Tăng thêm 1 phó chủ tịch tỉnh chuyên trách vùng Tây Nghệ An là hợp lý

Theo Đại biểu Quốc hội, việc tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND tỉnh phụ trách vùng Tây Nghệ An là hợp lý để tạo điều kiện đầu tư phát triển khu vực này.

Chiều 6/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm bổ sung một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Việc tăng 1 phó chủ tịch cho TP Vinh có thể chấp nhận được

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) tán thành việc tăng thêm biên chế bộ máy chính quyền TP Vinh.

“Tăng thêm có thể không đúng với chủ trương tinh gọn bộ máy và giảm bớt cấp phó, nhưng sau khi sáp nhập thị xã Cửa Lò và một số xã của huyện Nghi Lộc vào TP Vinh để mở rộng địa bàn này thì việc tăng thêm 1 phó chủ tịch là có thể chấp nhận được”, bà Hoa nói.

Đại biểu nêu thực tế dân số Nghệ An đứng thứ 4, diện tích đứng thứ nhất cả nước, trong đó miền Tây Nghệ An có tới 11/21 đơn vị huyện, thị xã, chiếm tới 84% diện tích toàn tỉnh.

Trong đó có những huyện như huyện Tương Dương có diện tích lớn nhất Nghệ An, có khi rộng gấp hơn 3 lần đối với một vài tỉnh ở phía Bắc. Vì có những xã rất rộng nên hiện nay phía Tây Nghệ An là địa bàn vô cùng khó khăn.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp). Ảnh: QH

“Vì vậy việc đầu tư với những chính sách đặc thù cho phía Tây Nghệ An là phù hợp. Việc tăng thêm 1 phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đối với một địa bàn rất rộng và dân rất đông tôi nghĩ là hợp lý”, đại biểu Hoa phân tích.

Tuy nhiên, bà Hoa cũng lưu ý, phải phân công nhiệm vụ thật rõ, nếu là 1 phó chủ tịch chuyên phụ trách vùng Tây Nghệ An để có thể đầu tư phát triển khu vực này thì hợp lý hơn.

Bà cũng đồng tình việc đầu tư cho huyện Nam Đàn và 11 đơn vị của vùng Tây Nghệ An để bảo đảm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và không nên dàn trải.

Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cũng cho rằng việc bố trí 3 phó chủ tịch của UBND TP Vinh là rất cần thiết, giống như TP.HCM, Hà Nội bố trí 3 phó chủ tịch đối với những quận quan trọng.

Riêng đối với UBND tỉnh Nghệ An, theo đề xuất có 5 phó chủ tịch tỉnh (tăng 1 so với quy định), đại biểu Hòa nhận thấy như vậy là nhiều quá, nhưng ông cũng bày tỏ đồng tình với báo cáo của cơ quan thẩm tra.

Để cho tỉnh quyết định

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) quan tâm đến chính sách “cho phép các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng đối với huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”.

Tuy nhiên, ông băn khoăn, quy định như dự thảo có thể "hơi bó hẹp" phạm vi mà các tỉnh bạn muốn hỗ trợ. Ví dụ như họ muốn hỗ trợ cho các địa phương khác ngoài 2 địa bàn này thì sẽ không được.

“Tôi nghĩ nên quy định theo hướng mở và xác định thứ tự ưu tiên cho 2 địa bàn trên. Theo đó, các tỉnh, thành được sử dụng ngân sách của mình để hỗ trợ tỉnh Nghệ An, ưu tiên hỗ trợ huyện Nam Đàn và địa bàn miền Tây Nghệ An”, đại biểu Tám góp ý.

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: QH

Đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum). Ảnh: QH

Liên quan đến chính sách để lại nguồn thu từ các cơ sở thủy điện, từ hoạt động khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư cho chính khu vực này, đại biểu Tô Văn Tám cho rằng như vậy là hợp đạo lý. Bởi vì miền Tây Nghệ An là địa bàn hết sức khó khăn, cần rất nhiều nguồn lực để phát triển.

Cùng quan điểm, đại biểu Trần Văn Thức (Thanh Hóa) lưu ý, việc quy định như dự thảo về việc các tỉnh sử dụng ngân sách hỗ trợ bó khuôn trong địa bàn huyện Nam Đàn và 11 huyện phía Tây của tỉnh Nghệ An sẽ thiếu cơ sở linh hoạt.

“Nên cân nhắc để quy định theo hướng mở và linh hoạt hơn, nhằm mục tiêu tiếp cận tối đa mọi sự hỗ trợ từ các địa phương dành cho cả tỉnh Nghệ An”, ông Thức nói.

Ông cũng đồng tình với quy định cho phép để lại nguồn thu thuế từ các cơ sở sản xuất thủy điện, nguồn thu nội địa từ hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn miền Tây Nghệ An để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cho địa bàn này.

Ông đề nghị nên cân nhắc để có thể mở rộng phạm vi thực hiện chính sách này, áp dụng trên toàn bộ địa bàn tỉnh Nghệ An nhằm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội địa bàn miền Tây Nghệ An.

“Nguồn thu này là nguồn thu tại địa phương và phục vụ trở lại cho nhu cầu của địa phương, tại sao chúng ta phải giới hạn? Mặt khác, chúng tôi được biết hầu hết các cơ sở thủy điện và các hoạt động khai thác khoáng sản của Nghệ An cũng chỉ tập trung trên địa bàn miền Tây Nghệ An”, ông Thức phân tích.

Theo đại biểu, nếu mở rộng phạm vi thì không chỉ tăng thêm nguồn lực cho phát triển miền Tây Nghệ An mà còn là cơ sở để tạo đà bứt phá cho cả khu vực khó khăn nhất của tỉnh Nghệ An.

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: QH

Giải trình làm rõ một số ý kiến đại biểu góp ý, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện có 2 luồng ý kiến khác nhau về chính sách các địa phương được dùng ngân sách hỗ trợ cho tỉnh Nghệ An, huyện Nam Đàn và miền Tây Nghệ An.

“Quan điểm của cơ quan soạn thảo chúng tôi thấy rằng nên để cho tỉnh quyết định, không nên cứng nhắc, vì sau này có vấn đề gì vướng một chút nằm ngoài địa bàn đó lại phải xin ý kiến Quốc hội thì không cần thiết.

Nên giao lại trách nhiệm đó cho tỉnh, còn Chính phủ và các cấp giám sát để đảm bảo trọng tâm, trọng điểm và cũng đúng tinh thần của Nghị quyết 39”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng gợi mở.

Thu Hằng

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/tang-them-1-pho-chu-tich-tinh-chuyen-trach-vung-tay-nghe-an-la-hop-ly-2288982.html