Tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT: Cần xử nghiêm hành vi lấn làn!

Nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong khung giờ cao điểm, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội mới đây đã phê duyệt phương án tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT. Tuy nhiên, quanh vấn đề này, không ít ý kiến cho rằng nếu không xử lý được 'gốc' là hành vi lấn làn BRT thì xe buýt nhanh vẫn khó đảm bảo tần suất và thời gian di chuyển.

Theo đó, Sở GTVT Hà Nội đã phê duyệt phương án tăng tần suất của tuyến buýt nhanh BRT 01 (Bến xe Yên Nghĩa - Kim Mã). Cụ thể, vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 7, số lượng chuyến được tăng thêm 20 lượt xe/ngày lên mức 378 lượt xe/ngày, ngày Chủ Nhật vẫn giữ nguyên 264 lượt/ngày. Khung giờ cao điểm sáng tăng 8 lượt và khung giờ cao điểm chiều tăng 12 lượt.

Sở GTVT yêu cầu Tổng công ty Vận tải Hà Nội kiểm tra, rà soát lại các chỉ tiêu vận hành của tuyến buýt BRT 01. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị trực thuộc chuẩn bị đầy đủ những điều kiện cần thiết về nhân lực, phương tiện, tiêu chuẩn kỹ thuật để bảo đảm quá trình vận hành được thông suốt và an toàn.

Tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong khung giờ cao điểm là động thái đúng đắn của các ngành chức năng. Song quanh vấn đề này, các ngành chức năng liên quan cần phải xử lý hành vi lấn làn BRT của các phương tiện cá nhân. Ảnh: Đinh Luyện

Tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, đặc biệt là trong khung giờ cao điểm là động thái đúng đắn của các ngành chức năng. Song quanh vấn đề này, các ngành chức năng liên quan cần phải xử lý hành vi lấn làn BRT của các phương tiện cá nhân. Ảnh: Đinh Luyện

Khách quan nhìn nhận, việc tăng tần suất tuyến buýt nhanh BRT nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của người dân. Đặc biệt trong giờ cao điểm, có những ngày lên đến 120 hành khách/lượt. Tuy nhiên, đã và đang có thực trạng, vào các khung giờ cao điểm, lượng khách sử dụng xe buýt nhanh BRT luôn ở mức cao. Tuy BRT có làn đường riêng, song tuyến buýt nhanh vẫn di chuyển với tốc độ khá chậm chạp do bị “bủa vây” bởi hàng trăm chiếc ô tô, xe máy lấn làn...

Nói cách khác, buýt nhanh BRT chỉ nhanh được trong giờ thấp điểm. Giờ cao điểm là lúc người dân cần sự di chuyển dễ dàng nhất thì buýt BRT vẫn chưa đáp ứng được.

Cụ thể, trên đường Lê Văn Lương xe buýt nhanh đang gặp rất nhiều khó khăn để tiếp cận được với nhà chờ; còn tại 2 cầu vượt (Láng Hạ - Huỳnh Thúc Kháng và Lê Văn Lương - Láng) khi đến cầu, thường có tín hiệu đèn ưu tiên cho xe BRT lên cầu nhằm giảm xung đột với các loại phương tiện cơ giới khác và cấm xe máy lưu thông trong giờ cao điểm, nhưng xe máy vẫn đua nhau lên cầu bất chấp biển cấm…

Ngoài ra, do công tác phân luồng, làn phương tiện thời điểm tan tầm nên việc xử lý của các lực lượng chức năng cũng rất hạn chế. Hệ lụy nhãn tiền là dọc trục đường buýt BRT đi qua, tình trạng phương tiện cá nhân nhờn luật, lấn làn thường xuyên tái diễn.

Thiết nghĩ, việc tăng tần suất hoạt động của xe buýt nhanh BRT, phục vụ nhu cầu vận tải hành khách công cộng là hết sức cần thiết song các ngành chức năng cần xử nghiêm hành vi lấn làn, có như vậy việc di chuyển và tần suất xe BRT mới được đảm bảo.

Theo tính toán của các ngành chức năng, vào các khung giờ cao điểm, lượng khách sử dụng xe buýt nhanh BRT luôn ở mức cao. Hiện tuyến buýt nhanh BRT vận chuyển đạt hơn 2.400 lượt xe với hơn 94.000 lượt hành khách. Trong đó, khách vé lượt hơn 33.000, khách vé tháng hơn 61.000 lượt.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/tang-tan-suat-hoat-dong-cua-xe-buyt-nhanh-brt-can-xu-nghiem-hanh-vi-lan-lan-91728.html