổ cho biết: "Nhà nước hỗ trợ cho tôi xây dựng điểm bán hàng Việt này giữa năm 2018. Hoạt động chưa được một năm thì tôi nghỉ bán vì sinh con. Ngoài lý do này thì hoạt động kinh doanh ở điểm bán hàng Việt cũng gặp nhiều khó khăn, do giá thuê mặt bằng đến 3 triệu đồng/tháng và chỉ bán được buổi sáng. Lợi nhuận không nhiều, nên tôi nhượng điểm bán hàng này cho người khác".
Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn Đoàn Hà Yên, điểm bán hàng Việt ở chợ Châu Ổ chủ yếu đưa các mặt hàng nông sản của địa phương để quảng bá thương hiệu là chính. Tuy nhiên, do tình hình dịch Covid-19 nên việc quảng bá, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Dự kiến sau khi dịch Covid-19 tạm lắng, huyện sẽ khôi phục lại điểm bán hàng này.
Đại diện Sở Công thương cho biết: Hiện nay, kinh phí phân bổ để thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” còn hạn chế. Theo đề án của UBND tỉnh, giai đoạn 2016 - 2020 sẽ xây dựng ở mỗi huyện, thị xã, thành phố tối thiểu một điểm bán hàng Việt. Tuy nhiên, đến nay, Sở Công thương mới xây dựng được 9 điểm.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2025/202009/tang-suc-lan-toa-cho-hang-viet-3020256/