Tăng tính liên kết trong mô hình Liên hiệp HTX nông sản ở Sơn La

Thời gian qua, Liên hiệp hợp tác xã (HTX) nông sản an toàn Sơn La (tổ 8, phường Chiềng Sinh, TP. Sơn La, Sơn La) ra đời đã tạo điều kiện tương trợ các HTX trong khu vực thông qua việc tổ chức hoạt động sản xuất hàng hóa nông nghiệp gắn với chuỗi giá trị. Đây được kỳ vọng sẽ là mô hình mẫu, mở ra hướng liên kết làm ăn lớn cho ngành nông nghiệp của tỉnh.

Mặc dù, sản xuất hàng hóa với quy mô lớn, nhưng trong quá trình hoạt động nhiều mô hình HTX trên địa bàn tỉnh Sơn La còn bộc lộ nhiều bất cập. Một số mặt hàng mua vào hoặc bán ra bị thương lái ép giá, ảnh hưởng đến thu nhập của các thành viên.

Hướng đi mới đặc biệt

HTX Hưng Thịnh (xã Mường Bú, huyện Mường La) được thành lập tháng 11/2014 với 7 thành viên, liên kết các hộ sản xuất để chủ động tiêu thụ sản phẩm nông sản địa phương.

Những ngày đầu thành lập, HTX gặp muôn vàn khó khăn trong khâu tiêu thụ sản phẩm do chưa có thương hiệu và chưa đáp ứng được nhu cầu thị trường; hơn nữa, năng lực và trình độ quản lý của Ban Giám đốc HTX vẫn còn hạn chế.

Việc thành lập Liên hiệp HTX Sơn La nhằm hướng đến liên kết sản xuất lớn.

Việc thành lập Liên hiệp HTX Sơn La nhằm hướng đến liên kết sản xuất lớn.

Xuất phát từ những khó khăn đó, năm 2017, HTX Hưng Thịnh cùng HTX nông nghiệp xanh 26-3 (TP.Sơn La), HTX xây dựng và nông nghiệp Bảo Khánh (Mai Sơn); HTX nấm Thảo Nguyên (Mộc Châu)... đã liên kết lại, thành lập Liên hiệp HTX hàng nông sản an toàn Sơn La tìm đầu ra cho sản phẩm, xây dựng thương hiệu, liên kết với các doanh nghiệp xuất khẩu để đưa nông sản địa phương xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, đảm bảo bao tiêu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho các thành viên.

Ông Lò Văn Tân (bản Ta Mo, xã Mường Bú, huyện Mường La, Sơn La), thành viên HTX Hưng Thịnh kể lại: Những ngày đầu tham gia, ông được HTX tạo điều kiện cho vay 50 triệu đồng để cải tạo và trồng mới gần 3 ha cây ăn quả bằng giống xoài Đài Loan, nhãn chín muộn, bưởi da xanh, táo đại theo phương pháp ghép mắt.

Đặc biệt, niềm vui của ông được nhân đôi khi HTX Hưng Thịnh trở thành thành viên của Liên hiệp HTX Sơn La. Bởi lúc này, ông Tân cũng như nhiều hộ gia đình trong vùng không phải lo lắng xoay sở đầu ra, hay bị tư thương ép giá như trước đây nữa.

Ông Tân còn được cán bộ chuyên môn của Liên hiệp phối hợp với HTX xuống tận vườn “cầm tay chỉ việc” hướng dẫn cách trồng nhãn, xoài,… hiểu về quy trình chăm sóc an toàn, bón phân hữu cơ, cách thức thu hái, sơ chế để tạo ra sản phẩm hàng hóa chất lượng đưa ra thị trường.

“Nhờ đó, đến nay, tôi đã có thu nhập bình quân từ 300 – 400 triệu đồng/năm từ cây cây nhãn, cây xoài và mới đây là cây bưởi”, ông Tân chia sẻ.

Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc HTX Hưng Thịnh khẳng định: Nhờ liên kết, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, marketing trong mô hình Liên hiệp, hiệu quả sản xuất, kinh doanh của HTX tăng lên rõ rệt, sản lượng quả tăng gấp 3-4 lần so với trước.

Riêng vụ xoài năm 2020, HTX đã xuất khẩu 250 tấn xoài theo đường chính ngạch sang Trung Quốc và Anh, tăng 40% so với năm 2019.

Đến nay, HTX Hưng Thịnh có 20 thành viên sản xuất hơn 200 ha cây ăn quả, các sản phẩm nông nghiệp của HTX Hưng Thịnh đang được tiêu thụ tại các cửa hàng rau, củ, quả an toàn trên địa bàn thành phố và cung cấp cho một số tỉnh lân cận, như: Hòa Bình, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai, Hà Nội...

Cùng với đó, HTX còn mở rộng kinh doanh vật liệu xây dựng, cơ khí, kinh doanh tổng hợp, tạo việc làm thường xuyên cho 35-40 lao động địa phương, doanh thu năm 2020 đạt 12 tỷ đồng.

Kéo dài “cánh tay” kết nối tiêu thụ nông sản

HTX Hưng Thịnh chỉ là một trong số nhiều HTX đã phát triển và có đầu ra ổn định kể từ khi trở thành thành viên của Liên hiệp HTX Sơn La. Việc hỗ trợ và bao tiêu sản phẩm cũng là một trong những mục tiêu mà Liên hiệp HTX Sơn La đặt ra từ khi mới thành lập.

Ban Lãnh đạo Liên hiệp HTX Sơn La cho biết, đơn vị này đã đặt mục tiêu phấn đấu trở thành “một trong những đơn vị tiêu thụ nông sản hàng đầu của tỉnh Sơn La”, đồng thời hỗ trợ 100% HTX thành viên được đánh giá từ loại khá trở lên.

Liên hiệp HTX Sơn La là mô hình điểm về tập hợp HTX cùng ngành nghề, lĩnh vực liên kết, gia tăng chuỗi giá trị.

Liên hiệp HTX Sơn La là mô hình điểm về tập hợp HTX cùng ngành nghề, lĩnh vực liên kết, gia tăng chuỗi giá trị.

Quyết tâm này là có cơ sở vì mô hình hoạt động của Liên hiệp HTX Sơn La hoàn toàn khác biệt với những cách làm trước đây. Tất cả 6 thành viên gồm 1 HTX tại thành phố Hà Nội và 5 HTX nông sản trên địa bàn các huyện: Mai Sơn, Mường La, Mộc Châu, thành phố Sơn La đều là những HTX nông nghiệp hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều nông dân tham gia.

Đến nay, với quy mô trên 500 ha trong đó 50 ha VietGAP, 5ha ứng dụng công nghệ cao và 5ha đạt chuẩn GlobalGAP thuộc 6 vùng sản xuất với các sản phẩm chủ lực như: chanh leo; nấm; rau, củ, quả (cà chua, su su, khoai tây, bí...) các loại cây ăn quả (táo, nhãn, na, chuối); đồ khô (chế biến thịt bò, trâu, lợn).

Bà Phạm Diệu Vân, Giám đốc Liên hiệp HTX Sơn La cho biết: Để tăng tính liên kết HTX nông nghiệp của tỉnh Sơn La, hội Liên hiệp đã tiến hành thử nghiệm các giống mới có chất lượng cao, tổ chức theo chuỗi khép kín từ sản xuất đến chế biến.

Bước đầu hoạt động, bên cạnh việc hỗ trợ sản xuất và chế biến, Liên hiệp HTX còn thực hiện việc đầu tư cho vùng trồng an toàn, tiêu chuẩn VietGAP cho bà con, tiếp tục gia tăng độ chế biến sâu hơn đối với sản phẩm cây ăn quả.

Với định hướng đúng đắn trong sản xuất, đến nay, Liên hiệp HTX Sơn La đã áp dụng công nghệ về giống, trồng trọt, chăm sóc; công nghệ tin học, truy xuất nguồn gốc, thương mại điện tử nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn của thị trường: sạch, an toàn, đồng nhất về chất lượng, giá cả phù hợp, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP/HACCP/ISO 22000. Từ đó, hình thành thương hiệu “Nông sản Sơn La” và và nhãn hiệu Na thái Mai Sơn trên thị trường.

Hiện nay, “làn sóng thứ 4” của đại dịch Covid-19 đang gây ra khó khăn cho nhiều HTX sản xuất nông sản sạch, an toàn trong Liên hiệp HTX Sơn La.

Trước tình hình đó, thực hiện sự chỉ đạo của tỉnh ủy Sơn La, Liên minh HTX, Liên hiệp HTX Sơn La đã phát huy vai trò kết nối kéo dài “cánh tay”, nhanh chóng kịp thời xây dựng phương án hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho các HTX và bà con nông dân.

Theo đó, Liên hiệp hỗ trợ tiêu thụ nông sản có nhiệm vụ kết nối thị trường tiêu thụ nông sản cho nông dân; kết nối phương tiện vận chuyển; kết nối với các HTX cung cấp hàng nông sản được sản xuất theo quy trình VietGAP, có tem nhãn truy xuất nguồn gốc sản phẩm.

Không những vậy, hàng tháng, Liên hiệp còn tổ chức 1-2 cuộc họp chuyên đề qua mạng internet với các giám đốc HTX, thành viên để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cũng như tìm hướng phát triển thị trường, ổn định đầu ra cho sản phẩm hàng hóa.

Hiện, sản lượng của Liên hiệp HTX đang cung cấp từ 2-2,5 tấn/ngày (tương đương 60-75 tấn/tháng) đối với rau, củ, quả, nấm cho các nhà phân phối, tiêu thụ tại Điện Biên, Hà Nội, Vinh, Quảng Ninh, Sơn La... thông qua các chuỗi siêu thị như Vinmart, Big C, Hapro mart, Lotte, Bắc Miền Trung, chuỗi cửa hàng Thực phẩm sạch...

Thời gian tới, Liên hiệp HTX Sơn La sẽ tiếp tục phấn đấu hoạt động đầy đủ mô hình chuỗi giá trị nông nghiệp, tham gia đầy đủ các mắt xích trong chuỗi giá trị từ đầu vào - sản xuất - bảo quản, chế biến - phân phối - tiêu thụ, mở rộng liên kết các HTX trên địa bàn.

Song khi đó, tập trung đầu tư vào sản xuất và chế biến, bảo quản nông sản theo hướng áp dụng công nghệ hiện đại, nghiên cứu, khảo nghiệm, chuyển giao các giống cây trồng mới đáp ứng yêu cầu tiêu chuẩn, chất lượng xuất khẩu, xây dựng khu, vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mai Ngọc

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/tang-tinh-lien-ket-trong-mo-hinh-lien-hiep-htx-nong-san-o-son-la-1081565.html