Tăng tiện ích từ 'số hóa' thẻ vé giao thông: Đặt hành khách vào vị trí trung tâm

Hà Nội đã khai trương thẻ vé ảo (thẻ phi vật lý) cho hệ thống vận tải hành khách công cộng và sắp tới là triển khai hình thức thẻ ảo offline dành cho khách hàng. Việc 'số hóa' thẻ vé giao thông trong bối cảnh chuyển đổi số sẽ trực tiếp nâng cao quyền lợi của người tiêu dùng, giúp hành khách tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại để nhận và dán tem vé tháng.

Quyết liệt trong “số hóa”

Thay vì xếp hàng mua vé, thì tháng 4/2024, Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội khai trương thẻ phi vật lý cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội. Nói cách khác, thay vì sử dụng vé cứng, khách đi xe buýt sẽ dùng phần mềm (app) trên điện thoại quét mã đi xe buýt.

Ông Thái Hồ Phương - Giám đốc Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội chia sẻ, ưu điểm quan trọng mà khách hàng nhận được là việc không cần ra điểm bán, xếp hàng dán tem tháng như trước kia nữa, mà có thể mua vé xe buýt ở bất cứ đâu ngay trên ứng dụng điện thoại di động.

Thay đổi này là phù hợp với xu thế phát triển và được rất nhiều người dân hoan nghênh, ủng hộ. Đối với những phụ huynh mua vé xe buýt cho con đi học cũng sẽ dễ dàng gia hạn thẻ vé tháng, hay theo dõi lịch sử, lộ trình sử dụng dịch vụ của con mình. Loại hình thẻ vé “ảo” này được áp dụng cho toàn bộ thẻ vé tháng và thẻ miễn phí đi xe buýt trên toàn mạng lưới vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt của Hà Nội.

Việc “số hóa” thẻ vé giúp tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi tham gia giao thông công cộng. Ảnh: Đinh Luyện

Việc “số hóa” thẻ vé giúp tạo thuận lợi tối đa cho khách hàng khi tham gia giao thông công cộng. Ảnh: Đinh Luyện

Đặc biệt, đại diện Trung tâm Quản lý và Điều hành giao thông thành phố Hà Nội cũng thông tin, từ ngày 20/9, đơn vị sẽ triển khai thẻ vé tháng ảo offline cho hệ thống vận tải hành khách công cộng trên địa bàn Thủ đô. Nói cách khác, người dân có thể sử dụng hình thức thẻ vé ảo tham gia vận tải hành khách công cộng kể cả khi không có mạng internet. Đây là điều hết sức quan trọng, tạo thuận lợi tối đa cho hành khách khi tham gia giao thông công cộng.

Thực tế, việc thanh toán chi phí đi phương tiện giao thông công cộng dùng thẻ ảo cũng có thể coi là việc không dùng tiền mặt để thanh toán trực tiếp. Nói dễ hiểu là, việc không dùng tiền mặt là hình thức thanh toán sử dụng các phương tiện thanh toán điện tử ứng dụng công nghệ số như: ví điện tử, mobile banking, internet banking... hoặc thanh toán gián tiếp thông qua các tổ chức tín dụng thay việc người mua và người bán trực tiếp trao đổi với nhau như thông lệ hiện nay.

Thanh toán không dùng tiền mặt góp phần hạn chế lượng tiền mặt trong lưu thông hàng hóa, giảm thiểu chi phí xã hội, mở rộng không gian, rút ngắn thời gian cho quá trình bán và mua hàng hóa, dịch vụ trong nền kinh tế; đồng thời, phát triển các dịch vụ chuyên nghiệp về thu chi, thẻ ngân hàng, thanh toán trực tuyến, thanh toán điện tử mà không làm thay đổi giá trị tiền mặt quy đổi. Như vậy, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đã và đang từng bước tiếp cận gần hơn với xu thế hiện đại, từng bước “số hóa”, tăng tiện ích cho người sử dụng dịch vụ.

Hướng về khách hàng

Thực tế, việc triển khai thẻ vé xe buýt ảo và triển khai thẻ vé tháng ảo offline không chỉ mang lại nhiều lợi ích cho người dân, cùng với đó, cũng giảm bớt thủ tục hành chính, chi phí quản lý và phát hành vé, mang lại thuận tiện cho các đơn vị quản lý, vận hành.

Thẻ vé ảo được thiết lập theo tài khoản định danh của khách hàng, hiển thị trên điện thoại di động, có hình ảnh và đầy đủ thông tin như thẻ chip vật lý góp phần hạn chế gian lận và thất thoát doanh thu. Từ đó, từng bước tiến tới mục tiêu có dữ liệu số để quản lý đầy đủ, chính xác và kịp thời, đáp ứng yêu cầu quản trị của các doanh nghiệp vận tải.

Ở góc nhìn rộng hơn, quyền và lợi ích của hành khách ngày càng được coi trọng hơn. Cụ thể, năm 2015, Thủ tướng Chính phủ quyết định lấy ngày 15/3 hằng năm là Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam. Năm 2024, với chủ đề hưởng ứng Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam là “Thông tin minh bạch - Tiêu dùng an toàn” nhằm nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của việc cung cấp thông tin minh bạch để bảo đảm môi trường tiêu dùng an toàn cho người tiêu dùng, cộng đồng và toàn xã hội… đối chiếu với những nội dung Ngày Quyền của người tiêu dùng Việt Nam, ngành Giao thông vận tải Thủ đô đã xác định rõ nét đối tượng phục vụ, lấy hành khách là trung tâm, đặt sự thuận tiện của hành khách sử dụng dịch vụ lên hàng đầu.

Hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô ngày càng được hành khách ưa chuộng. Ảnh: Đinh Luyện

Hệ thống vận tải hành khách công cộng Thủ đô ngày càng được hành khách ưa chuộng. Ảnh: Đinh Luyện

Chia sẻ quan điểm về vấn đề này, ông Đào Việt Long - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội cho rằng, thẻ ảo không chỉ đánh dấu thay đổi cải tiến kỹ thuật, mà còn là một bước nhảy vọt trong việc cung cấp dịch vụ tiện ích, an toàn và hiệu quả hơn cho người dân, hành khách. Mọi người không cần lo lắng mang theo một thẻ vật lý, không phải xếp hàng dài chờ làm thẻ, đồng thời có thể dễ dàng quản lý chi phí đi lại, theo dõi lịch sử hành trình của mình. Tất cả đều thông qua ứng dụng được cập nhật, điều chỉnh một cách thông minh và tiện lợi.

Rõ ràng, việc triển khai ứng dụng thẻ vé tháng ảo và triển khai thẻ vé tháng ảo offline là một trong những bước chuyển đổi số nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng Thủ đô, nâng cao chất lượng quản lý doanh thu và sản lượng hành khách. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để thành phố Hà Nội triển khai các chính sách vé có tính ưu việt, liên thông giữa các loại hình vận tải. Từ đó, thu hút, gia tăng sản lượng hành khách sử dụng phương tiện giao thông công cộng bằng xe buýt, đường sắt đô thị trong tương lai, góp phần thực hiện đề án của Thành phố về tăng cường vận tải hành khách công cộng kết hợp hạn chế phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn.

Đinh Luyện

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/tang-tien-ich-tu-so-hoa-the-ve-giao-thong-dat-hanh-khach-vao-vi-tri-trung-tam-177769.html