Tăng tính chuyên nghiệp

Thời gian gần đây, hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã có nhiều chuyển biến, tạo được những dấu ấn tích cực trong đời sống xã hội. Đặc biệt, trong giới lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật đã xuất hiện nhiều nhân tố mới có kiến thức sâu rộng, uyên bác, tạo ra những tác phẩm chất lượng, tác động tích cực đến hoạt động sáng tạo của đội ngũ văn nghệ sĩ, cũng như thị hiếu, nhu cầu thưởng thức của công chúng và công tác lãnh đạo, quản lý văn học, nghệ thuật.

Thực tế cho thấy, những người trong nghề ngày càng nâng cao tính chuyên nghiệp, từng bước khắc phục được lối phê bình theo cảm tính, võ đoán, quy chụp, thiếu cơ sở khoa học, khen chê dễ dãi. Minh chứng rõ nhất là 15 tác phẩm lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật xuất sắc xuất bản năm 2019 vừa được nhận tặng thưởng của Ban Bí thư Trung ương Đảng đều được đánh giá là có giá trị khoa học, đóng góp về lý luận và thực tiễn, có tác dụng tích cực, kịp thời trước những vấn đề "nóng bỏng" mà xã hội đang quan tâm. Và trên hết, các tác phẩm này không chỉ thể hiện nỗ lực tìm tòi, sáng tạo của tác giả, mà còn tham gia có hiệu quả nhằm phản bác các quan điểm sai trái, lệch lạc, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật.

Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật là lĩnh vực rất quan trọng. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác này là yêu cầu tất yếu.

Muốn vậy, trước hết chúng ta phải xây dựng được đội ngũ các nhà lý luận, phê bình chuyên nghiệp, hội tụ được cả tư duy khoa học và nghệ thuật, trí tuệ và cảm xúc, thực sự nhạy bén và có bản lĩnh chính trị vững vàng để nhận diện, đánh giá những vấn đề đang diễn ra và dự báo xu hướng vận động trong đời sống văn nghệ. Để làm được điều này cần tiếp tục đổi mới mạnh mẽ công tác phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Các cơ quan chức năng cần tiếp tục tập trung nguồn lực để xây dựng hệ thống lý luận văn học, nghệ thuật Việt Nam hiện đại, khoa học; tạo điều kiện thuận lợi để nuôi dưỡng khát vọng sáng tạo của các nhà lý luận, phê bình. Đồng thời, củng cố và phát huy môi trường phê bình lành mạnh, dựa trên tinh thần tranh luận dân chủ, khách quan, trung thực về mọi vấn đề đặt ra trong đời sống văn học, nghệ thuật; không để xảy ra tình trạng cực đoan, quy chụp, khen chê cảm tính, hời hợt trong phê bình. Cùng với đó cần có những cơ chế, chính sách chế độ đãi ngộ thỏa đáng để đội ngũ làm công tác quan trọng này có thể sống thuần túy bằng nghề.

Trong khi chờ đợi những bước chuyển về cơ chế, chính sách và điều kiện làm nghề, đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật cần tiếp tục nuôi dưỡng và truyền giữ ngọn lửa đam mê sáng tạo, nhất là tăng tính chuyên nghiệp trong nghề; không ngừng nâng cao tri thức, trau dồi bản lĩnh chính trị, đề cao dũng khí bảo vệ chân lý, bảo vệ cái đúng, cái chân - thiện - mỹ, kiên quyết đấu tranh, phê phán những biểu hiện lệch lạc, sai trái trên lĩnh vực văn học, nghệ thuật. Bên cạnh đó là tiếp tục dấn thân, luôn bám sát thực tiễn, nắm bắt hơi thở cuộc sống, góp phần nâng cao chất lượng hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật.

Sự quan tâm, động viên, tạo điều kiện của các cơ quan chức năng, cùng sự tâm huyết, khát vọng, tính chuyên nghiệp của đội ngũ lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật sẽ đem đến nhiều tác phẩm, công trình mang giá trị, tầm cao mới, được công chúng tin cậy, tiếp tục tạo bước chuyển tích cực cho văn học, nghệ thuật nước nhà.

Quỳnh Anh

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/luan-ban-hanh-dong/975982/tang-tinh-chuyen-nghiep