Tăng thu nhập nhờ nghề nuôi cánh kiến đỏ
Từ những quả đồi trồng sắn, ngô, xoan ở vùng biên giới huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa, người dân nơi đây đã chuyển đổi sang trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ lấy nhựa mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh vào nhiều loại cây. Ảnh: HĐ
Đặc trưng của nghề nuôi cánh kiến đỏ
Xuất hiện ở huyện Mường Lát (Thanh Hóa), nghề nuôi cánh kiến đỏ có từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, nuôi cánh kiến đỏ còn khá xa lạ với người dân vùng núi nhiều nơi tại Thanh Hóa, bởi phụ thuộc vào thời tiết, thổ nhưỡng từng nơi. Cánh kiến đỏ là loại côn trùng rất nhỏ, sống ký sinh vào nhiều loại cây chủ gồm các loại cây đậu thiều, cỏ khiết, cây sung…
Tại huyện Mường Lát, người dân chủ yếu trồng cây đậu thiều để nuôi cánh kiến đỏ. Cây đậu thiều cao từ 2-3m, thân và cành nhỏ, hoa màu vàng… Khi cây lớn đến ngang người thì người dân bắt đầu nhân thả cánh kiến đỏ lên các cành hoặc thân cây. Sau đó, cánh kiến đỏ tự sinh sôi, lan rộng và bám khắp các cành cây thành những mảng màu trắng. Mùa thả cánh kiến đỏ vào tháng 4 hàng năm, đến tháng 10 thì thu hoạch.
Cứ như thế, mỗi năm người dân nuôi cánh kiến đỏ thu hoạch 2 vụ. Cho đến nay, trên địa bàn huyện Mường Lát có hơn 50 hộ nuôi cánh kiến đỏ, tập trung ở thị trấn Mường Lát và các xã Tam Chung, Trung Lý, Pù Nhi, Quang Chiểu…
Nuôi cánh kiến đỏ thu nhập hơn cả ngô, sắn, giá bán lại ổn định. Ảnh: HĐ
Mang lại hiệu quả kinh tế cao
Trước đây, nhiều hộ gia đình tại đây trồng sắn, trồng ngô mang lại hiệu quả kinh tế chưa cao. Sau khi nghe nuôi cánh kiến đỏ trên cây đậu thiều thu nhập hơn cả rồi nhiều gia đình mua giống về thả. Được biết, nuôi cánh kiến đỏ không khó, chỉ trồng cây đậu cho nó lớn rồi thả cánh kiến đỏ vào. Nuôi cánh kiến đỏ thu nhập hơn cả ngô, sắn, giá bán lại ổn định, nên kinh tế nhà cũng bớt khó khăn, người dân nơi đây chia sẻ.
Nhiều năm qua, do cánh kiến đỏ phát triển tốt, giá cả và thị trường xuất bán ổn định, nên nhiều hộ gia đình ở huyện Mường Lát đang mở rộng diện tích nuôi, chuyển đổi diện tích trồng các loại cây trồng có năng suất thấp, hoặc kém hiệu quả sang trồng cây chủ để nuôi cánh kiến đỏ.
Nhiều quả đồi, khu vườn người dân ở Mường Lát đã chuyển sang nuôi cánh kiến đỏ. Ảnh: HĐ
Theo tính toán của người dân, trung bình 1 sào (500m2) đất rừng nuôi cánh kiến đỏ mỗi năm trừ chi phí cũng lãi từ 10 - 13 triệu đồng. Trong khi cánh kiến đỏ không phải chăm sóc nhiều. Giữa doanh nghiệp thu mua và người nuôi cánh kiến đỏ ký hợp đồng hàng năm để bao tiêu sản phẩm, nên việc tiêu thụ rất ổn định.
Toàn huyện Mường Lát hiện có 55 hộ nuôi cánh kiến đỏ, dù số hộ không tăng so với trước, nhưng người dân đang dần mở rộng diện tích nuôi. Nhiều quả đồi, khu vườn người dân ở Mường Lát đã chuyển sang nuôi cánh kiến đỏ. Tuy vẫn còn xa lạ với người dân nhiều nơi nhưng ở huyện biên giới Mường Lát nhiều hộ dân đã thoát nghèo và góp phần vào giữ gìn môi trường rừng bền vững.
Công dụng của cánh kiến đỏ
Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực. Ảnh: HĐ
Nhựa cánh kiến đỏ được dùng trong nhiều lĩnh vực công nghiệp thực phẩm, dược phẩm, đánh bóng, đặc biệt là chất phụ gia trong sản xuất bao bì tự hủy thân thiện với môi trường.
Cánh kiến đỏ là một vị thuốc tương đối ít dùng trong nhân dân. Tính vị theo đông y là vị đắng, tính lạnh, có tác dụng thanh nhiệt, lương huyết, giải độc, cầm máu, đậu chẩn. Sốt mà không có mồ hôi thì dùng phải thận trọng (ngày dùng 46g).
Trước đây, nhân dân ta dùng cánh kiến đỏ làm thuốc nhuộm răng đen và để gắn những cán dao hay lưỡi cày. Từ khi bỏ tục nhuộm răng, nhu cầu này giảm đi. Có nơi dùng cánh kiến đỏ làm thuốc nhuộm.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-thu-nhap-nho-nghe-nuoi-canh-kien-do-post129405.html