Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính cần lắng nghe người dân, doanh nghiệp

Chỉ còn hơn một năm nữa để hoàn thành mục tiêu của Chính phủ nhưng hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp.

Theo Nghị quyết số 68/NQ về Chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020 – 2025 (Chương trình), mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Báo cáo của Chính phủ cho thấy, từ năm 2021 đến hết tháng 3/2024, có 2.866 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh được cắt giảm, đơn giản hóa gồm: 1.479 thủ tục hành chính; 162 yêu cầu, điều kiện; 92 chế độ báo cáo; 164 quy chuẩn, tiêu chuẩn và 969 mặt hàng kiểm tra chuyên ngành tại 243 văn bản quy phạm pháp luật. Ước tính đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 18% số quy định và cắt giảm 10% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Vẫn còn rào cản

Mục tiêu đến hết năm 2025, Chương trình sẽ được hoàn thành, tuy nhiên nhiều ý kiến cho rằng việc cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính hiện nay chưa đạt kỳ vọng, một số trường hợp chỉ mang tính hình thức.

Đơn cử, TP Hà Nội luôn nằm trong top 10 tỉnh, thành đứng đầu cả nước về chỉ số cải cách hành chính từ năm 2021 đến nay, thế nhưng vẫn còn một số lĩnh vực chưa đáp ứng được yêu cầu của người dân, doanh nghiệp.

Mục tiêu đến hết năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Mục tiêu đến hết năm 2025 cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh.

Tại phiên chất vấn về kỷ luật kỷ cương, thực thi công vụ trong kỳ họp thứ 17 HĐND TP Hà Nội mới đây, nhiều đại biểu đặt vấn đề vẫn còn tình trạng né tránh, đùn đẩy trong giải quyết thủ tục ở cấp xã, phường. Theo cử tri phản ánh, cùng một thủ tục có phường xác nhận công chứng cho người dân nhưng phường khác từ chối. Việc giải quyết thủ tục hành chính còn chậm, muộn, quá hạn, nhất là nhóm thủ tục thành lập doanh nghiệp, đất đai. Trong 3 năm qua, hơn 16.000 hồ sơ thành lập và hoạt động doanh nghiệp đã bị chậm trễ.

Chế biến và xuất khẩu thủy sản cũng là một trong những ngành vướng nhiều quy định và thủ tục hành chính. Tại công văn gửi tới Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 6, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã chỉ ra loạt vướng mắc cần tháo gỡ, sửa đổi cho doanh nghiệp ngành này như: Giấy xác nhận nguyên liệu khai thác tại các cảng cá mất nhiều thời gian; quy định không trộn lẫn nguyên liệu thủy sản nhập khẩu với nguyên liệu thủy sản nguồn gốc từ khai thác trong nước; chuyển đổi sản phẩm xuất khẩu sang tiêu dùng nội địa…

Báo cáo của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố hồi tháng 4 vừa qua cũng chỉ ra một nghịch lý là hoạt động cải cách, cắt giảm, đơn giản hóa quy định kinh doanh đang được thúc đẩy, nhưng khi soạn thảo các văn bản mới, sửa đổi, bổ sung văn bản hiện hành thì các quy định bất hợp lý, gây vướng cho doanh nghiệp lại xuất hiện. Các bộ, ngành chú trọng tới hoạt động rà soát quy định hiện hành nhằm đạt các mục tiêu Chính phủ đặt ra, còn hoạt động kiểm soát các quy định kinh doanh bất hợp lý đang, sẽ sửa đổi dường như ít được xem xét hơn.

Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà doanh nghiệp FDI cũng đang kêu khó vì các thủ tục hành chính như cấp giấy phép kinh doanh, thủ tục giải thể… Điều này gây cản trở hoặc đình trệ các dự án và ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của Việt Nam.

Theo khảo sát của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản năm 2023, các thủ tục hành chính phức tạp như cấp giấy phép được coi là rủi ro lớn nhất tại môi trường đầu tư của Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam Hong Sun phản ánh, thời gian để doanh nghiệp hoàn tất giải thể ngày càng kéo dài, nhiều trường hợp đã kéo dài hơn 1 năm. Nguyên nhân chính do các cơ quan thuế/hải quan không tiến hành kiểm tra đối với doanh nghiệp nên doanh nghiệp không thể hoàn tất thủ tục liên quan đến thuế.

"Điều này tạo ra nhận thức tiêu cực rằng việc thu hồi tiền đầu tư tại Việt Nam rất khó, khiến hoạt động đầu tư có thể trở nên e dè”, ông Hong Sun cho hay.

Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài còn phản ánh việc thủ tục hành chính như báo cáo, đăng ký, thông báo vẫn phải nộp bằng giấy hoặc thậm chí bằng cả hình thức giấy và điện tử; tình trạng chậm trễ trong thủ tục hoàn thuế giá trị gia tăng.

Doanh nghiệp mong mỏi gì?

Ông Muto Shiro, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam kiến nghị các thủ tục hành chính nên được thực hiện suôn sẻ, kịp thời, không đặt ra các điều kiện hoặc yêu cầu nộp hồ sơ ngoài quy định của pháp luật.

Còn đại diện doanh nghiệp Mỹ tại Hà Nội, ông Joseph Uddo cho rằng cần có sự phê duyệt kịp thời đối với giấy phép về quy hoạch và các giấy phép liên quan như giấy phép kinh doanh, đầu tư, phát triển bất động sản, thị thực cho người lao động nước ngoài, đặc biệt là các chuyên gia.

Phía VCCI nhấn mạnh, bên cạnh việc cắt giảm, đơn giản hóa các quy định về kinh doanh, cần kiểm soát các quy định sắp ban hành để đảm bảo thực sự tạo thuận lợi cho môi trường kinh doanh, tránh phải rà soát, sửa đổi sau này.

Trên diễn đàn Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XV, ĐBQH Nguyễn Thị Mai Phương (Gia Lai), đề nghị Chính phủ quan tâm đẩy mạnh và cải cách thực chất hơn nữa, không chỉ cắt bỏ một vài giấy tờ hay một vài ngày trong thời hạn mà phải cắt giảm được chi phí tuân thủ không cần thiết. Cùng với đó, làm rõ trách nhiệm và xử lý nghiêm khắc các bộ, ngành, địa phương không thực hiện đúng cải cách thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh đã được phê duyệt.

Việc cắt giảm phải trên nguyên tắc gắn với cơ chế và điều kiện để bảo đảm thi hành, không cào bằng trong tất cả lĩnh vực và phải lắng nghe ý kiến của người dân, doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia Ban Pháp chế VCCI

Năm 2023, VCCI lấy ý kiến doanh nghiệp về khó khăn, bất cập, chồng chéo trong pháp luật về kinh doanh. 94 bất cập, vướng mắc đã được gửi về. Tuy nhiên, các vướng mắc này rất ít được phản ánh trong các đề xuất cắt giảm của các bộ, ngành. Điều này cho thấy, dường như hoạt động cắt giảm, đơn giản hóa đang chưa phản ánh được mong muốn thực sự của doanh nghiệp.

TS. Nguyễn Minh Thảo, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM)

Kết quả rà soát điều kiện kinh doanh của CIEM năm 2023, cho thấy còn một số vấn đề bất cập như điều kiện kinh doanh quy định chung chung, thiếu rõ ràng, khó xác định; điều kiện kinh doanh lồng ghép và chứa đựng các giấy phép; vẫn tồn tại điều kiện kinh doanh không cần thiết; điều kiện kinh doanh lồng ghép trong các quy chuẩn kỹ thuật; điều kiện kinh doanh thể hiện dưới hình thức chứng chỉ vẫn khá phổ biến.

Bà Nguyễn Thị Việt Nga, Đoàn ĐBQH tỉnh Hải Dương

Cần khẩn trương hoàn thiện hạ tầng công nghệ thông tin trong cải cách thủ tục hành chính để thực sự thuận tiện cho người dân. Công tác cải cách hành chính phải lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm, chủ thể, mục tiêu và động lực. Trên cơ sở đó, tiếp tục nâng cao nhận thức, vai trò, vị trí của người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện cải cách hành chính.

Đỗ Kiều

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/tang-toc-cai-cach-thu-tuc-hanh-chinh-can-lang-nghe-nguoi-dan-doanh-nghiep-1100924.html