Tăng tốc đầu tư, AEON đa dạng mô hình bán lẻ và tăng tiện ích cho khách hàng
AEON tiếp tục khai trương các trung tâm, siêu thị mới, đẩy mạnh chiến lược phát triển đa dạng về mô hình kinh doanh, đồng thời tiếp tục thực hiện bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng trong bối cảnh thắt chặt chi tiêu còn tiếp diễn.
Kịp thời thích ứng
Trải qua năm 2023 nhiều khó khăn, doanh thu của AEON Việt Nam vẫn tăng trưởng nhẹ so với 2022. Lượng khách hàng tăng lên đáng kể nhưng do suy thoái kinh tế và lạm phát tăng nên rổ hàng hóa mua sắm của từng khách giảm đi.
“Thời gian qua, chi phí đầu vào tăng khiến giá cả hàng hóa cũng tăng theo. Chúng tôi đã nỗ lực rất nhiều để bình ổn giá, như điều chỉnh phương thức mua hàng đầu vào của sản phẩm, quản lý hoạt động vận chuyển, giao nhận hàng, nâng cao hiệu quả vận hành để giữ nguyên giá cho khách hàng”, ông Furusawa Yasuyuki chia sẻ.
“Xu hướng thắt chặt chi tiêu của khách hàng sẽ còn kéo dài, AEON sẽ nỗ lực bình ổn giá, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Chúng tôi sẽ đưa ra những chiến lược sản phẩm phù hợp với sự phát triển của thị trường cũng như nhu cầu của khách hàng”, ông Furusawa Yasuyuki cho hay. Cụ thể, trong giai đoạn này, các mặt hàng thiết yếu sẽ được lựa chọn nhiều nên AEON tiếp tục duy trì và đẩy mạnh chương trình Everyday Low Price (Giá tốt, giá thấp mỗi ngày).
Đẩy mạnh mở mới địa điểm kinh doanh, tăng “điểm chạm” với khách hàng
Việt Nam tiếp tục được xác định là thị trường trọng điểm thứ 2 trong tầm nhìn trung hạn của Tập đoàn. Theo đại diện AEON, ở nền kinh tế hơn 100 triệu dân vẫn còn nhiều lợi thế và các điều kiện thuận lợi để tiếp tục tăng trưởng. Vì vậy, AEON sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư vào Việt Nam với 03 trụ cột kinh doanh cốt lõi, bao gồm: Phát triển Trung tâm Mua sắm, Kinh doanh Bán lẻ Tổng hợp và Kinh doanh Dịch vụ Tài chính.
Ông Furusawa Yasuyuki cho biết: “Năm 2023, thị trường Việt Nam có tốc độ tăng trưởng ổn định như kế hoạch. Trong khi ở Indonesia, số lượng cửa hàng mới nhiều dẫn đến số liệu tăng trưởng hiện tại khá cao; tại Campuchia cũng đang ổn định so với những năm trước. Với những thị trường đang có dấu hiệu tăng trưởng mạnh, nếu Việt Nam không tăng tốc thì sẽ rất khó để đuổi kịp”.
Thực tế, AEON đã chuẩn bị về mọi mặt để tăng điểm kinh doanh mới trong năm nay với đa dạng mô hình bán lẻ, linh hoạt về quy mô, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tế của từng địa phương.
Bên cạnh tăng số lượng các trung tâm mua sắm lớn, AEON sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình trung tâm bách hóa tổng hợp và siêu thị tinh gọn với diện tích khoảng 1.000 – 5.000m2 nằm trong các trung tâm mua sắm của đối tác. Mô hình này, AEON mở tại Sora Garden Bình Dương giữa năm ngoái và cho kết quả doanh thu tăng hơn 50% so với mục tiêu. Phát huy thành quả này, AEON Việt Nam tiếp tục mở tại Crescent Mall (TPHCM), thu hút người tiêu dùng quận 7 và khu vực xung quanh.
“AEON Huế sẽ đi vào vận hành vào cuối năm nay, và sẽ có thêm 2 TT BHTH & ST sẽ khai trương, cùng các siêu thị AEON MaxValu”, ông Furusawa Yasuyuki nói, kỳ vọng doanh thu công ty sẽ tăng khi những cửa hàng mới đi vào hoạt động.
Các công ty thành viên thuộc Tập đoàn AEON cũng tăng cường mở rộng hệ thống bán hàng. “Chúng tôi sẽ tích hợp dữ liệu từ các công ty thành viên khác trong Tập đoàn AEON, như hệ thống tích điểm. Khi đó khách hàng mua sắm tại bất kỳ cửa hàng nào của AEON cũng sử dụng được”, ông chia sẻ. Như vậy, tùy điều kiện, khách hàng của AEON khi mua sắm trực tiếp hoặc trực tuyến đều có trải nghiệm dịch vụ như nhau.
Hỗ trợ sản xuất và xuất khẩu
AEON còn đẩy mạnh phát triển sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam, nhằm cung cấp cho khách hàng các sản phẩm chất lượng theo tiêu chuẩn AEON với giá cả hợp lý, từ đó ổn định chuỗi cung ứng và hỗ trợ nâng cao năng lực của nhà cung cấp. Hoạt động này không chỉ thúc đẩy tiêu thụ tại thị trường nội địa, mà còn hướng đến mục tiêu xuất khẩu thông qua hệ thống AEON.
“AEON hỗ trợ nhà cung cấp đáp ứng các tiêu chuẩn và đồng hành xây dựng cơ cấu vận hành để tăng năng lực sản xuất”, ông Furusawa Yasuyuki nói, và cho rằng: “Kế hoạch mở nhiều cửa hàng của AEON Việt Nam trong thời gian tới sẽ giúp các nhà sản xuất tăng mạnh lượng hàng hóa tiêu thụ”.
Năm ngoái, AEON thử nghiệm xuất nhiều sản phẩm nhãn hàng riêng sản xuất tại Việt Nam ra thị trường nước ngoài và khá được ưa chuộng, như bún, miến sang thị trường Malaysia. Hàng TOPVALU cũng được người tiêu dùng các thị trường khác như Hongkong đánh giá cao, nên theo ông Furusawa Yasuyuki, AEON sẽ có những bước tiếp theo để mở rộng thị trường xuất khẩu. Đây là điều có lợi cho nhà sản xuất và cũng góp phần cho kinh tế phát triển.