Tăng tính cạnh tranh cho khu công nghiệp Việt Nam

Trước đây, sự cạnh tranh của khu công nghiệp Việt Nam với các nước trong khu vực là về các yếu tố như chi phí, lao động, yếu tố địa lý, nhưng hiện tại, với sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp thì các yếu tố đó dường như không còn nữa.

Chi phí đất đang tăng nhanh và cao

Tại Talkshow "Bất động sản công nghiệp: Xu hướng đầu tư mới" do Báo Đầu tư thực hiện ngày 29/07, bà Vân Nguyễn, Giám đốc cấp cao khối thị trường giao dịch phía Bắc, JLL Việt Nam cho biết, các khu công nghiệp hiện tại trên thế giới đang hướng đến ngành sản xuất mang tính chất công nghệ cao.

Nhưng nói về phát triển khu công nghiệp ở Việt Nam sẽ có một số khác biệt nhất định. Các ngành sản xuất thu hút đầu tư ở Việt Nam thời gian qua nằm ở phân khúc dùng nhiều nguồn lực về con người, cũng như lắp ráp thay vì tự động hóa.

Nhưng làn sóng đầu tư gần đây đã có sự thay đổi, các nhà đầu tư mới dần quan tâm nhiều hơn đến mở rộng sản xuất, mang nhiều công nghệ hiện đại hơn đến với Việt Nam. Song Việt Nam và thế giới vẫn còn khoảng cách nhất định về sử dụng lao động, cũng như dây chuyền sản xuất công nghệ hiện đại.

JLL chia thị trường khu công nghiệp làm 3 phân khúc: thị trường đang phát triển, thị trường trưởng thành và thị trường ở mức cao hơn tốc độ phát triển. Hiện tại Việt Nam và các nước Đông Nam Á ở trong giai đoạn đang phát triển, nhưng Việt Nam đang có sự dịch chuyển sang thị trường trưởng thành. Ở giai đoạn này, Việt Nam sẽ cần thêm một khoảng thời gian để dịch chuyển hoàn toàn.

Mặt khác, thế giới đang trong xu hướng dịch chuyển sản xuất từ những nước phát triển sang các nước thứ ba. Việt Nam cũng nằm trong ranh giới dịch chuyển, nhưng nước ta chưa thể hoàn toàn bắt nhịp được với những ngành sản xuất nhiều công nghệ hiện tại, chất lượng cao.

Ông Trương An Dương, Giám đốc điều hành khu vực phía Bắc và Khối bất động sản nhà ở, Frasers Property Vietnam cho biết, ở Việt Nam, trong những năm vừa qua, nhu cầu khu công nghiệp cũng như các bất động sản khu công nghiệp phát triển rất mạnh, vì Việt Nam có nhiều yếu tố lợi thế so với các nước trong khu vực, cụ thể là chính sách Trung Quốc +1.

Việt Nam cũng có lợi thế về lực lượng lao động, Chính phủ có các chương trình khuyến khích đầu tư, cũng như nhiều hiệp định với các nước, các khu vực trên thế giới giúp Việt Nam thu hút đầu tư. Ngoài ra, Việt Nam đang phát triển tốt về hạ tầng giao thông, cảng biển, sân bay phục vụ được cho xuất nhập khẩu.

Tuy nhiên, Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức trong phát triển khu công nghiệp, đặc biệt là việc thu hút được các nhà sản xuất lớn trên thế giới. Trong đó, điều đáng lo ngại là tốc độ tăng giá thời gian qua nhanh và cao sẽ mất đi sức cạnh tranh về chi phí đất. Frasers Property Vietnam thấy chi phí đất ở Việt Nam đã cao hơn Thái Lan, đặc biệt là khu công nghiệp.

Ông Đinh Hoài Nam, Giám đốc Phát triển Kinh Doanh toàn quốc, SLP Việt Nam cũng đồng tình về việc chi phí đất hiện nay tại một số tỉnh đang tăng rất nhanh. Một số khách hàng của SLP cho biết tổng hòa lợi ích về đất, chi phí lao động và nhiều chi phí khác, thì đôi khi chi phí ở Việt Nam cao hơn Trung Quốc.

Điều này khiến SLP gặp khó khăn khi làm việc với đối tác để tìm được vị trí đất tốt, dẫn đến câu chuyện khi các nhà sản xuất vào Việt Nam hay các đơn vị tư vấn như SLP tìm kiếm vị trí xây dựng cơ sở logistics để phục vụ phát triển khu công nghiệp, thì chi phí đầu vào cao, dẫn đến chi phí đầu ra khó kiểm soát.

Không còn lợi thế về chi phí và nhân công giá rẻ

Theo bà Vân, trước đây, sự cạnh tranh của Việt Nam với các nước trong khu vực là về các yếu tố như chi phí, yếu tố địa lý,... nhưng hiện tại, với sự phát triển của bất động sản khu công nghiệp thì các yếu tố đó dường như không còn nữa. Giờ đây để tăng tính cạnh tranh, cần đặt Việt Nam vào sự so sánh và cạnh tranh với các nước khác trong khu vực.

Từ đó, ông Trương An Dương đã đưa ra một vài kiến nghị để tăng tính cạnh tranh cho thị trường Việt Nam.

Thứ nhất, Chính phủ cần mạnh mẽ hơn trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, ký kết các hiệp định thương mại... để tạo sự cạnh tranh về thuế cũng như sự cạnh tranh về thị trường cho chính các nhà sản xuất ở Việt Nam.

Thứ hai, cần tiếp tục phát triển hạ tầng, kết nối về cao tốc để rút ngắn thời gian, chi phí logistics trong nước để giảm các chi phí cho nhà sản xuất.

Thứ ba là việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, làm sao để tay nghề, sức cạnh tranh của 100 triệu dân trong thời gian tới phải phát triển hơn nữa. Việt Nam không thể dựa vào chi phí lương, nhân công thấp để cạnh tranh trong 5 – 10 năm tới mà bắt buộc phải dựa trên chất lượng của lực lượng lao động

Thứ tư, làm sao để Việt Nam thu hút được chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị sản xuất trong các lĩnh vực khác nhau như ô tô, bán dẫn, điện tử, thậm chí là các ngành sản xuất mặt hàng tiêu dùng… Do đó, Việt Nam cần nghiên cứu rõ các lĩnh vực và có các chính sách khuyến khích cho từng ngành.

Hồng Ân

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/tang-tinh-canh-tranh-cho-khu-cong-nghiep-viet-nam-post350356.html