Tăng thêm động lực cho thầy cô: Bài toán cần giải sớm!

Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đời sống của đa số giáo viên vốn khó khăn sẽ khó khăn hơn. Đặc biệt, đối với giáo viên ngoài công lập, cô giáo mầm non tư thục bị mất việc kéo dài thì một bó hoa nhân ngày nhà giáo cũng là điều xa xỉ.

Vai trò lớn, trách nhiệm nhiều

Dân tộc ta có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Vị trí của người thầy được đánh giá rất cao khi người xưa xếp “quân, sư, phụ” tức người thầy được nâng lên trên cả địa vị của người cha trong gia đình. Ngày nay, dù trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0 với trí tuệ nhân tạo nhưng vị trí, vai trò của người thầy không vì thế bị xem nhẹ. Nghề giáo vẫn là nghề cao quý nhất, được xã hội tôn vinh.

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị nghiên cứu thêm phương châm “lấy nhà trường làm nền tảng”, “lấy thầy giáo làm động lực” để bổ sung cho phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”. Chỉ đạo của Thủ tướng “lấy thầy giáo làm động lực” trong sự nghiệp giáo dục một lần nữa tôn vinh, khẳng định vai trò, vị trí hết sức quan trọng của người thầy.

Giáo viên đã nỗ lực không mệt mỏi suốt năm qua.

Suốt 2 năm qua đại dịch COVID-19 kéo dài, giáo dục được xác định là một trong những lĩnh vực chịu tác động nặng nề nhất của đại dịch COVID-19. Đặc biệt, trong năm học 2021 - 2022 khi thời gian gần kết thúc học kỳ 1 nhưng học sinh tại nhiều tỉnh, thành phố lớn vẫn chưa được đến trường. Với bao khó khăn chồng chất nhưng toàn Ngành Giáo dục vẫn đặt mục tiêu “vạn biến về phương pháp nhưng bất biết về chất lượng”, “dừng đến trường nhưng không dừng việc học”.

Hoàn cảnh khó khăn, mục tiêu không thay đổi nên mọi áp lực dạy học đều đổ dồn lên vai người thầy suốt thời gian dài. Để chuyển sang dạy học trực tuyến có hiệu quả suốt thời gian dài qua thì công sức của người thầy bỏ ra rất lớn. Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc Hội Nguyễn Thị Mai Hoa thì để có giờ dạy trực tuyến, các thầy cô đã cố gắng gấp 200 -300% so với giảng dạy trực tiếp.

Cần chăm lo người thầy nhiều hơn

Khó khăn, nỗ lực vượt khó là điều mà cả xã hội ghi nhận cho toàn ngành giáo dục nhưng ông cha ta vẫn thường nói “có thực mới vực được đạo”. Người thầy luôn mang trọng trách lớn nhưng hiện nay sự quan tâm, đãi ngộ vẫn chưa tương xứng với sự đóng góp của họ.

Giáo sư Nguyễn Đình Đức Trưởng ban đào tạo đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, để người thầy thành động lực cho sự nghiệp giáo dục thì cần quan tâm đến người thầy nhiều hơn. Trước hết phải hoàn thiện thể chế, chính sách, thu hút được nhân tài, chế độ đãi ngộ không cào bằng, quan tâm chế độ làm việc để người thầy yên tâm công tác, phấn đấu.

Tiến sĩ Lê Trường Tùng, Hiệu trưởng Đại học FPT cũng từng mong muốn: “Nghề giáo cao quý không phải là nói cho sang miệng - mà phải là cao quý thật sự, để có được niềm kiêu hãnh tự nhiên từ người thầy, có lòng tin sâu sắc từ xã hội, có niềm tin và cảm phục từ người học, phụ huynh, và tạo được kỳ vọng son sắt vào tương lai đất nước”.

Muốn được như vậy, ông Lê Trường Tùng đề xuất, trước hết mỗi trường học là một trung tâm tử tế. Các nhốn nháo, tiêu cực xã hội xin dừng ở ngoài cổng trường. Thu nhập của thầy cô cũng phải đàng hoàng, cần tăng lương cho thầy cô để tăng chất lượng giáo dục. Ngoài ra, nhà nước cần phải đầu tư mạnh cho các trường sư phạm, để điều kiện học tập ở các trường sư phạm sẽ là tốt nhất…

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường nhấn mạnh: “Về lâu dài, cần có chính sách tổng thể để đội ngũ nhà giáo thực sự yên tâm, toàn tâm toàn ý với công việc chuyên môn. Khi có được chính sách đảm bảo đãi ngộ thỏa đáng với đội ngũ nhà giáo thì đó là cơ sở để cho bản thân nhà giáo vươn lên nâng cao năng lực; là cơ sở thu hút được đối tượng học sinh sinh viên có trình độ năng lực vào các ngành sư phạm, tạo ra đội ngũ giáo viên có trình độ chất lượng trong tương lai”.

Mong muốn của Giáo sư Nguyễn Đình Đức, của thầy Lê Trường Tùng và đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường cũng chính là mong mỏi từ lâu của đội ngũ giáo viên.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn trong lễ tuyên dương nhà giáo, cán bộ quản lý tiêu biểu năm 2021 từng nhấn mạnh: “Vẫn biết còn rất nhiều việc phải làm để đáp ứng được mong mỏi của các thầy cô, song với trách nhiệm của mình, lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục nỗ lực kiến tạo những chính sách mới, điều chỉnh các chính sách bất cập lạc hậu, để tạo động lực cho đội ngũ giáo viên, hỗ trợ và đồng hành cùng tất cả các thầy, các cô”.

Trước mắt phải “cứu đói”

Thay đổi chính sách để tăng động lực cho thầy cô là bài toán cần giải sớm. Tuy nhiên, cấp bách nhất phải là “cứu đói” đối với những nhà giáo đang lâm vào khó khăn trong bối cảnh COVID-19. Bà Nguyễn Thị Mai Hoa, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội chia sẻ rằng, điều tôi trăn trở là một bộ phận những nhà giáo ngoài công lập, những cô giáo mầm non các cơ sở mầm non dân lập, tư thục, nhóm trẻ... đang trong tình trạng mất việc và nhiều người trong số đó phải bỏ nghề.

Trong khi đó, đây là lực lượng lao động đặc thù, có có mức lương thấp, điều kiện làm việc khó khăn. “Nguyện vọng mà hàng trăm trường mầm non dân lập, tư thục đặt ra là cần Nhà nước có chính sách hỗ trợ. Tôi hoàn toàn ủng hộ nguyện vọng này” – bà Nguyễn Thị Mai Hoa nhấn mạnh.

Đời sống đại bộ phận nhà giáo vẫn còn khó khăn, đặc biệt nhất là những thầy cô mất việc do đại dịch COVID-19. Chính vì lẽ đó, năm nay ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/2021) với nhiều thầy cô là một năm “buồn” vì không lương, không hoa. Mong rằng, với nghị lực vượt khó vươn lên, các thầy cô chia sẻ cùng nhau, cùng với học sinh vượt qua giai đoạn thử thách khó khăn này.

Trinh Phúc

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-them-dong-luc-cho-thay-co-bai-toan-can-giai-som-post167689.html