Tăng tốc để đạt mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025
Với tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 khoảng 93.843 tỷ đồng, Bộ Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư tăng tốc giải ngân, nhanh chóng triển khai các dự án trọng điểm, hướng tới mục tiêu hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025…

Ảnh minh họa
Ngày 1/4, Bộ Xây dựng tổ chức cuộc họp giao ban xây dựng cơ bản tháng 3/2025. Báo cáo tại phiên họp, Vụ Kế hoạch – Tài chính cho biết năm 2025, Bộ Xây dựng được Chính phủ giao khoảng 83.746 tỷ đồng nguồn vốn đầu tư công gồm hơn 81.300 tỷ đồng vốn giao và gần 2.400 tỷ đồng được kéo dài thời gian giải ngân. Tính tới ngày 31/3, Bộ Xây dựng ước giải ngân hơn 8.300 tỷ đồng, đạt gần 10% kế hoạch, tương đương mức giải ngân bình quân chung cả nước.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ được bổ sung hơn 6.000 tỷ đồng vốn tăng thu năm 2022, 2023 để đầu tư vào các dự án mở rộng cao tốc Cam Lộ - La Sơn, Mỹ Thuận - Cần Thơ. Đồng thời, khoảng hơn 4.000 tỷ đồng trong kế hoạch năm 2024 sẽ được kéo dài sang năm 2025. Như vậy, tổng kế hoạch vốn đầu tư công năm 2025 của Bộ Xây dựng dự kiến đạt khoảng 93.843 tỷ đồng.
KHÓ KHĂN MẶT BẰNG VÀ NGUỒN NGUYÊN VẬT LIỆU
Theo ông Lê Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Kinh tế - Quản lý đầu tư xây dựng, hiện có 47 dự án đang triển khai thi công, bao gồm 31 dự án đường bộ, 4 dự án đường thủy và hàng hải, 11 dự án đường sắt, cùng 1 dự án cải tạo trụ sở Bộ Giao thông Vận tải tại 80 Trần Hưng Đạo.
Trong số này, 40 dự án cơ bản đáp ứng tiến độ thi công, trong khi 8 dự án còn chậm do vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng và di dời hạ tầng kỹ thuật. Để hoàn thành mục tiêu 3.000km đường bộ cao tốc theo chỉ đạo của Chính phủ, năm 2025 dự kiến đưa vào khai thác khoảng 1.188km đường cao tốc, tương ứng với 28 dự án hoặc dự án thành phần, chia thành hai nhóm chính.
Nhóm thứ nhất gồm 16 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 786km, đã giải quyết được phần lớn khó khăn và có điều kiện thuận lợi để triển khai. Trong đó, 4 dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam gồm Bãi Vọt – Hàm Nghi, Hàm Nghi – Vũng Áng, Bùng – Vạn Ninh và Vân Phong – Nha Trang dự kiến hoàn thành và đưa vào khai thác nhân dịp 30/4/2025.
Hiện tiến độ thi công các dự án này về cơ bản đáp ứng yêu cầu, tuy nhiên, điều kiện thời tiết bất lợi cùng khối lượng công việc lớn, thời gian gấp rút đặt ra yêu cầu về sự tập trung, nỗ lực cao độ từ các ban quản lý dự án.
Nhóm thứ hai gồm 12 dự án/dự án thành phần với tổng chiều dài 402km, vẫn gặp khó khăn về mặt bằng và nguồn vật liệu xây dựng. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành trong năm 2025, các đơn vị thi công cần quyết liệt tháo gỡ vướng mắc, đồng thời triển khai thi công theo phương án “3 ca, 4 kíp” nhằm đẩy nhanh tiến độ.
Cụ thể, đối với các dự án do Bộ Xây dựng làm cơ quan chủ quản, dự án thành phần 2 cao tốc Biên Hòa – Vũng Tàu vẫn còn vướng mắc về mặt bằng và cần được đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành trước ngày 15/4.
Bên cạnh đó, tại cao tốc Bắc – Nam đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và Hậu Giang – Cà Mau, công suất khai thác vật liệu còn hạn chế, ảnh hưởng đến tiến độ gia tải và xử lý đất yếu. Hiện nhu cầu vật liệu xây dựng lên tới 58.000m³/ngày nhưng công suất khai thác thực tế mới chỉ đạt 35.000m³/ngày.
Đối với các dự án do địa phương làm cơ quan chủ quản, công tác giải phóng mặt bằng vẫn còn chậm tại một số dự án như cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu, Vành đai 3 TP.HCM qua địa bàn tỉnh Đồng Nai, cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột qua tỉnh Khánh Hòa và Đắk Lắk, cũng như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang qua tỉnh Tuyên Quang. Bộ Xây dựng yêu cầu các địa phương đẩy nhanh tiến độ, đảm bảo hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng trước ngày 15/4.
Ngoài ra, vấn đề về nguồn vật liệu xây dựng cũng đang đặt ra nhiều thách thức. Đơn cử như thủ tục chấp thuận cho thuê đất tại mỏ Ea Kênh, phục vụ dự án cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk), vẫn chưa hoàn tất. Đồng thời, nguồn vật liệu đất đắp và đá cho cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang tại Hà Giang hiện chưa đáp ứng đủ nhu cầu, đòi hỏi các đơn vị liên quan khẩn trương có giải pháp tháo gỡ.
TẬP TRUNG HƠN NỮA ĐỂ HOÀN THÀNH MỤC TIÊU
Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trần Hồng Minh đánh giá cao nỗ lực của các chủ đầu tư và nhà thầu trong việc triển khai, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm. Bộ trưởng nhấn mạnh hoàn thành 3.000km đường bộ cao tốc trong năm 2025 là một trong những nhiệm vụ quan trọng mà ngành xây dựng phải quyết tâm thực hiện.
Người đứng đầu ngành Xây dựng yêu cầu các chủ đầu tư tập trung hoàn thành mục tiêu đề ra, trong đó đến dịp 30/4 phải thông xe tuyến chính của 4 dự án thành phần cao tốc Bắc - Nam gồm Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Bùng - Vạn Ninh và Vân Phong - Nha Trang. Cùng với đó, cần đưa vào khai thác 20km cao tốc Bến Lức - Long Thành (từ Quốc lộ 1A đến nút giao Nguyễn Văn Tạo) và hoàn thành hợp long cầu Rạch Miễu 2.
Để thực hiện mục tiêu thông xe tuyến cao tốc từ Cao Bằng đến Cà Mau trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các dự án Đồng Đăng - Trà Lĩnh và Hữu Nghị - Chi Lăng đang được đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành thông xe tuyến chính vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, một số dự án khác như cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang hay Vành đai 3 TP.HCM vẫn còn khối lượng thi công lớn. Điều này đòi hỏi các bên liên quan phải tích cực phối hợp tháo gỡ khó khăn về mặt bằng, vật liệu và nguồn lực, đồng thời tổ chức thi công khoa học để bảo đảm tiến độ.
“Trong triển khai dự án, công tác hậu kiểm cần được tăng cường; Chất lượng phải được chú trọng. Trước 30/4, việc bổ sung các đơn giá, định mức còn thiếu cũng phải được hoàn thành, phục vụ công tác dự toán, thanh quyết toán, đáp ứng tính kịp thời, chính xác.”, Bộ trưởng Trần Hồng Minh chỉ đạo.

Bộ trưởng Trần Hồng Minh phát biểu tại phiên họp. Ảnh: Tạ Hải.
Về công tác giải ngân, Bộ trưởng cho biết ngoài kế hoạch vốn đã được giao hơn 83.746 tỷ đồng, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng dự kiến tiếp tục được bổ sung thêm nguồn vốn đầu tư. Không chỉ các dự án đường bộ, tất cả các lĩnh vực khác cũng phải tập trung đẩy nhanh tiến độ và giải ngân hết số vốn được phân bổ.
Về phía Vụ Kế hoạch - Tài chính, lãnh đạo Vụ đề nghị các các chủ đầu tư đẩy mạnh tiến độ giải ngân, chuẩn xác nhu cầu vốn để bảo đảm hoàn thành các dự án trọng điểm theo đúng tiến độ chỉ đạo và các dự án khác có tiến độ hoàn thành năm 2025.
Bên cạnh đó, Vụ Kế hoạch-Tài chính sẽ rà soát nhu cầu giải ngân năm 2025, tham mưu lãnh đạo Bộ Xây dựng báo cáo Thủ tướng Chính phủ điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 - 2025 để bổ sung vốn cho các dự án có nhu cầu đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân, hoàn thành năm 2025.
Cũng trong phiên họp, Bộ trưởng Trần Hồng Minh yêu cầu khẩn trương hoàn tất thủ tục để có thể khởi công đối với dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng thời, dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành cũng phải được kiểm soát chặt chẽ về tiến độ, trong đó chủ đầu tư cần chỉ đạo nhà thầu đẩy nhanh hơn nữa việc triển khai các hạng mục chính nhằm đảm bảo dự án hoàn thành đúng kế hoạch.