Tăng thu nhập cho phụ nữ nông thôn từ nghề may

ĐTO - Dễ làm, phù hợp với điều kiện gia đình, công việc may gia công tại nhà được nhiều phụ nữ ở xã Long Khánh A, huyện Hồng Ngự lựa chọn. Từ công việc này, nhiều chị em đã có thu nhập ổn định, một số chị còn vươn lên khá giả.

Chị em phụ nữ may gia công tại nhà chị Tiêu Thị Lành - Tổ trưởng Tổ hợp tác may gia công ấp Long Hậu

Chị em phụ nữ may gia công tại nhà chị Tiêu Thị Lành - Tổ trưởng Tổ hợp tác may gia công ấp Long Hậu

Chị Trương Thị Thu Thạnh - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) xã Long Khánh A cho biết, mô hình may gia công bắt nguồn từ hộ chị Tiêu Thị Lành ở ấp Long Hậu, chị Lành vốn là thợ may, chuyên nhận may đồ cho khách. Thời gian đầu, chị may rất đắt nhưng thời gian sau này do đồ chợ quá nhiều, giá lại rẻ nên người dân ít đi may đồ mà chuyển sang mua đồ chợ. Trước khó khăn đó, chị Lành đã đầu tư mua máy công nghiệp và lãnh đồ từ các công ty về may gia công.

Từ công việc này, kinh tế gia đình chị Lành được cải thiện, từ đó chị hỗ trợ dạy may miễn phí cho các chị trong xóm, khi rành nghề chị nào có điều kiện thì sắm máy về may tại nhà, chị nào không có vốn thì ở lại may gia công cho chị Lành. Thấy mô hình may gia công của chị Lành hiệu quả, năm 2018, UBND xã Long Khánh A đã giao cho Hội LHPN xã nghiên cứu và nhân rộng. Đến nay, toàn xã đã thành lập được 6 Tổ liên kết may gia công và 1 Tổ hợp tác may gia công với gần 150 thành viên. Các tổ hoạt động nhộn nhịp, giúp nhiều chị em có thu nhập cao trong lúc nông nhàn.

Chị Phạm Thị Thia ở ấp Long Hậu cho biết, trước đây, chị và chồng thuê đất làm rẫy nhưng không đủ sống, 2 vợ chồng định gửi con để lên Sài Gòn làm thuê. Biết được hoàn cảnh của chị Thia, chị Lành đã giúp đỡ vợ chồng chị Thia học nghề may. Sau đó, chị Thia được Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay tiền để mua máy may và lãnh đồ về may gia công tại nhà. Chị Thia chia sẻ: “Nhờ công việc này mà vợ chồng tôi mới không rời quê, có điều kiện chăm lo cho gia đình và con cái. Giờ đây, thu nhập của 2 vợ chồng bình quân từ 10 – 15 triệu đồng/tháng, nhờ đó mà tôi có tiền lo cho con đi học. Con trai lớn tôi đã tốt nghiệp đại học ngành cơ khí và đã có việc làm”.

Hay như hộ chị Tiêu Thị Tuyết, trước đây là hộ cận nghèo, không có đất sản xuất nên thuê đất trồng rẫy, nông sản khi được mùa thường mất giá nên vợ chồng chị dù lao động cật lực vẫn không thoát nghèo. Thấy cảnh làm rẫy vất vả nhưng kinh tế lại không cải thiện, vợ chồng chị quyết định học may và tham gia Tổ hợp tác may gia công. Sau khi học xong, anh chị đã mua trả góp 4 máy may để may gia công. Lúc đầu do chưa thạo nghề nên thu nhập không cao chỉ khoảng 100 – 150 ngàn đồng/người/ngày, đến nay tổng thu nhập của 2 vợ chồng có khi trên 500 ngàn đồng/ngày. Chị Tuyết cho biết: “Nhờ may gia công mà chúng tôi đã lo được cho các con ăn học và tích lũy được tiền sửa lại căn nhà kiên cố với số tiền trên 150 triệu đồng. Gia đình tôi đã thoát cận nghèo cuối năm 2020”.

Chị Tiêu Thị Lành – Tổ Trưởng Tổ hợp tác may gia công ấp Long Hậu chia sẻ: “May gia công tại nhà dễ học, dễ làm, phù hợp với điều kiện, sức khỏe của chị em phụ nữ ở nông thôn. Đồng thời góp phần giúp cho đời sống của nhiều phụ nữ thêm ổn định mà không phải xa quê. Hiện nay, hoạt động của tổ cũng ổn định. Tôi mong muốn tổ may sẽ ngày càng phát triển, mở rộng hơn để chị em có việc làm, có thêm thu nhập, có thời gian chăm lo cho gia đình”.

Theo ông Nguyễn Hữu Minh – Phó Chủ tịch UBND xã Long Khánh A, đây là mô hình mang lại hiệu quả thiết thực. Thời gian qua, để hỗ các chị tham gia mô hình này, xã đã tạo điều kiện cho một số chị có hoàn cảnh khó khăn vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội để mua máy may may gia công tại nhà. Tuy nhiên, điều kiện để nhân rộng thêm tổ may còn hạn chế về nguồn vốn đầu tư nên rất cần sự quan tâm, giúp đỡ của các ngành, các cấp để địa phương nhân rộng mô hình nhằm giúp cho nhiều phụ nữ ở nông thôn có công việc ổn định, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần giải quyết nhu cầu lao động theo tiêu chí nông thôn mới.

BÍCH LIỄU

Nguồn Đồng Tháp: http://www.baodongthap.vn/xa-hoi/tang-thu-nhap-cho-phu-nu-nong-thon-tu-nghe-may-97904.aspx