Tăng tốc hoàn thiện bệnh án điện tử

Bắt đầu khởi động xây dựng thí điểm bệnh án điện tử (BAÐT) từ năm 2022 đối với 2 bệnh viện lớn của tỉnh là Bệnh viện Ða khoa tỉnh và Bệnh viện Sản - Nhi, đến nay, BAÐT đang bước vào giai đoạn hoàn thiện và dự kiến 2 bệnh viện này trình Bộ Y tế thống nhất triển khai thực hiện chính thức vào cuối năm 2024, đầu năm 2025, góp phần vào số hóa lĩnh vực y tế, thúc đẩy chuyển đổi số của địa phương.

Ông Trần Quang Khóa, Phó giám đốc Sở Y tế (được Chủ tịch UBND tỉnh phân công phụ trách điều hành hoạt động của Sở Y tế), cho biết: “Việc triển khai BAÐT là một bước tiến quan trọng trong công tác số hóa ngành y tế, mang lại hiệu quả cho cả bệnh viện lẫn bệnh nhân. Vừa số hóa toàn bộ hồ sơ bệnh án của bệnh nhân, giảm tải công tác hành chính, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân. Ðặc biệt, góp phần “nhanh hóa” quy trình khám bệnh, nâng cao mức độ hài lòng của bệnh nhân”.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh là một trong những bệnh viện đi đầu, ứng dụng sớm các phần mềm trong quản lý điều trị bệnh nhân. Trong đó, đối với BAÐT, bệnh viện hiện đang triển khai vận hành thử nghiệm để chuẩn bị tiến tới vận hành chính thức BAÐT theo tiến độ đề ra.

Ông Trần Quang Khóa khảo sát công tác vận hành thí điểm BAÐT tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Ông Trần Quang Khóa khảo sát công tác vận hành thí điểm BAÐT tại Bệnh viện Sản - Nhi Cà Mau.

Thầy thuốc Ưu tú, Bác sĩ CKII Trương Minh Kiển, Phó giám đốc Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh, cho biết: “Năm 2018, bệnh viện chính thức ứng dụng phần mềm quản lý khám chữa bệnh. Kể từ đó, bệnh viện đã thu được những kết quả tích cực trong công tác quản lý viện phí, thanh quyết toán BHYT và thống kê báo cáo. Từ năm 2022, bệnh viện bắt đầu xây dựng và thí điểm BAÐT. Hiện tại, bệnh viện đang từng bước số hóa hoàn chỉnh hồ sơ bệnh án và tiếp tục hướng đến sử dụng BAÐT toàn diện, góp phần nâng cao hiệu quả trong quản lý y tế và chăm sóc sức khỏe Nhân dân”.

Ban đầu, Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh chọn thí điểm 2 khoa thực hiện BAÐT, đến năm 2023, đã triển khai ở tất cả các khoa và hiện tại mỗi khoa làm từ 2-4 BAÐT/tuần, thực hiện song song với bệnh án giấy, vừa để rà soát những vướng mắc trong vận hành vừa kịp thời tháo gỡ.

Ðối với Bệnh viện Ða khoa tỉnh, ngay từ đầu triển khai, bệnh viện đã xây dựng đề án, thành lập Ban Chỉ đạo triển khai BAÐT; tham quan học tập kinh nghiệm tại các bệnh viện lớn tuyến trên. Ðồng thời, lập kế hoạch xây dựng, chuẩn bị các điều kiện về nguồn nhân lực, trang thiết bị để triển khai BAÐT.

Theo đó, đến nay, Bệnh viện Ða khoa tỉnh đã số hóa toàn bộ các biểu mẫu lâm sàng, cận lâm sàng, ký số trả kết quả cận lâm sàng trên hệ thống; số hóa hồ sơ bệnh án, thực hiện song song với quy trình giấy hiện có; thử nghiệm ký số trên các biểu mẫu, số hóa biểu mẫu đặc thù của khoa, triển khai thử nghiệm toàn trình BAÐT từ tháng 7/2024. Mỗi ngày, bệnh viện sẽ chọn ra 10 hồ sơ mới nhập viện để thực hiện BAÐT toàn trình. Ðến nay, có gần 2.000 bệnh án toàn trình đã được nhập đầy đủ như bệnh án giấy và ký số.

Khi BAÐT chính thức vận hành sẽ thay thế toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy, góp phần quan trọng số hóa ngành y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và hệ thống y tế. (Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Ða khoa tỉnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng).

Khi BAÐT chính thức vận hành sẽ thay thế toàn bộ hồ sơ bệnh án giấy, góp phần quan trọng số hóa ngành y tế, mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh và hệ thống y tế. (Trong ảnh: Nhân viên y tế Bệnh viện Ða khoa tỉnh thực hiện các xét nghiệm cận lâm sàng).

Tiến sĩ, Bác sĩ Tô Minh Nghị, Giám đốc Bệnh viện Ða khoa tỉnh, cho biết: “Bệnh án điện tử thật sự là một công cụ quan trọng trong lĩnh vực y tế, mang lại nhiều lợi ích đáng kể cho cả người bệnh, nhân viên y tế và hệ thống y tế nói chung. Bệnh viện đang trong quá trình triển khai thử nghiệm để điều chỉnh những hạn chế trước khi đưa vào vận hành”.

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt thuận lợi, trong quá trình thí điểm, các đơn vị cũng gặp không ít khó khăn. Trong đó, đối với Bệnh viện Ða khoa tỉnh, hiện tại chưa có phòng máy chủ đáp ứng yêu cầu theo bộ tiêu chí ứng dụng BAÐT; chưa có hệ thống tường lửa đảm bảo an ninh, an toàn cho BAÐT. Ðồng thời, chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ BAÐT nói riêng, do đó, kinh phí triển khai BAÐT còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Bệnh viện Sản - Nhi tỉnh cũng ghi nhận một số khó khăn, bao gồm việc đào tạo nhân viên sử dụng phần mềm mới và quá trình số hóa hồ sơ đòi hỏi thời gian cũng như nguồn lực. “Ðến thời điểm hiện tại, bệnh viện đã từng bước hoàn thiện hồ sơ BAÐT và lưu trữ được các hình ảnh y khoa như X-quang, siêu âm... theo đúng quy định của Bộ Y tế. Ðây là bước khởi đầu quan trọng giúp bệnh viện tiến tới không còn sử dụng phim chụp truyền thống”, Bác sĩ Trương Minh Kiển cho hay.

Với những kết quả bước đầu đạt được, thời gian tới, các bệnh viện thí điểm BAÐT sẽ tiếp tục đẩy mạnh việc hoàn thiện hệ thống BAÐT và tích hợp thêm các công nghệ y tế hiện đại. Ðồng thời, dự kiến sẽ mở rộng quy mô lưu trữ và xử lý dữ liệu, cải thiện tính năng của phần mềm để hỗ trợ tốt hơn trong công tác khám chữa bệnh.

"Cùng với đó, định hướng tiến tới xây dựng bệnh viện thông minh, đây cũng là một phần quan trọng trong chiến lược ứng dụng công nghệ thông tin vào y tế, được thúc đẩy bởi Thông tư 54/QÐ-BYT của Bộ Y tế về việc triển khai công nghệ thông tin trong quản lý và chăm sóc sức khỏe. Mục tiêu của mô hình bệnh viện thông minh không chỉ là hỗ trợ khám chữa bệnh mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực khác như: quản lý bệnh viện, đào tạo và chỉ đạo tuyến...", ông Trần Quang Khóa nhấn mạnh./.

Hồng Nhung

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/tang-toc-hoan-thien-benh-an-dien-tu-a35803.html