Tặng thiết bị phòng cháy, chữa cháy cho hộ nghèo
Với quyết tâm không để xảy ra cháy, nổ hoặc khi có sự cố xảy ra, với thiết bị chuyên dụng sẵn có, sẽ hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại xảy ra, Công an tỉnh Hà Tĩnh đang vận động, xây dựng các mô hình tiến tới 100% hộ dân, doanh nghiệp và cơ quan, đơn vị trên địa bàn đều trang bị thiết bị phòng cháy, chữa cháy (PCCC).
Ngày 2/6, Công an huyện Đức Thọ, Công an xã Yên Hồ phối hợp cùng với 4 doanh nghiệp là con em quê hương, tiến hành trao tặng 80 bình chữa cháy cho hộ nghèo, hộ cận nghèo và một số hộ gặp hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn. Đây là số thiết bị được vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, con em xa quê hỗ trợ, góp phần giúp các gia đình phục vụ tốt hơn công tác PCCC, giảm thiểu thấp nhất những tai nạn đáng tiếc khi có sự cố cháy nổ xảy ra. Trong đó, 78 hộ gia đình nghèo đã được trao mỗi gia đình một bình PCCC, 2 thiết bị còn lại hỗ trợ bổ sung tại trụ sở UBND xã. Yên Hồ phấn đấu đến tháng 12/2023, 100% hộ gia đình trên địa bàn xã đều trang bị thiết bị bình PCCC theo chỉ đạo của Bộ Công an và Công an tỉnh.
Cũng trên địa bàn huyện Đức Thọ, Thanh Bình Thịnh là địa phương tập trung các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh đồ gỗ lớn nhất tỉnh, với hơn 60 cơ sở nên luôn tiềm ẩn nguy cơ cao xảy ra cháy, nổ. Với phương châm “4 tại chỗ” trong công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH), đến nay toàn xã đã phủ kín mô hình “Khu dân cư an toàn phòng cháy, chữa cháy” tại 14 thôn. Trong đó, chú trọng triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC trong khu dân cư, phát động nhân dân thực hiện phong trào phủ kín bình chữa cháy đến các hộ gia đình, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng các phường và lực lượng PCCC cơ sở. Nhờ vậy, khi có sự cố cháy nổ xảy ra, ngoài sử dụng trang thiết bị sẵn có, còn huy động được sức mạnh của quần chúng nhân dân.
Vừa qua, khi phát hiện vụ cháy xảy ra tại một cơ sở dịch vụ phun sơn PU trên địa bàn, chính quyền địa phương, lực lượng Công an, dân phòng cùng người dân gồm 33 người đã nhanh chóng huy động 5 bình chữa cháy, hệ thống vòi nước, lăng chữa cháy... kịp thời đưa tài sản đến nơi an toàn để ứng phó với hỏa hoạn. Nhờ vậy, chỉ trong vòng 20 phút, ngọn lửa đã được khống chế hoàn toàn.
Thống kê cho thấy, từ năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xảy ra 151 vụ cháy làm 3 người chết, 2 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 6,5 tỷ đồng, trong đó có hơn 13ha rừng bị cháy. Để phòng ngừa các vụ cháy xảy ra, đồng thời giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản khi có hỏa hoạn xảy ra, trong thời gian vừa qua tỉnh Hà Tĩnh đã triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp liên quan đến PCCC&CNCH. Trong đó, chú trọng công tác trang bị thiết bị về PCCC và kĩ năng ứng phó với “giặc lửa” cho toàn thể nhân dân, các hộ gia đình, phấn đấu mỗi người dân trên địa bàn là một chiến sĩ trên mặt trận PCCC.
Tỉnh Hà Tĩnh phấn đấu đến ngày 31/10/2023 mỗi hộ gia đình sẽ trang bị tối thiểu 1 bình chữa cháy; 1 dụng cụ phá dỡ thô sơ bảo đảm khi có sự cố cháy, nổ xảy ra trong khu dân cư. Các hộ gia đình có phương tiện để chữa cháy, CNCH ngay từ khi đám cháy mới phát sinh; có lối thoát nạn thứ 2 qua ban công, lên tầng mái thoát nạn bằng thang dây, dây cứu người hoặc sang nhà bên cạnh. Tuyên truyền và vận động các hộ dân cài đặt và sử dụng thành thạo ứng dụng app “Báo cháy 114”.
Là lực lượng gương mẫu đi đầu và tích cực hưởng ứng, trước đó, từ tháng 2/2023, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an tỉnh Hà Tĩnh đã vận động cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị trang bị trong nhà có ít nhất 1 bình chữa cháy. Qua hơn 2 tháng triển khai, đến nay đã có 100% nhà ở cán bộ, chiến sĩ trong đơn vị đã trang bị đầy đủ bình chữa cháy xách tay. Không chỉ dừng lại ở lực lượng làm nhiệm vụ PCCC, hiện nay Công an tỉnh Hà Tĩnh đang triển khai phong trào này đến tất cả cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng. Ngoài việc đảm bảo trang thiết bị chữa cháy tại nhà, mỗi cán bộ, chiến sĩ còn là những tuyên truyền viên tích cực, gương mẫu đi đầu để tuyên truyền, vận động người thân của mình tích cực hưởng ứng.
Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng là địa phương tích cực trong việc xây dựng các tổ liên gia về PCCC tại các nơi công cộng. Đến nay, tại các địa phương cấp xã, phường và thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh cũng đã xây dựng, ra mắt và đi vào hoạt động mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC và điểm chữa cháy công cộng”. Mô hình này nhằm huy động sức mạnh toàn dân, chủ động phòng ngừa, hạn chế thấp nhất các vụ cháy, nổ, sự cố bất ngờ xảy ra. Trên cơ sở nòng cốt là các tổ tự quản, mô hình nhằm xây dựng lực lượng tình nguyện tại chỗ vững mạnh, đáp ứng yêu cầu công tác PCCC&CNCH, góp phần bảo đảm ANTT trên địa bàn. Việc lựa chọn, xây dựng mô hình về an toàn PCCC còn góp phần phát huy hiệu quả phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ và vật tư, hậu cần tại chỗ), qua đó chủ động phòng ngừa, làm giảm thiểu các sự cố cháy nổ xảy ra.
Trong thời gian tới, Công an tỉnh Hà Tĩnh mà chủ công là Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH sẽ tiếp tục tăng cường tuyên truyền, vận động nguồn lực, kinh phí để mua, tặng bình chữa cháy cho đối tượng là người dân thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo để bảo đảm phong trào toàn dân tham gia PCCC&CNCH trong khu dân cư hoạt động thiết thực, hiệu quả. Phấn đấu đến ngày 30/6/2023, 100% nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh tham gia xây dựng mô hình “Tổ liên gia an toàn PCCC” và đến ngày 31/10/2023, mỗi hộ gia đình phải có ít nhất 1 người được tập huấn kiến thức, kỹ năng chữa cháy và CNCH.