Tăng tốc cho kỳ thi tốt nghiệp

Còn 4 tuần nữa, học sinh lớp 12 chính thức bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT). Hiện là thời điểm cả thầy lẫn trò cùng tăng tốc, dốc toàn thời gian cho việc ôn thi.

Học sinh lớp 12, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 (huyện Long Thành) tập trungluyện giải đề. Ảnh: CTV

Học sinh lớp 12, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 (huyện Long Thành) tập trungluyện giải đề. Ảnh: CTV

Ở giai đoạn tăng tốc này, học sinh đã hoàn tất việc củng cố kiến thức, tập trung vào luyện giải đề với cường độ cao.

Luyện đề, làm quen với áp lực phòng thi

Đây là năm thứ 2 Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 (huyện Long Thành) có học sinh lớp 12 bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT quốc gia. Công tác tập trung ôn thi được nhà trường triển khai từ sớm, bắt đầu từ khoảng đầu tháng 3.

Hiệu trưởng Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 Đỗ Thị Kim Thoa cho biết: “Năm nay, trường có 176 học sinh lớp 12 thi tốt nghiệp. Những tuần gần đây, giáo viên của trường tập trung cho học sinh giải đề theo cấu trúc đề thi minh họa của Bộ Giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, hàng tuần, các giáo viên đều tổ chức khảo bài học sinh. Những em không thuộc bài phải ở lại trường để truy bài. Giáo viên sẵn sàng ở lại trường cùng học sinh ôn luyện, mục tiêu là các em nắm chắc kiến thức để thi đạt kết quả tốt nhất”.

Cũng theo cô Thoa, lịch ôn thi của trường sẽ kéo dài đến sát ngày thi. Đến ngày thi, nhà trường sẽ tổ chức cho học sinh ăn trưa, nghỉ trưa tại trường để đảm bảo sức khỏe. Nếu học sinh phải thi ở điểm thi đặt tại các trường khác thì Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2 sẽ sắp xếp giáo viên đón học sinh về trường để ăn, nghỉ trưa nhằm chuẩn bị tốt cho buổi thi tiếp theo.

Em Huỳnh Thị Trúc Quỳnh, học sinh lớp 12A3, Trường TH-THCS-THPT Đinh Tiên Hoàng 2, cho biết: “Ngoài tập trung luyện giải đề, nhà trường còn tổ chức các buổi thi thử, hình thức chia phòng thi, đánh số báo danh, chia đề… giống như thi thật. Điều này vừa giúp chúng em làm quen với không khí, áp lực trong phòng thi, vừa đánh giá được năng lực thực sự của bản thân để kịp thời ôn luyện những phần kiến thức còn “hổng”, luyện kỹ năng làm bài nhuần nhuyễn”.

Những ngày qua, nhiều trường trung học phổ thông đã tổ chức lễ tri ân, trưởng thành cho học sinh lớp 12. Đây có thể xem là hoạt động ngoài giờ lên lớp cuối cùng trước khi các em dốc toàn lực, toàn thời gian cho việc ôn luyện để bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia.

Áp lực chinh phục trường đại học “tốp trên”

Trái ngược với tâm lý thoải mái của Trúc Quỳnh, nhiều học sinh dù có lực học giỏi, đã có kết quả đủ điểm đậu đại học (bằng các phương thức xét tuyển sớm) vẫn chịu áp lực lớn và ôn tập rất căng thẳng. Hầu hết các em áp lực vì muốn đạt được mức điểm cao để có thể xét tuyển vào các trường đại học công lập tốp trên.

Em Trương Hồng Đào, học sinh lớp 12A5, Trường THPT Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu), đã đoạt giải 3 môn Địa lý Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh. Với thành tích này, em Đào đã được học bổng giảm 30% học phí của một trường đại học ngoài công lập, ngành truyền thông đa phương tiện. Tuy vậy, mục tiêu của Đào là đậu vào Trường đại học Khoa học xã hội và nhân văn (Đại học quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh).

“Năm ngoái, ngành Truyền thông đa phương tiện của trường này lấy điểm chuẩn hơn 27 điểm đối với khối D01 (Toán, Ngữ văn, Tiếng Anh). Đây là mức điểm rất cao, em vẫn muốn chinh phục, vì nếu vào học được trường công lập này thì không chỉ đảm bảo chất lượng, mà học phí cũng thấp hơn so với trường tư thục” - em Đào bày tỏ.

Để tăng thêm cơ hội cho bản thân, ngoài tập trung ôn thi khối D01, em Đào còn luyện thêm môn Địa lý để có thể xét tuyển theo khối D15 (Địa lý, Ngữ văn, Tiếng Anh).

Với điểm thi đánh giá năng lực đạt 919, IELTS 6.0, việc đậu tốt nghiệp THPT quốc gia và đậu đại học gần như nằm trong tầm tay của em Nguyễn Thị Kim Ngân, học sinh lớp 12 chuyên Vật lý, Trường THPT chuyên Lương Thế Vinh. Tuy vậy, với mục tiêu đậu ngành logistics của một trường đại học công lập, em không sao nhãng việc ôn thi ở giai đoạn tăng tốc này.

Theo đó, mỗi ngày Kim Ngân thức dậy từ 7-8h sáng và bắt đầu ngồi vào luyện thi. Em chọn các khóa luyện thi online và tự học là chủ yếu. Ngoài ra, mỗi tuần em có 2 buổi đi học thêm ở nhà giáo viên đối với 2 môn Toán và Tiếng Anh. Cô học trò này thường kết thúc việc học, luyện thi vào lúc 3h sáng hôm sau. Mỗi ngày, em chỉ dành 4-5 tiếng để ngủ và không ngủ trưa.

Kim Ngân thừa nhận, vì học quá sức và thiếu ngủ trong thời gian dài nên mấy ngày gần đây em thấy cơ thể mệt mỏi, phải mua thuốc bổ để uống. Ngoài ra, em đã nhận được kết quả báo trúng tuyển đại học của một số trường nên đã giảm bớt được áp lực tâm lý. Kim Ngân quyết định giảm bớt lịch học để dưỡng sức cho kỳ thi quan trọng sắp tới.

Một giáo viên chuyên luyện thi đại học cho biết: “Những học sinh trung bình hoặc khá chỉ mong vừa đủ điểm đậu tốt nghiệp và đậu các trường đại học bình thường thì áp lực ôn thi không lớn. Đối với những em đặt mục tiêu đạt 27 điểm tổ hợp xét tuyển đại học trở lên để đậu trường “tốp” thì đây là giai đoạn ôn thi nước rút, nhiều em học quên ăn, quên ngủ là có thật”.

Hải Yến

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/xa-hoi/202405/tang-toc-cho-ky-thi-tot-nghiep-ab947fc/