Tăng thuế triệt để đối với túi nilon
Tăng thuế, biến túi nilon thành một mặt hàng đắt đỏ đang là biện pháp được Tổng cục Thuế nhất trí với mong muốn có thể giảm thiểu sử dụng món đồ đang giết mòn môi trường và còn người.
Túi nilon - mặt hàng luôn được “sủng ái”
Túi nilon luôn là mặt hàng được nhiều người sử dụng. Đặc biệt là đối với cà bà nội chợ, minh chứng là chỉ cần ra bất kỳ chợ dân sinh nào thì túi nilon vẫn là sản phẩm chính để đựng hàng hóa, 100% chủ quầy hàng bán rau củ quả, thực phẩm tươi sống,… dùng túi nilon để đựng hàng hóa. Không những vậy, với giá thành cực kỳ rẻ, hàng trăm chiếc túi chỉ với giá 35.000 - 40.000 đồng/kg, thậm chí có nơi còn bán chỉ hơn 20.000 đồng/kg, túi nilon còn được phát miễn phí, dễ dàng xin - cho ở tất cả các chợ, siêu thị, cửa hàng.
Theo Viện Chiến lược và Chính sách về Tài nguyên và Môi trường, mỗi năm, người Việt Nam sử dụng hơn 30 tỷ túi nilon, trung bình mỗi ngày một gia đình dùng 4 túi. Những con số đủ để ta thấy việc sử dụng túi nilon đã và đang là một thói quen tiện lợi của người dân, nhưng sự tiện lợi ấy lại đang hóa bất lợi không chỉ với môi trường mà còn với sức khỏe con người.
Với môi trường, những chiếc túi nilon làm tắc nghẽn cống rãnh, ứ đọng nước thải, làm bẩn nguồn nước ngầm khi bị chôn vùi trong lòng đất, thoái hóa đất đai, gây cản trở sự phát triển của cây trồng, khiến không khí trở nên quá độc để thở khi bị đốt bỏ. Kinh hoàng hơn khi những chiếc túi nilon mỏng manh ấy lại là thứ tàn sát các loài sinh vật. Mỗi năm có 100.000 con rùa và các loài động vật biển khác chết vì bị túi nilon “bóp cổ” hoặc do nhầm đó là thức ăn.
Ngoài ra, cùng với rác thải nhựa khác, túi nilon giải phóng các hạt vi nhựa ra môi trường sống và khi tan rã, những vi hạt nhựa xâm nhập vào đất, nước rồi đi vào chuỗi thức ăn làm tăng khả năng nhiễm độc và được con người tiêu thụ.
Hàng loạt nghiên cứu đã tìm thấy vi nhựa trong phân con người, trong nhau thai, trong phổi người… Vào năm 2022, GS Dick Vethaak - nhà nghiên cứu về chất độc sinh thái của Hà Lan, đã kiểm tra mẫu máu của 22 người hiến khỏe mạnh và phát hiện các hạt vi nhựa trong 17 mẫu. Một phần tử số mẫu máu được kiểm tra chứa polyetylen - vật liệu để sản xuất túi đựng bằng nhựa.
Chỉ vì một phút tiện lợi, con người đang phải trả giá bằng sức khỏe và môi trường sống. Nói như đại biểu Nguyễn Chu Hồi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nghề cá Việt Nam (VINAFIS), Chủ tịch Hội Bảo vệ Môi trường biển (VAMEN) thì: “Lần đầu tiên chúng ta có Luật Bảo vệ môi trường năm 2020. Trong khi việc dùng sản phẩm nhựa và xả rác thải nhựa lại là thói quen từ rất lâu của cả cộng đồng.”
Vậy nên, để tình trạng này được giảm thiểu, thậm chí là chấm dứt, bên cạnh những biệt pháp khác, biến túi nilon thành thứ không đơn thuần chỉ là hàng hóa mà trở thành mặt hàng đắt đỏ, khó tiếp cận đối với người dân đang nhận được nhiều sự ủng hộ.
Biến túi nilon thành một mặt hàng đắt đỏ
Để hạn chế túi nilon, một giải pháp được các đại biểu Quốc hội nhắc đến nhiều nhất là áp thuế thật cao, để các doanh nghiệp tính toán, hạn chế nhập, sản xuất các loại nilon độc hại và khi giá nilon đã tăng lên người dân cũng hạn chế dùng.
Được biết, theo thông tin từ Cục Quản lý, Giám sát chính sách thuế, phí và lệ phí (Bộ Tài chính), pháp luật hiện hành quy định 8 nhóm hàng hóa đối tượng chịu thuế, trong đó có nhóm hàng hóa là túi nilon khó phân hủy, không thân thiện môi trường. Mức thuế bảo vệ môi trường hiện đang áp dụng đối với mặt hàng túi nilon là 50.000 đồng/kg. Mức thuế được đánh giá là quá thấp so với tác hại mà túi nilon gây ra.
Đại biểu Trương Xuân Cừ (Hà Nội) cho rằng: “Chúng ta phải kiên trì, kiên quyết và có bước đi phù hợp. Một trong những bước đi cần thiết là xem xét, đánh thuế thật cao để hạn chế việc nhập khẩu, sản xuất và sử dụng tràn lan túi nilon, chai nhựa như hiện nay. Mức thuế đó sẽ được chuyển thành kinh phí bảo vệ môi trường, hỗ trợ doanh nghiệp tái chế, sản xuất sản phẩm thân thiện với môi trường. Như vậy mới hạn chế được rác thải nhựa, túi nilon tràn lan hiện nay.”
Cùng quan điểm, PGS.TS Lưu Đức Hải - Chủ tịch Hội Kinh tế môi trường - khuyến cáo: “Chúng ta phải cân đối mức thuế, tăng thuế đối với việc nhập khẩu hạt nhựa. Đối với túi nilon sử dụng tràn lan hiện nay, cũng phải nâng mức thuế để không còn cảnh “xin- cho” dễ dàng.”
Thế nhưng theo ông Đại biểu Nguyễn Chu Hồi về việc đánh thuế cao đối với các sản phẩm từ nhựa nhập khẩu, đó là một giải pháp hiệu quả nhưng chỉ ở một thời điểm nhất định, bởi bảo vệ môi trường cũng phải bảo đảm phát triển kinh tế. “Cấm thì dễ nhưng làm sao quản lý được mà môi trường vẫn sạch, kinh tế vẫn phát triển thì mới là việc cần tính toán kỹ. Do vậy, phải quản lý từ doanh nghiệp nhập khẩu nhựa đến doanh nghiệp sử dụng các sản phẩm nhựa bằng việc yêu cầu doanh nghiệp thu gom, mua lại vỏ sản phẩm mình phát ra để tái chế. Nếu người dân thấy lợi ích kinh tế từ việc thu gom này thì họ sẽ có ý thức làm, còn nếu chỉ là giải pháp hành chính thì cũng giống như quả bóng cao su, đấm chỗ nọ lại phình chỗ kia.”
Về những kiến nghị nâng cao mức thuế đối với sản phẩm nhựa và túi nilon, Tổng cục Thuế cho biết, cũng nhất trí với các ý kiến cần phải tăng mức thuế tuyệt đối đối với túi nilon thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường để từng bước hạn chế sản xuất, sử dụng túi nilon.
Tuy nhiên, theo Tổng cục Thuế, thuế bảo vệ môi trường chỉ là một trong những biện pháp nhằm hạn chế việc sử dụng túi nilon. Ngoài giải pháp này, cần thực hiện đồng bộ các giải pháp khác như phân loại túi thải ngay từ nguồn, có các biện pháp xử lý rác thải phù hợp, tuyên truyền ý thức của người dân trong việc xả thải, các giải pháp về chế tài xử phạt cần đủ mạnh…
“Thậm chí, tham khảo kinh nghiệm của một số nước có thể cấm sản xuất, buôn bán, sử dụng đối với một số loại túi nilon khó phân hủy và xử lý”, Tổng Cục Thuế nêu.
Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/tang-thue-triet-de-doi-voi-tui-nilon-83660.html