Tăng thời gian thực hành, tăng thêm kỹ năng nghề

Đào tạo đại học hiện nay không còn tập trung vào kiến thức lý thuyết, mà tăng tính thực hành, hướng đến vững tay nghề cho người học.

 Nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch đang rất lớn

Nhu cầu tuyển dụng lao động trong lĩnh vực du lịch đang rất lớn

Tăng tính thực hành

Du lịch là lĩnh vực đòi hỏi cao về kỹ năng nghề. Càng ở những điểm du lịch, cơ sở lưu trú chất lượng, cao sao, càng đòi hỏi đội ngũ nhân lực không chỉ vững lý thuyết chuyên môn, mà phải giỏi tay nghề. Đối với những bộ phận quản lý cũng thế, chỉ khi có kỹ năng nghề tốt, mới có thể điều hành dịch vụ theo tiêu chuẩn cao. Chính vì vậy, xu hướng trong lĩnh vực du lịch hiện nay, các nhà tuyển dụng lựa chọn những lao động vừa có chuyên môn, vừa có kỹ năng nghề tốt.

Từ đánh giá thực tế và nắm bắt xu hướng tuyển dụng, thời gian qua, Trường Du lịch – Đại học Huế đã thay đổi rất nhiều trong đào tạo. Đáng chú ý là nhà trường tăng học phần thực hành từ 3 tháng lên thành 6 tháng. Sinh viên năm cuối có nguyên “học kỳ tại doanh nghiệp”. Đó là khoảng thời gian phù hợp để sinh viên củng cố lại kiến thức đã học, có những va chạm thực tế. Việc tăng học phần thực hành, thực tế giúp sinh viên sau ra trường có thể tham gia làm việc ngay, không cần thời gian hoặc giảm thời đào tạo lại.

Trường Du lịch thông tin, thực tập hè năm 2024 vừa qua, sinh viên của nhà trường tham gia thực tập tại các bộ phận quan trọng như lễ tân, buồng phòng và nhà hàng. Tại bộ phận lễ tân, sinh viên học cách tiếp đón và hỗ trợ khách hàng, quản lý thông tin đặt phòng và xử lý các yêu cầu của khách càng lúc càng chuyên nghiệp. Tại bộ phận buồng phòng, thực hành quy trình làm sạch và bảo quản phòng lưu trú, đảm bảo sự hài lòng cao nhất cho khách hàng. Trong khi đó, ở nhà hàng, sinh viên được thực hành kỹ năng phục vụ, quản lý nhà hàng và thậm chí là chuẩn bị các món ăn dưới sự hướng dẫn của đầu bếp chuyên nghiệp.

 Nhà tuyển dụng trao đổi với sinh viên Trường Du lịch - Đại học Huế

Nhà tuyển dụng trao đổi với sinh viên Trường Du lịch - Đại học Huế

Ông Franck Rodriguez, Tổng Giám đốc vùng Banyan Tree Lăng Cô và Angsana Lăng Cô (Lộc Vĩnh, Phú Lộc) đánh giá, sinh viên đến thực tập tại khu nghỉ dưỡng không chỉ có nền tảng kiến thức tốt, mà còn có tinh thần cầu tiến, ham học hỏi và luôn sẵn sàng đối mặt với thử thách. Doanh nghiệp luôn tạo mọi điều kiện để sinh viên học hỏi được nhiều nhất khi thực tập. Về phía doanh nghiệp, thông qua các đợt thực tập là dịp để tuyển dụng nhân lực tiềm năng. Các sinh viên thực tập còn có thể mang đến những ý tưởng sáng tạo, tươi mới; góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ cho cơ sở lưu trú.

Theo PGS.TS. Trần Hữu Tuấn, Hiệu trưởng Trường Du lịch – Đại học Huế, sự kiện ngày hội việc làm do trường tổ chức tháng 8/2024 vừa qua đã thu hút sự tham gia của 14 doanh nghiệp hàng đầu trong ngành du lịch. Các vị trí tuyển dụng rất đa dạng, từ lễ tân, quản lý nhà hàng, trưởng phòng kinh doanh, đến nhân viên marketing... Điểm đáng chú ý là hơn 160 sinh viên sắp tốt nghiệp, chiếm tỷ lệ hơn 35% trong tổng số sinh viên tốt nghiệp trong năm 2024 đã được các doanh nghiệp tuyển dụng ngay trước khi nhận bằng tốt nghiệp.

Điều chỉnh để đáp ứng nhu cầu mới

Theo Ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế, ngoài những ngành đào tạo cơ bản, đòi hỏi lý thuyết chuyên sâu, còn lại hầu hết các chương trình đào tạo đại học hiện nay đều có sự thay đổi. Đó là chuyển dần từ lý thuyết sang thực hành, hướng đến kỹ năng nghề, đáp ứng nhu cầu của xã hội. Từ thực tập 3 tháng, nhiều trường chuyển thành 6 tháng, 9 tháng; có trường áp dụng đến 40% thời gian học cho thực hành, thực tập, có trường còn triển khai thực tập ngay từ năm hai.

Đối với lĩnh vực đào tạo y – dược, liên quan đến chăm sóc sức khỏe, việc thực hành, thực tập với thời gian lớn càng được ưu tiên. Điều này đảm bảo cho sinh viên có được nhiều kinh nghiệm, nâng cao chuyên môn. Không những thế, các kỹ thuật mới, chuyển đổi số trong khám, chữa bệnh… đòi hỏi công tác đào tạo lĩnh vực y - dược phải thay đổi, cập nhật liên tục.

GS.TS. Nguyễn Vũ Quốc Huy, Hiệu trưởng Trường đại học Y – Dược, Đại học Huế cho biết, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Trường đại học Y khoa Harvard, Hoa Kỳ, các chương trình đào tạo Y khoa và Răng - Hàm - Mặt đã được nhà trường đổi mới và khóa đào tạo đầu tiên vừa tốt nghiệp trong năm 2024. Chương trình được giới chuyên môn đánh giá rất cao. Một trong những thay đổi quan trọng của đào tạo theo chương trình đổi mới là sinh viên tham gia thực hành, thực tập nhiều hơn, với thuận lợi khi Huế có nhiều cơ sở y tế chất lượng, tạo môi trường thực hành thuận lợi cho sinh viên. Cùng với đó, sinh viên tham gia nhiều vào các nghiên cứu khoa học, phát huy tính sáng tạo trong học tập. Điều này giúp sinh viên năng động, chủ động hơn trong học tập. Quan trọng là hướng đến nâng cao chất lượng đào tạo.

Từ thay đổi đó, Trường đại học Y – Dược cho biết sẽ tiếp tục đổi mới 17 chương trình đào tạo Bác sĩ nội trú theo hướng tích hợp, dựa trên năng lực áp dụng các phương pháp dạy - học và lượng giá tiên tiến hiện hành. Đồng thời, triển khai đổi mới chương trình đào tạo ngành cử nhân Điều dưỡng và Dược học theo hướng tích hợp, dựa trên năng lực.

TS. Lê Văn Tường Lân, Quyền Trưởng ban Đào tạo và Công tác sinh viên, Đại học Huế cho biết, Đại học Huế đặt mục tiêu đảm bảo các chương trình đào tạo đáp ứng được các tiêu chuẩn chất lượng cao nhất; cập nhật và điều chỉnh các chương trình theo yêu cầu của thị trường lao động và tiến bộ công nghệ. Cùng với đó, cập nhật chương trình giảng dạy thường xuyên, phù hợp với xu hướng và yêu cầu của các doanh nghiệp; mở rộng đào tạo các ngành bằng tiếng Anh để phù hợp với xu thế hội nhập; thiết lập mối quan hệ với các doanh nghiệp để tạo cơ hội thực tập, việc làm cho sinh viên và mời doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo.

Bài, ảnh: ĐỨC QUANG

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/giao-duc/tang-thoi-gian-thuc-hanh-tang-them-ky-nang-nghe-145794.html