Tàng thư độc lạ của Tạ Thu Phong

Luật sư Tạ Thu Phong sưu tầm được 10 nghìn cuốn sách cũ, cổ và hàng chục nghìn bản báo cũ, nhiều nhất là báo chí Cách mạng thời kỳ đầu.

 Nhà sưu tầm sách báo Tạ Thu Phong.

Nhà sưu tầm sách báo Tạ Thu Phong.

Cách sưu tầm của anh cũng khác người, không theo tiêu chí đắt đỏ, độc bản mà sưu tầm theo chủ đề để có thể khai thác kiến thức, thông tin và viết sách.

Những bộ sách cũ quý giá và mang nhiều câu chuyện của chủ cũ

Trong chiều Hà Nội mát lành, bên bờ dòng sông Đuống mênh mang, tôi được luật sư Tạ Thu Phong ưu ái đón tiếp để nghe anh kể những câu chuyện sưu tầm sách, báo cổ. Cũng như các nhà sưu tầm khác, anh đến với sách báo cổ từ sở thích đọc sách.

“Thời sinh viên, tôi hay lang thang hàng sách cũ. Lúc đó, tôi không phải vì thích sách cũ mà chỉ đơn giản là mua sách cũ rẻ hơn rất nhiều so với sách mới. Với túi tiền eo hẹp của sinh viên thì đó là sự lựa chọn tốt”, vị luật sư cho hay.

Rồi trong quá trình tìm kiếm ở hàng sách cũ, có khi, anh tìm được những cuốn sách rất thú vị. Đó có thể là các cuốn sách có tuổi đời mấy chục năm của những nhà xuất bản đã không còn tồn tại. Cũng có khi là các cuốn sách có chữ ký, đề tặng của tác giả. Thậm chí là những dòng lưu bút đầy xúc động của chủ cũ cuốn sách.

“Lúc này tôi nhận ra cuốn sách không chỉ đơn giản là sách mà ẩn chứa trong đó là những câu chuyện. Và tôi thấy mình như người đi đãi cát tìm vàng với hy vọng tìm kiếm được những cuốn sách hay, sách quý, sách cổ phát lộ trong quá trình tìm kiếm”, ông Phong chia sẻ.

Thời gian trôi qua, tủ sách trong nhà anh dần đầy lên và thư viện nhỏ được hình thành như vậy. Anh biết, nhiều sách không có nghĩa trở thành nhà sưu tầm, mà nhà sưu tầm thực sự cần phải hiểu về các cuốn sách và tìm kiếm có mục đích, có chủ định. “Tôi xây dựng cho mình các tủ sách hơn 10 nghìn cuốn được sắp xếp theo chuyên đề như sách về Hà Nội, sách lịch sử, văn hóa…”, anh Phong nói.

Lối sưu tầm trọn bộ, theo chủ đề là một thách thức rất lớn. Chẳng hạn, bộ Khâm định Việt sử thông giám Cương mục do Ban nghiên cứu Văn Sử Địa (sau đổi thành Nhà xuất bản Sử học) dịch năm 1957-1960 gồm 20 tập. Đây là bộ sách có giá trị, trong quá trình tìm kiếm, anh tìm được 19 tập, thiếu mỗi tập 7 mà không tài nào tìm được. “

Tôi phải mất 15 năm tìm kiếm tập 7 để sưu tầm đủ 20 tập. Còn nhớ, khi tìm thấy tập 7 của bộ sách, tôi gần như run lên vì sung sướng. Nếu ai hỏi cuốn nào cổ nhất, quý nhất và cuốn nào tâm đắc nhất thì câu trả lời của tôi là cuốn cần tìm là cuốn quý nhất”, anh Phong cho hay.

Những trang sách báo cổ thấm đượm tình yêu Hà Nội khiến anh say mê công việc nghiên cứu và viết sách. Cuốn sách Hà Nội chuyện xưa phố cũ của anh đã ra đời từ một tình yêu dành cho Hà Nội. Sách gồm 39 bài viết biên khảo về các hoạt động của thành phố Hà Nội khoảng giữa thế kỷ 20 trở về trước.

Gom nhặt lịch sử chân thực trong các trang báo cũ

 Tàng thư của Tạ Thu Phong.

Tàng thư của Tạ Thu Phong.

Trong thư viện của anh hiện diện nhiều tờ báo quý hiếm. Có những tờ của báo chí Việt Nam giai đoạn khởi thủy như: Tờ Gia Định xuất bản số đầu tiên năm 1865. Đây là tờ báo chữ quốc ngữ đầu tiên, đặt nền móng cho nền báo chí Việt Nam. Hay như tờ Khai hóa Nhật báo của nhà tư sản Bạch Thái Bưởi, hay các tờ Thực nghiệp dân báo, Tràng An báo, Ngày nay, Phong hóa, Tri tân, Văn mới.

Đặc biệt, anh ưu tiên sưu tầm dòng báo chí cách mạng giai đoạn từ năm 1946-1954 vì theo anh, đây là những tờ báo đầu tiên của báo chí nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa với quá trình đấu tranh, giành và giữ độc lập, phản ánh những sự kiện lịch sử trọng đại của đất nước như đợt tổng tuyển cử đầu tiên năm 1946…

Để có nhiều tờ báo cổ, quý hiếm là cả một hành trình gian nan của Tạ Thu Phong. Có những đêm, nghe tin một kho báo cũ ở đâu đó sắp bán đi để nghiền giấy, anh tức tốc phóng tới ngay để tránh những bảo vật quý biến mất. Với việc mua lại báo của các nhà sưu tầm khác không dễ vì họ cũng muốn sưu tầm, họ không bán hoặc ra giá rất đắt để người mua nản chí. Vì vậy, anh phải dùng nhiều cách mới có được. “Nó giống như một cuộc đánh cờ giằng co. Người sưu tầm không bán để lấy tiền, mình phải nghĩ cách, như việc tìm một tờ báo, cuốn sách khác mà họ thích để đổi lấy”, Tạ Thu Phong nói.

Tuy vậy, có những tờ báo anh có được một cách rất tình cờ nhờ đam mê và may mắn. Thói quen của anh là mỗi lần đi qua một chỗ thu mua đồng nát đều nhìn vào. Một lần, vô tình đi qua, anh thấy người ta đang xé báo để xếp cho gọn, anh dừng xe vào trong thì sững người khi thấy đó là một lô báo cổ; trong đó, có cả tạp chí Tri Tân (in năm 1942-1943). Hiện anh có hơn một trăm đầu báo với hàng chục nghìn bản được sắp xếp rất khoa học.

Để có ngần ấy báo trong nhà, Tạ Thu Phong đã phải hy sinh rất nhiều thứ. Tiền bạc là thứ có thể nhìn thấy được, bởi có những tờ báo chỉ cần mua cân theo cách bán đồng nát, nhưng có những tờ phải mua cả chục triệu. “Khi bạn có một niềm đam mê, thì việc mất công sức và thời gian là chuyện đương nhiên”, anh Phong giãi bày.

Nghề chơi nào cũng lắm công phu, chơi sách báo cổ không phải là ngoại lệ. Tạ Thu Phong bảo, khi sở hữu cả một kho tri thức mình yêu mến, thì vấn đề khó khăn nhất là việc bảo quản. Anh tìm hiểu và áp dụng các phương thức bảo quản với từng loại báo. Những tờ báo quý được anh cho vào trong kẹp nhựa để lưu giữ, những tờ báo khổ to được đóng bìa cứng cho vào thùng chống ẩm. Nói về tương lai, Tạ Thu Phong mong muốn có một bảo tàng nhỏ thực sự để lưu giữ tốt hơn kho sách báo của mình.

Viết Hà/Tiền Phong

Nguồn Znews: https://znews.vn/tang-thu-doc-la-cua-ta-thu-phong-post1449285.html