Tăng sức mạnh cho U22 Việt Nam
Sau Viktor Lê và An Khánh, U22 Việt Nam tiếp tục có thêm một cầu thủ gốc Việt nữa nhằm chuẩn bị cho các giải đấu lớn trong năm 2025. Việc 'chiêu mộ' nguồn cầu thủ gốc Việt đang thi đấu ở nước ngoài không chỉ giúp U22 Việt Nam tăng sức mạnh, mà còn là lực lượng bổ sung cho đội tuyển quốc gia trong tương lai gần…

U22 Việt Nam quyết đòi lại Huy chương vàng SEA Games.
Bùi Alex được kỳ vọng
Nằm trong kế hoạch chuẩn bị cho các giải đấu quan trọng gồm giải vô địch U23 Đông Nam Á 2025, vòng loại U23 châu Á 2026 và SEA Games 33, đội tuyển U22 Việt Nam tiếp tục được VFF tạo điều kiện tập trung cùng thời điểm với đội tuyển Việt Nam trong dịp FIFA Days tháng 6 tới.
Theo đó, danh sách tập trung lần này quy tụ 26 cầu thủ trẻ xuất sắc từ nhiều CLB trong nước, trong đó đa số là những gương mặt đã đồng hành cùng đội tuyển trong các đợt hội quân trước đây và được thử lửa qua nhiều trận đấu, giải đấu quốc tế. Có thể kể đến những cái tên tiêu biểu như thủ thành Hoa Xuân Tín, Cao Văn Bình, hậu vệ Hồ Văn Cường, Nguyễn Đức Anh, tiền vệ Đinh Xuân Tiến, Nguyễn Văn Trường, tiền đạo Nguyễn Quốc Việt, Nguyễn Thanh Nhàn…
Đáng chú ý, đợt hội quân này ghi nhận sự góp mặt lần đầu của tiền đạo Việt kiều Bùi Alex, cầu thủ đang thi đấu cho đội B Bohemians Praha 1905 tại giải hạng Ba của Cộng hòa Séc.
Bùi Alex sinh năm 2005 tại Praha (Cộng hòa Séc), sở hữu chiều cao 1m78, thi đấu đa năng ở vị trí tiền vệ tấn công, tiền vệ cánh lẫn tiền đạo. Cầu thủ này được đánh giá có kỹ thuật, tốc độ, khả năng kiểm soát và chuyền bóng tốt, dứt điểm hiệu quả bằng cả hai chân, từng nhiều năm liền là chân sút chủ lực tại các đội trẻ ở Séc và đã ghi 2 bàn tại giải hạng Ba trong năm 2025.
Việc bổ sung nhân tố mới như Bùi Alex sẽ góp phần giúp tăng sức mạnh lực lượng, đồng thời khẳng định chiến lược chủ động hội nhập, tìm kiếm nguồn cầu thủ Việt kiều chất lượng cho bóng đá Việt Nam.
Như vậy, nếu tính cả Viktor Lê và An Khánh, U22 Việt Nam có 3 cầu thủ Việt kiều. Dĩ nhiên, được đánh giá cao qua bản “CV” chỉ mới là bước đầu, tất cả phải chứng minh được năng lực ở các buổi tập, thi đấu. Nói cách khác, cầu thủ Việt kiều về Việt Nam ngày một đông nhưng chắc chắn VFF, bộ phận chuyên môn, HLV Kim Sang Sik có sự chọn lọc, đưa ra những thử thách để đánh giá trước khi sử dụng.
Theo kế hoạch, trong đợt tập trung lần này, đội tuyển U22 Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì tập luyện tại Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam để củng cố lối chơi, hoàn thiện đội hình, sẵn sàng cho các mục tiêu quan trọng sắp tới. Đây cũng là kế hoạch được VFF triển khai từ rất sớm dành cho đội tuyển U22 Việt Nam, với lộ trình bài bản, đồng bộ cùng đội tuyển quốc gia trong các đợt FIFA Days.
Tin vui trước SEA Games
Nhằm chuẩn bị cho buổi lễ bốc thăm chia bảng SEA Games 33 với môn bóng đá nam, nữ, mới đây Liên đoàn Bóng đá Đông Nam Á (AFF) đã công bố nhóm hạt giống cùng việc đưa ra thể thức thi đấu mới với môn bóng đá.
Theo đó, bóng đá nam SEA Games 33 có 11 đội tham dự, được chia thành 3 bảng: bảng A gồm 3 đội, bảng B và C mỗi bảng 4 đội.
Với việc nằm trong nhóm hạt giống số 1, U22 Việt Nam sẽ tránh gặp được đối thủ mạnh, chưa kể vị thế hàng đầu khu vực cũng giúp các cầu thủ trẻ bước vào giải đấu với sự tự tin.
Đây là lần đầu tiên môn bóng đá nam SEA Games chia làm 3 bảng, nhằm giúp các đội giảm số trận thi đấu, nhưng tính cạnh tranh sẽ khốc liệt hơn. Thái Lan đương nhiên có lợi thế nhất vì là chủ nhà, gần như sẽ nằm ở bảng A (3 đội).
Theo lịch thi đấu, vòng bảng diễn ra từ ngày 3/12 đến ngày 12/12; vòng bán kết ngày 15/12; trận tranh hạng Ba và chung kết tổ chức vào ngày 18/12. Ba sân vận động được chọn làm địa điểm thi đấu gồm Rajamangala (Bangkok), Tinsulanonda (Songkhla) và 700th Anniversary of Chiangmai (Chiangmai), trong đó sân Rajamangala là nơi diễn ra vòng bán kết, trận tranh hạng Ba và chung kết.
Dưới thời HLV Kim Sang Sik, đội tuyển Việt Nam vừa vô địch AFF Cup 2024. Chiến lược gia người Hàn Quốc được kỳ vọng sẽ giúp U22 Việt Nam đổi màu tấm HCV (SEA Games trước giành HCĐ). Dưới thời người tiền nhiệm Park Hang Seo, Việt Nam từng 2 lần liên tiếp giành HCV, vào các năm 2019 và 2022.
Với môn bóng đá nữ, 9 đội tuyển tham dự cũng được chia thành 3 bảng, mỗi bảng 3 đội. Nhóm hạt giống 1 gồm Thái Lan (đội chủ nhà, mã A1), Việt Nam và Myanmar; nhóm 2 gồm Campuchia, Philippines, Singapore; nhóm 3 gồm Malaysia, Lào, Indonesia.
Thể thức thi đấu môn bóng đá nữ tương tự môn bóng đá nam với các trận vòng bảng diễn ra từ 4/12 đến 13/12; vòng bán kết ngày 14/12; trận tranh hạng Ba và chung kết ngày 17/12. Hai sân vận động được chọn là địa điểm tổ chức các trận đấu vòng bảng của môn bóng đá nữ là Chonburi và TNSU Chonburi. Sân Chonburi là địa điểm diễn ra vòng bán kết, trận tranh hạng Ba và chung kết.
Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/tang-suc-manh-cho-u22-viet-nam-10306481.html