Tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Thời gian để thực hiện giải ngân vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 không nhiều trong khi khối lượng còn rất lớn. Chính vì vậy, đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm của các bộ, ngành, địa phương cũng như nỗ lực của cả hệ thống Kho bạc Nhà nước để nền kinh tế có thể hấp thụ được hết nguồn vốn quan trọng này.
Tỷ lệ giải ngân vẫn còn thấp
Theo báo cáo mới nhất của Bộ Tài chính, ước thanh toán vốn đầu tư công từ đầu năm đến hết tháng 11/2023 của cả nước là 460.980 tỷ đồng, đạt trên 59% kế hoạch (trên 776.288 tỷ đồng) và đạt trên 65% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (trên 708.252 tỷ đồng).
Dù tỷ lệ này đã tăng hơn so với cùng kỳ năm 2022 (hết tháng 11/2022 tỷ lệ giải ngân đạt trên 52% kế hoạch và trên 58% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao) nhưng so với tổng kế hoạch vốn cần giải ngân trong năm 2023 thì tỷ lệ này vẫn đạt thấp. Theo tính toán, hiện còn trên 315 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công (nếu tính theo kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao thì còn trên 247 nghìn tỷ đồng) cần giải ngân, trong khi chỉ còn đúng 1 tháng nữa là kết thúc năm.
Đóng vai trò quan trọng trong việc giải ngân vốn đầu tư công, Kho bạc Nhà nước (KBNN) xác định vốn đầu tư công là nguồn vốn quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Chính vì vậy, năm 2023, hệ thống KBNN đã triển khai nhiều giải pháp thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư, đáp ứng kịp thời nhu cầu chi tiêu của các đơn vị sử dụng ngân sách, song vẫn đảm bảo quản lý các khoản chi NSNN theo đúng quy định của pháp luật.
Tại TP. Hà Nội, theo báo cáo của KBNN Hà Nội, tính đến ngày 23/11/2023, KBNN Hà Nội đã giải ngân được 30.152 tỷ đồng, đạt 58,8%. Cụ thể, ngân sách thành phố giải ngân được 12.554 tỷ đồng, đạt trên 54% kế hoạch vốn giao; ngân sách quận, huyện giải ngân được 17.599 tỷ đồng, đạt 62,7% kế hoạch vốn giao. Về các công trình trọng điểm giai đoạn 2021 - 2025, trong năm 2023, Hà Nội có 20 dự án (bao gồm cả dự án thành phần) có kế hoạch vốn giải ngân qua KBNN Hà Nội là 12.277 tỷ đồng. Đến 23/11/2023, KBNN Hà Nội đã giải ngân được 7.526 tỷ đồng, đạt 61,3% kế hoạch…
Theo KBNN Hà Nội, để giải ngân nguồn vốn, các cơ quan, đơn vị đã vượt qua không ít thách thức. Đó là, khó khăn trong giải phóng mặt bằng, xác định nguồn gốc đất, xác định giá đất; người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường, tái định cư.
Bên cạnh đó, một số dự án vẫn gặp khó khăn liên quan đến biến động giá nguyên, vật liệu; nguồn cung nguyên, vật liệu xây dựng. Tuy nhiên, với quyết tâm không để việc chậm giải ngân ảnh hưởng đến phát triển kinh tế xã hội của thành phố, ngay từ những tháng đầu năm, lãnh đạo TP. Hà Nội đã yêu cầu các chủ đầu tư rà soát, thống kê toàn bộ các dự án trên địa bàn có vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, tham mưu Ban Cán sự Đảng UBND thành phố báo cáo Thường trực Thành ủy xem xét cho ý kiến về chủ trương, phương án xử lý dứt điểm.
Hay như tại Nghệ An, theo báo cáo từ KBNN Nghệ An, tính đến hết tháng 10 vừa qua, toàn tỉnh mới giải ngân được 3.678 tỷ đồng, đạt 51,42% tổng kế hoạch vốn được giao. Trong đó, kế hoạch đầu tư công năm 2023 giải ngân trên 2.910 tỷ đồng, đạt 52,12%; kế hoạch vốn kéo dài giải ngân trên 768 tỷ đồng, đạt 48,93%. Đáng chú ý, nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội mới giải ngân được trên 200 tỷ đồng (tương đương đạt 26,8%).
KBNN Nghệ An cũng cho biết, đến hết tháng 10 vẫn còn 8 huyện, thành phố có tỷ lệ giải ngân đạt thấp so với bình quân chung của tỉnh (gồm: huyện Tương Dương giải ngân đạt 19,6%, huyện Quế Phong đạt 22,51%, huyện Kỳ Sơn đạt 27,62%, thành phố Vinh đạt 30,12%, huyện Quỳnh Lưu đạt 34,44%, huyện Con Cuông đạt 45,29%, huyện Nghĩa Đàn đạt 46,43%, Quỳ Châu đạt 49,86%). Ngoài ra, còn 13 đơn vị chủ đầu tư ngoài huyện cũng đang có tỷ lệ giải ngân thấp.
Tương tự như tại 2 tỉnh trên, dự kiến hết tháng 11/2023, tỉnh Lào Cai giải ngân đạt trên 74% kế hoạch vốn được giao và đạt trên 79% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Mặc dù đang giải ngân cao nhưng tỉnh Lào Cai cũng phải đối mặt với những khó khăn trong giải phóng mặt bằng khi có những dự án giao thông đi qua diện tích canh tác một số cây trồng có giá trị…
Làm thêm giờ để bảo đảm thanh toán kịp thời vốn cho các dự án, công trình
Có thể thấy, đầu tư công là 1 trong 3 động lực tăng trưởng kinh tế. Giải ngân vốn đầu tư công chính là “chìa khóa” để mở ra không gian phát triển mới, tăng cường tính liên kết và nâng cao năng lực cạnh tranh của các địa phương và của cả nước.
Để có thể hoàn thành ở mức cao nhất nhiệm vụ đã được Thủ tướng Chính phủ giao tại Chỉ thị số 08/CT-TTg là giải ngân đạt tỷ lệ 95% trở lên, cần sự vào cuộc quyết liệt, sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, của các cấp, ngành, địa phương.
Về phía KBNN, trong những tháng cuối năm, Tổng Giám đốc KBNN đã ban hành 2 Chỉ thị yêu cầu KBNN các tỉnh, thành phố tăng cường công tác kiểm soát chi, nâng cao kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm giải quyết công việc và chất lượng phục vụ khách hàng.
KBNN các địa phương cũng luôn coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm cần được thực hiện một cách nhanh chóng và đúng quy định. Tại KBNN Hà Nội, xác định thời gian từ nay đến cuối năm không còn nhiều, trong khi khối lượng công việc, cũng như số vốn còn phải thanh toán cuối năm vẫn còn lớn, vì thế KBNN Hà Nội sẽ bố trí cán bộ, công chức làm thêm giờ để bảo đảm thanh toán kịp thời vốn cho các dự án, công trình.
Đồng thời, để nâng cao hiệu quả nguồn vốn đầu tư công, KBNN Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị KBNN quận, huyện, thị xã phối hợp với chủ đầu tư, Ban quản lý dự án rà soát, tổng hợp, xác định rõ nguyên nhân, biện pháp xử lý đối với các dự án có số dư tạm ứng quá hạn. KBNN cũng phối hợp với chủ đầu tư thực hiện kiểm tra số vốn đã tạm ứng để thu hồi những khoản tồn đọng chưa sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích.
Còn tại Nghệ An, UBND tỉnh đang tiếp tục đề nghị các sở, ban, ngành, lãnh đạo các huyện, thành phố, thị xã trên địa bàn tỉnh và các ban quản lý dự án, các chủ đầu tư quyết liệt chỉ đạo, tập trung thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh tốc độ giải ngân, phấn đấu đạt mục tiêu 95% kế hoạch đầu tư công năm 2023, theo Chỉ thị số 08/CT-TTg của
Thủ tướng Chính phủ và giải ngân toàn bộ số vốn từ nguồn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội.
KBNN Nghệ An cũng đã chủ động bảo đảm nguồn vốn cũng như đẩy mạnh các giao dịch trên dịch vụ công trực tuyến, thực hiện đơn giản hóa kiểm soát các thủ tục thanh toán vốn nhưng vẫn đảm bảo theo quy định và linh hoạt áp dụng 2 phương thức thanh toán là “Thanh toán trước, kiểm soát sau” và “Kiểm soát trước, thanh toán sau” để đưa nguồn vốn nhanh, kịp thời đến các dự án khi có khối lượng hoàn thành được nghiệm thu.
Bài đăng trên Tạp chí Tài chính kỳ 1 tháng 12/2023
Nguồn Tài Chính: http://tapchitaichinh.vn/tang-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong.html