Tăng thuế với xe công nghệ, nghĩa vụ của công ty hay tài xế?
Khi quy định mới được áp dụng, mức thuế đối với dịch vụ xe công nghệ sẽ tăng gần gấp đôi. Và liệu người nào sẽ thực hiện nghĩa vụ này?
Nhiều lo toan với mức thuế mới
Những ngày đầu tháng 12 này, khắp các địa điểm tập trung nhiều tài xế xe công nghệ như trung tâm thương mại, sân bay, bến xe,…đều râm ran về quy định thuế.
Thay vì nộp thuế khoán theo mức 3% thuế giá trị gia tăng (GTGT) và 1,5% thuế thu nhập cá nhân (TNCN) như hiện nay, mức thuế GTGT với xe công nghệ sẽ là 10% trên doanh thu từ ngày 5/12 theo Nghị định 126.
Anh Phạm Văn Nhâm (35 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TP.HCM) bức xúc: “Nhà quản lý hay nói chúng tôi là đối tác tài xế xe công nghệ hay hợp tác kinh doanh nhưng thực chất chỉ là người chạy xe ôm. Bây giờ thu thuế 10% doanh thu là không phù hợp với thực tế.
Chúng tôi bán sức lao động để kiếm tiền, nhưng sao lại thu thuế như người làm kinh doanh. Cơ quan thuế cho rằng doanh nghiệp sẽ đóng thay cho người tiêu dùng, chứ không phải tài xế nhưng ai cũng biết là ngược lại”.
Không ít người như anh Nguyễn Văn Tuấn (30 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TP.HCM) đang tính toán đến việc đổi nghề vì mức thuế tăng cao cộng với khoản thu phí quản lý, chi phí xăng, bảo dưỡng, trả lãi ngân hàng,...là vượt khả năng của bản thân.
Đa phần các tài xế xe công nghệ đều băn khoăn vì lo sợ thu nhập giảm sút. Nếu công ty thực hiện tăng giá cước để bù đắp vào doanh thu, nhiều khả năng khách hàng sẽ giảm hẳn.
Trong khi có, các hãng xe công nghệ lại có chiến lược khác nhau. Bà Đặng Thùy Trang, Giám đốc đối ngoại của Grab cho PV biết, theo thống kê của Grab, khoảng 90% đối tác tài xế 2 bánh đang sử dụng dịch vụ kết nối Grab có doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, tức chỉ có thu nhập đủ cho mức sống tối thiểu.
Theo tính toán của Grab, một chuyến xe có cước phí 100.000 đồng, tài xế sẽ nhận được khoản doanh thu là 76.400 đồng (sau khi trừ thuế và phí dịch vụ kết nối). Với quy định mới áp dụng từ ngày 5/12, tài xế sẽ chỉ còn nhận được 70.800 đồng, tức giảm khoảng 7,3% doanh thu so với mức hiện nay.
Cũng trao đổi với PV, ông Đặng Hoàng Linh, đại diện Gojek đánh giá, chỉ những tài xế xe 4 bánh mới thuộc đối tượng điều chỉnh thuế theo quy định mới. Trong khi công ty chỉ ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với tài xế xe hai bánh, phân chia theo lợi nhuận. Công ty đóng thuế VAT trên phần doanh nghiệp được hưởng, còn tài xế đang nộp thuế theo quy định từ năm 2017.
“Quy định mới chỉ áp dụng đối với đơn vị kinh doanh vận tải, còn luật Giao thông đường bộ chưa quy định loại hình giao thông vận tải di chuyển bằng hai bánh là kinh doanh vận tải nên chúng tôi chỉ là nền tảng kết nối công nghệ, không phải doanh nghiệp vận tải”, ông Linh lập luận.
Còn đại diện Be Group cho biết: “Hãng đang bàn tính việc điều chỉnh để hài hòa giữa tài xế và khách hàng. Việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng nhiều vì ngay từ đầu hãng đã xác định là đơn vị vận tải, thuế GTGT đã tự động thu hộ vào mỗi cuốc xe của tài xế”.
Chiếm thị phần nhỏ hơn, hãng FastGo cho hay sẽ tuân thủ đúng quy định, mặc dù “sẽ giảm tính cạnh tranh của loại hình xe công nghệ”.
Siết chặt để tránh thất thu
Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp luật, ông Nguyễn Văn Được - Tổng giám đốc công ty TNHH Kế toán và Tư vấn Thuế Trọng Tín cho rằng quy định mới là phù hợp, tạo môi trường cạnh tranh công bằng.
“Tăng thuế đối với xe công nghệ trong thời điểm này là hợp lý, cần thiết, đảm bảo tính cạnh tranh trên thị trường. Không thể cùng hoạt động kinh doanh vận tải mà Grab, Gojek đóng thuế ít hơn Vinasun, Mai Linh”, ông Được đánh giá.
Ví dụ như một chuyến xe Grab là 100.000 đồng. Trước đây, phía công ty Grab nhận về 20.000 đồng, chỉ phải kê khai 10% thuế GTGT cho khoản thu này. Còn tài xế nhận 80.000 đồng, còn phải chịu 3% thuế GTGT và 1,5% thuế TNCN.
Nhưng theo quy định mới, vì mối quan hệ giữa Grab và tài xế là hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia doanh thu nên các bên phải cử ra một đại diện trong việc kê khai nộp thuế, xuất hóa đơn cho đầy đủ chuyến xe trị giá 100.000 đồng.
“Cá nhân tài xế không kinh doanh nên không thể xuất hóa đơn, còn hợp tác xã vận tải thì không liên quan quá trình thu tiền dịch vụ. Chỉ có thể là hãng xe công nghệ như Grab”, ông Được phân tích.
Sau khi đóng thuế đầy đủ 10% trên hóa đơn, phần còn lại sẽ do Grab và tài xế thỏa thuận với nhau.
Chuyên gia thuế cũng chỉ ra, từ trước đến nay, người tiêu dùng chưa hề nhận được hóa đơn chứng từ đúng mẫu của bộ Tài chính sau khi kết thúc chuyến đi bằng xe công nghệ. Do đó, quy định mới sẽ đảm bảo quyền lợi của khách hàng.
Nếu các hãng như Grab, Gojek vẫn không thừa nhận mình là đơn vị kinh doanh vận tải và thực hiện quy định thuế mới, hướng xử lý sẽ ra sao?
Trong buổi đối thoại chính sách do bộ Tài chính và phòng Thương Mại và Công Nghiệp Việt Nam (VCCI) tại TP.HCM vào cuối tháng 11 vừa qua, đại diện Tổng cục Thuế giải đáp câu hỏi của doanh nghiệp rằng, đó là tranh cãi đã có từ khi các hãng xe công nghệ bắt đầu hoạt động.
Nhưng bản chất quá trình vận hành là kinh doanh vận tải, có sự quản lý về dịch vụ và giá cước thì phải tuân theo quy định thuế mới.
Còn về sự lo lắng của nhiều tài xế, bà Tạ Thị Phương Lan, Phó Vụ Trưởng vụ Quản lý thuế doanh nghiệp nhỏ và vừa và hộ kinh doanh, cá nhân cũng thông tin tại buổi đối thoại này rằng, cơ quan thuế chỉ xác định cá nhân nhận bao nhiêu thì nộp thêm 1,5% và không can thiệp vào việc lái xe nhận bao nhiêu, hãng taxi được bao nhiêu.
“Việc kê khai của họ sẽ chịu trách nhiệm trước pháp luật Việt Nam với những mức phạt tương xứng. Để nói thuế của tài xế tăng hay giảm là phụ thuộc vào cách chia giữa họ và các hãng xe, dựa vào quyết định hợp đồng giữa hai bên”, bà Lan nói.