Tang thương khúc ruột miền trung giữa mùa lũ

Dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, 'khúc ruột miền Trung' lại liên tiếp gánh chịu những nỗi đau vô tận từ 'mẹ thiên nhiên' mang lại. Đó là nỗi đau 'quặn thắt tim gan' của người chồng, người cha chứng kiến vợ bị lũ cuốn ngay trước mặt. Nỗi đau người 'tóc bạc' tiễn người đầu xanh hay nỗi đau của hàng triệu trái tim người Việt khi hướng về mảnh đất Rào Trăng 3…

Dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, thiên tai lại ập đến. Chưa bao giờ nỗi đau đớn vì thiên tai của người dân lại lớn đến như thế. Những ngày vừa qua tang thương bao trùm lên các vùng quê miền trung, khi con số những người thiệt mạng, mất tích đã lên đến hơn trăm người.

Dẫu biết rằng thiên tai là điều khó tránh, những khi nhìn cảnh tượng hàng nghìn ngồi nhà ngập sâu trong nước. Hoa màu, của cải,… người dân dành dụm, chắt chiu bao nhiêu năm cho con em đến trường… đều trôi theo dòng nước. Rồi cũng chính dòng nước “tử thần” ấy lại mang biết bao sinh mạng rời xa người thân mãi mãi…

Đã gần một tuần sau cái chết của sản phụ H.T.P (ở xã Phong An, huyện Phong Điền, Thừa Thiên - Huế), anh N.Đ.M (SN 1983, chồng sản phụ Phượng) vẫn chưa hết ám ảnh và bàng hoàng trước cơn ác mộng vừa xảy ra với mình.

 Anh M. chỉ biết khóc cạn nước mắt, liên tục chắp tay cầu xin phép màu sẽ đến với gia đình anh, dù chỉ một chút hy vọng sẽ tìm được vợ trong dòng nước lũ...

Anh M. chỉ biết khóc cạn nước mắt, liên tục chắp tay cầu xin phép màu sẽ đến với gia đình anh, dù chỉ một chút hy vọng sẽ tìm được vợ trong dòng nước lũ...

13h30 ngày 12/10, thi thể của chị P. và cháu bé chưa kịp chào đời được tìm thấy và đưa về nhà để lo hậu sự. Chiều hôm ấy, thời tiết cố đô Huế mưa lất phất, gió rít từng cơn, trong căn nhà nhỏ lạnh lẽo, tiếng khóc của người già, con trẻ, của đàn ông, phụ nữ càng hòa cùng tiếng mưa làm không khí thêm tang thương.

Bên thi thể người vợ, anh M. liên tục gào khóc, gọi tên vợ trong đau đớn và tuyệt vọng.

Anh và chị P. nên duyên vợ chống đã ngót nghét được 10 năm. Chị P. là công nhân may tại một công ty trên địa bàn huyện Phong Điền còn anh M. không có công ăn việc làm ổn định. Ngoài làm ruộng, anh M. chịu khó bươn chải làm đủ việc với hi vọng dành dụm đủ tiền để mua một mảnh đất, dựng một căn nhà đủ trú mưa, trú nắng cho gia đình nhỏ.

Mặc dù quanh năm làm việc tần tảo nhưng cái nghèo cứ đeo bám vợ chồng anh chị, chỉ đủ ăn và nuôi hai cháu ăn học. Mong ước về ngôi nhà riêng mãi mà hai vợ chồng chưa thực hiện được và vẫn phải ở nhờ nhà ông bà ngoại.

Nhưng bất hạnh vẫn chưa buông tha cho gia đình anh, mấy năm nay, chị P. phát hiện bị ung thư vú. Đi khám khắp nơi bác sĩ khuyên cố gắng sinh thêm đứa con, để con bú sẽ giảm được bệnh. Vì thế anh chị quyết định sinh thêm cháu nữa và đang đếm từng ngày chào đón thêm thiên thần bé nhỏ…

Sáng ngày 12/10, chị P. có dấu hiệu chuyển dạ nên cùng chồng sắp xếp đồ để đi Bệnh viện Trung ương Huế, cơ sở 2 chuẩn bị sanh. Trước khi đi, anh Minh đã gọi điện cho một tài xế taxi đến khu vực đường Quốc lộ 1 gần nhà để chờ sẵn.

Khoảng cách từ nhà đến Quốc lộ chỉ ngắn khoảng nửa cây số đã bị ngập trong nước lũ. Hai vợ chồng đành nhờ một người đánh cá gần đó đẩy qua đoạn đường ngập.

 Anh M. và người thân của sản phụ khóc hết nước mắt khi chị P. được đưa về nhà.

Anh M. và người thân của sản phụ khóc hết nước mắt khi chị P. được đưa về nhà.

"Do ghe nhỏ quá nên ngồi ba người không được, tôi nhờ anh hàng xóm chèo ghe chở vợ con tôi qua bên đường trước rồi quay lại đón tôi. Tôi trấn an vợ đừng sợ, qua bên bờ có tài xế đỡ rồi.

Ghe đi gần đến bờ bên kia thì tôi định quay về nhà lấy thêm áo quần sơ sinh cho cháu. Vừa mới vật lộn với dòng nước chảy xiết đi được một đoạn, tối ngoái đầu nhìn lại, đã thấy chiếc ghe lật úp, chỉ còn thấy mỗi bàn tay vợ đang đưa tay vẫy vẫy cầu cứu...” – anh M. kể lại khoảnh khắc định mệnh.

Một số người dân ở gần đó bơi ra cứu nhưng nước chảy xiết không thể bơi ra tới nơi. Chị P. chìm dần vào dòng nước…

Mọi việc đến quá đỗi bất ngờ, bất lực nhìn vợ cuốn theo dòng nước, anh M. chỉ biết khóc cạn nước mắt, liên tục chắp tay cầu xin phép màu sẽ đến với gia đình anh, thế nhưng, mọi thứ giờ đây đã quá muộn. Chẳng có phép màu nào đến với anh…

Mọi việc xảy đến quá đỗi bất ngờ, chỉ vài tiếng trước, anh còn đang hân hoan trong niềm hạnh phúc vì sắp được lên làm bố lần thứ 3. Thế mà giờ đây, vợ và con anh nằm lạnh lẽo một chỗ, mãi mãi không thể quay trở lại.

Và rồi những ngày tới, không biết anh M. minh sẽ xoay xở như thế nào trong cảnh “gà trống” nuôi hai đứa con đang tuổi ăn tuổi học với lương tháng chỉ có 3-4 triệu đồng.

Xuôi hướng theo hướng nam dọc theo dải đất miền Trung, đợt bão lũ này, người dân thôn Triều Châu (xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên) vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết của cháu H.Đ.C (SN 2005) và cháu H.T.K.V (SN 2007).

Người thân bà T.N.T.M.H và người con trai là anh N.V.T khóc thương cho hai con người xấu số.

Người thân bà T.N.T.M.H và người con trai là anh N.V.T khóc thương cho hai con người xấu số.

V. và C. là 2 anh em họ, nhà đối diện nhau. Sau đợt mưa lũ, thấy nước rút, hai em rủ nhau ra đồng chơi. Khi đi qua tuyến đường Quốc lộ 14H, do không phân biệt được mép nước nên cháu V. bước hụt chân, chới với và bị nước cuốn trôi. Cháu C. thấy vậy ra ứng cứu cháu V. nên kiệt sức, cả hai bị dòng nước lũ nhấn chìm, mãi mãi ra đi khi đang trong lứa tuổi đến trường đầy ước mơ cháy bỏng….

“Nước lũ chảy xiết, ngập hơn 1m. Ở dưới ruộng, nơi hai cháu ngã xuống thì nước ngập quá đầu. Nghe tin cả nhà liền lội nước chạy ra, nhưng hai cháu đã đi mãi mãi” – người thân của hai bé chia sẻ.

C. là con thứ 2 trong nhà có 4 chị em. Cha của em C. là phụ hồ, gần đây bị mất việc vì dịch COVID-19. Ông định hết lụt sẽ cùng C. sửa lại khoảnh vườn bên nhà để trồng rau, nuôi gà kiếm thêm thu nhập.

"C. là đứa hiền lành, mỗi sáng đều chạy xe giúp mẹ đi giao rau củ ngoài chợ. Cháu mới lên lớp 10 được 3 tháng, mơ ước được trở thành Công an. Sau đó cố gắng làm việc kiếm tiền để xây nhà cho ba mẹ đỡ vất vả khi đến mùa mưa lũ. Tôi đâu ngờ có ngày phải dùng ảnh thẻ lớp 10 của con để làm ảnh thờ" – cha của C. đau đớn nói.

Cách nhà hai em không xa, trong cùng một ngày, không khí tang thương lại bao trùm lên thôn nhỏ thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam khi nhận tin bà T.N.T.M.H (SN 1964) và người con trai là anh N.V.T (SN 1993) bị tử vong do điện giật trong lúc mưa lũ.

Ba tháng trước, nhà bà H. bỗng bị chập điện và bốc cháy dữ dội. Bà suýt chết, được bà con kéo nhanh ra ngoài trước khi cả căn nhà đổ sập. Trước hoàn cảnh khó khăn của gia đình bà, chính quyền và người thân đã hỗ trợ bà H. 35 triệu đồng dựng lên căn nhà tạm bằng sắt ngay trên nền đất nhà cũ. Nào ngờ, chính ngôi nhà tạm toàn mái tôn, khung sắt đã gián tiếp khiến mẹ con bà H. ra đi mãi mãi.

Mưa lớn kéo dài, nước sông dâng cao đã tràn vào nhà bà H, ngập gần 30 cm. Điện trong nhà bị rò rỉ nên chạm vào tôn và sắt trong nhà. Khi anh T. dậy mở cửa thì bị điện giật ngã sấp xuống nền đất. Bà H. đang nằm ngủ gần đó, thấy con trai ngã nên ngồi dậy đỡ. Nhưng khi chị H. bước xuống giường thì cũng bị điện giật và ngã luôn ra nền nhà.

Do nước lớn nên người dân phải đặt bà H. và anh T. lên ghe rồi đẩy ra đường lớn để đưa đi cấp cứu. Thế nhưng, khi đến nơi thì bác sĩ nói hai người không qua khỏi.

 Thừa Thiên – Huế xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân mất tích.

Thừa Thiên – Huế xảy ra vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân mất tích.

Tang thương dồn dập xảy đến với khúc ruột miền Trung khi liên tục chịu ảnh hưởng bởi bão, lũ hoành hành những ngày qua. Cũng trong những ngày đó, tại Thừa Thiên – Huế lại phát đi tin dữ xảy sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 khiến 17 công nhân mất tích… Chấp nhận nguy hiểm rình rập, những người cán bộ, chiến sĩ Quân khu 4, cán bộ các cơ quan của huyện Phong Điền, của tỉnh Thừa Thiên- Huế đã vào hiện trường Rào Trăng 3 để “giải cứu”.

Thế nhưng tai họa đã ụp xuống với đoàn giải cứu. Tối ngày 12/10, Đoàn 21 người ngủ lại Trạm kiểm lâm 67 thuộc Ban Quản lý rừng phòng hộ sông Bồ. Đến 0h ngày 13/10, vụ lở núi xảy ra, đất đá vùi lấp khu nhà, 8 người thoát được ra ngoài, 13 người mất tích.

Con số thiệt hại vẫn chưa dừng lại, khi những ngày sau đó, vụ sạt lở đất ở thôn Cợp, xã Hướng Phùng, huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị tiếp tục làm 22 cán bộ, chiến sĩ Đoàn Kinh tế Quốc phòng 337 bị vùi lấp, là tổn thất vô vùng lớn đối đất nước và nhân dân…

Và cũng chẳng có phép màu nào xảy ra, họ đã nằm xuống đất mẹ dưới cơn mưa trắng trời…

Mộc lan

Nguồn BVPL: https://baovephapluat.vn/van-hoa-xa-hoi/doi-song-xa-hoi/tang-thuong-khuc-ruot-mien-trung-giua-mua-lu-96447.html