Tăng tỉ lệ sử dụng thuốc thương hiệu Việt tại các cơ sở y tế

Hưởng ứng Cuộc vận động 'Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam', Bộ Y tế đã tích cực triển khai Đề án 'Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam', giai đoạn 2012 - 2020. Đề án không chỉ góp phần giảm chi phí trong khám, chữa bệnh, thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam, mà còn từng bước tăng tỉ lệ sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất tại các cơ sở y tế trên cả nước.

Thuốc do Việt Nam sản xuất đang ngày càng được ưu tiên sử dụng tại các bệnh viện. Ảnh: Thùy Trang

Thuốc do Việt Nam sản xuất đang ngày càng được ưu tiên sử dụng tại các bệnh viện. Ảnh: Thùy Trang

Theo đánh giá của các cơ quan chức năng, trong những năm gần đây, thuốc sản xuất tại Việt Nam đã có sự đa dạng về chủng loại, đáp ứng khoảng 50% nhu cầu phục vụ chữa bệnh trong các cơ sở y tế. Nước ta đã sản xuất được thuốc thuộc các nhóm: Dung dịch tiêm-truyền, thuốc kháng sinh, các nhóm vitamin và các thuốc khác. Đặc biệt, cả nước có 8 cơ sở sản xuất vắc xin, sinh phẩm y tế. Thuốc sản xuất tại Việt Nam hiện nay cũng đang được xuất khẩu sang một số thị trường như Bangladesh, Pakistan, Lào, Campuchia, Singapore… Tuy nhiên, tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam trong các cơ sở điều trị công lập và tư nhân nhìn chung vẫn còn thấp. Năm 2012, chi phí sử dụng các loại thuốc do Việt Nam sản xuất tại các bệnh viện tuyến Trung ương chỉ đạt gần 11,9%; tuyến tỉnh gần 33,9%; tuyến huyện hơn 61,5% trong tổng số tiền thuốc điều trị. Ở một số bệnh viện tuyến cuối, do đặc thù riêng nên tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất trong nước rất thấp, chỉ dưới 10%, thậm chí dưới 5%, như Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Lão khoa Quốc gia...

Trước tình trạng trên, Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" đưa ra mục tiêu hàng đầu là tăng tỉ lệ sử dụng thuốc sản xuất tại Việt Nam tại các cơ sở y tế. Cụ thể: Phấn đấu tăng 1 - 3%/năm đối với bệnh viện tuyến Trung ương, đến năm 2020 đạt 22%; tăng 2 - 4%/năm đối với bệnh viện tuyến tỉnh, thành phố, đến năm 2020 đạt 50%; tăng 2 - 4%/năm đối với bệnh viện tuyến huyện, đến năm 2020 đạt 75%. Ngoài ra, tăng tỉ lệ kê đơn cấp thuốc sản xuất tại Việt Nam cho bệnh nhân điều trị ngoại trú hằng năm tăng 5-10%. Qua một thời gian thực hiện Đề án, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường cho biết: Trong năm 2016, tỉ lệ sử dụng thuốc do Việt Nam sản xuất tại bệnh viện các tuyến đều tăng rõ rệt, theo đúng mục tiêu của Đề án. Cụ thể, trong năm qua, ở tuyến Trung ương tăng 2%, tuyến tỉnh 1,2%, tuyến huyện hơn 2%.

Trên thực tế, thuốc do Việt Nam sản xuất chưa được "ưa chuộng" còn do thói quen "sính ngoại" của cả người bệnh lẫn thầy thuốc. Chính những thói quen này đã gây lãng phí trong điều trị vì thuốc nhập ngoại thường có giá thành đắt hơn nhiều so với thuốc sản xuất trong nước. Bên cạnh đó, hệ thống chính sách, pháp luật trong lĩnh vực dược cũng còn nhiều bất cập cần được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Trước thực trạng đó, năm 2012, Bộ Y tế đẩy mạnh tuyên truyền về Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" và triển khai Đề án "Người Việt Nam ưu tiên dùng thuốc Việt Nam" gắn liền với các phong trào thi đua ở các cơ quan, đoàn thể, đơn vị trực thuộc Bộ, các buổi tọa đàm giới thiệu chủ trương, chính sách và quảng bá về tính ưu việt của việc sử dụng thuốc Việt trong khám, chữa bệnh. Ngoài ra, các chương trình truyền hình, phóng sự về ngành công nghiệp dược Việt Nam, các thuốc tốt có nguồn gốc dược liệu của Việt Nam cũng được phát sóng trên các phương tiện truyền thông đại chúng... Qua đó, khuyến khích được người bệnh và các cơ sở y tế ưu tiên sử dụng các loại thuốc sản xuất trong nước.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp dược đã tích cực tham gia chương trình truyền thông "Con đường thuốc Việt" để bình chọn doanh nghiệp sản xuất thuốc và sản phẩm thuốc đạt danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt". Đến nay, đã có 30 doanh nghiệp sản xuất thuốc và 62 sản phẩm thuốc sản xuất trong nước được trao danh hiệu "Ngôi sao thuốc Việt", do Bộ Y tế bình chọn. Tính đến tháng 10-2016, trong số 8.008 sản phẩm được cấp Chứng nhận tiêu chuẩn sản phẩm hoặc Chứng nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm của Bộ Y tế, có tới 4.855 sản phẩm được sản xuất trong nước (chiếm 60,6%).

Cũng theo Thứ trưởng Trương Quốc Cường, thời gian tới, hiệu quả của việc thực hiện Đề án sẽ tiếp tục được nâng cao, thông qua việc đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong cộng đồng và tiếp tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, sửa đổi bổ sung theo hướng ưu tiên sử dụng thuốc Việt Nam trong bệnh viện. Đặc biệt, thuốc nào đáp ứng đủ số lượng, chất lượng và giá cả phù hợp, sẽ có lợi thế lớn trong đấu thầu cung cấp thuốc cho các cơ sở y tế.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/tang-ti-le-su-dung-thuoc-thuong-hieu-viet-tai-cac-co-so-y-te/