Tăng tính tuân thủ của DN: Điểm tựa thực hiện hiệu quả các FTA

Về đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, mức độ tuân thủ người khai hải quan được phân loại thành 5 mức. Mức độ rủi ro người khai hải quan được phân thành 9 hạng nhằm phân loại đánh giá người khai hải quan được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả...

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Sau thời gian thực hiện triển khai có hiệu quả Luật Hải quan; Nghị định 08/2015/NĐ-CP và Nghị định 59/2018/NĐ-CP ngày 20/4/2019 sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ, đặc biệt là việc áp dụng quản lý rủi ro trong thực hiện thủ tục hải quan đối với hàng hóa xuất nhập khẩu đã tạo nền tảng quan trọng cho sự đột phá trong cải cách, điện tử hóa, tự động hóa thủ tục hải quan nói riêng cũng như công tác quản lý của ngành Hải quan nói chung.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết, đến nay, Hệ thống thông quan tự động (VNACCS/VCIS) đã được triển khai tại 100% đơn vị hải quan trên toàn quốc, với 100% quy trình thủ tục được tự động hóa và hơn 99,65% DN tham gia thực hiện thủ tục hải quan bằng phương thức điện tử. Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cho thấy, thời gian qua, số lượng, tỷ lệ các lô hàng phải kiểm tra thực tế hàng hóa trong thực hiện thủ tục hải quan đã giảm đáng kể qua các năm. Cụ thể, năm 2014, tỷ lệ kiểm tra thực tế là 9,68%, đến nay tỷ lệ này giảm còn 5,07%.

Tuy nhiên, công tác quản lý rủi ro, ngành hải quan còn bộc lộ những hạn chế, bất cập như các quy định về quản lý rủi ro đang được quy định tại nhiều văn bản. Một số hoạt động nghiệp vụ hải quan chưa áp dụng quản lý rủi ro. Hạn chế về chất lượng đánh giá và quản lý DN tuân thủ dẫn đến việc áp dụng kết quả đánh giá tuân thủ trong quản lý hải quan còn mờ nhạt, chưa đáp ứng được các yêu cầu tạo thuận lợi trong hoạt động xuất nhập khẩu và chất lượng hiệu quả áp dụng quản lý rủi ro. Tại Luật Hải quan 2014, Nghị định 08/NĐ-CP và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017 của Chính phủ cũng đã đưa ra việc “Công khai các tiêu chí đánh giá mức độ tuân thủ DN”.

“Vì vậy, việc xây dựng Thông tư của Bộ Tài chính quy định về quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan là cần thiết, đảm bảo đầy đủ, đồng bộ, thống nhất các quy định về quản lý rủi ro, phù hợp yêu cầu cải cách, hiện đại hóa, tạo thuận lợi cho DN xuất nhập khẩu và kiểm soát việc tuân thủ pháp luật trong quản lý hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh”, ông Cường cho biết.

Qua nhiều lần tổ chức lấy ý kiến các đơn vị trong và ngoài ngành; trên cơ sở ý kiến tham gia, tiếp thu, giải trình và chỉnh sửa hoàn thiện dự thảo, nội dung cơ bản của Dự thảo Thông tư mà Bộ Tài chính lấy ý kiến lần này đưa ra các quy định về thu thập, xử lý, quản lý thông tin quản lý rủi ro.

Về đánh giá tuân thủ pháp luật của người khai hải quan, mức độ tuân thủ người khai hải quan được phân loại thành 5 mức. Mức độ rủi ro người khai hải quan được phân thành 9 hạng nhằm phân loại đánh giá người khai hải quan được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả.

Bên cạnh việc công khai tiêu chí đánh giá, dự thảo thông tư quy định cơ quan Hải quan cũng công khai kết quả cho cộng đồng DN, từ đó trở thành kênh tương tác với cơ quan Hải quan để đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật, phục vụ cho cơ quan hải quan đánh giá chính xác. Đồng thời, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, hướng đến DN tự tuân thủ pháp luật.

Dự thảo cũng quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Hải quan đối với việc tự tuân thủ pháp luật của DN (như cung cấp thông tin, tư vấn, giải quyết vướng mắc trong quá trình làm thủ tục hải quan...).

Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi cho biết, việc hỗ trợ Bộ Tài chính hoàn thiện thông tư là một phần của hoạt động hỗ trợ và tạo thuận lợi thương mại do USAID và Tổng cục Hải quan đã ký kết. Thời gian qua, Cơ quan Hải quan đã có nhiều nỗ lực trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, tạo thuận lợi thương mại, đặc biệt áp dụng quản lý rủi ro tạo nền tảng, nỗ lực đột phá trong cải cách thủ tục hải quan.

“Việc ban hành thông tư sẽ nâng cao mức độ minh bạch, quản lý giao dịch, DN, đồng thời tạo thuận lợi, nâng cao mức độ tuân thủ của DN như minh bạch hóa tiêu chí đánh giá tuân thủ của DN, qua đó, thực hiện hiệu quả các Hiệp định tự do thương mại (FTA)”, Giám đốc Dự án tạo thuận lợi thương mại Claudio Dordi nhấn mạnh.

Hoa Hạ

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/tang-tinh-tuan-thu-cua-dn-diem-tua-thuc-hien-hieu-qua-cac-fta-90632.html