'Tăng tốc kinh doanh Nga-Việt' - cơ hội thúc đẩy hợp tác song phương
Nội dung của chương trình là phát triển các dự án kinh doanh của các công ty khởi nghiệp (start-up) với mục đích đưa các dự án của Nga vào thị trường Việt Nam và thu hút đầu tư của Việt Nam vào Nga.
Theo phóng viên TTXVN tại Nga, ngày 4/10, tại Phòng Thương mại và Công nghiệp St. Petersburg đã khai mạc chương trình “Tăng tốc kinh doanh Nga-Việt ” do Ủy ban Thanh niên Liên bang Nga, Ủy ban Đối ngoại thành phố St. Petersburg và Đại học Kinh tế quốc gia St. Petersburg phối hợp tổ chức.
Nội dung của chương trình “Tăng tốc kinh doanh Nga-Việt” là phát triển các dự án kinh doanh của các công ty khởi nghiệp (start-up) với mục đích đưa các dự án của Nga vào thị trường Việt Nam và thu hút đầu tư của Việt Nam vào nền kinh tế Nga.
Với chương trình này, tại Nga, các doanh nghiệp được lựa chọn sẽ được các chuyên gia có uy tín tiến hành tập huấn trong vòng 1 tuần để họ nắm được kiến thức kinh doanh tại Việt Nam và hoàn thiện sản phẩm của mình đưa vào thị trường Việt Nam.
Những chủ đề mà các doanh nghiệp Nga được học bao gồm tổng quan giao tiếp liên văn hóa, xu thế kinh doanh và những hướng hợp tác chiến lược, cơ sở pháp lý của hoạt động kinh doanh tại Nga-Việt Nam, thu hút đầu tư vào các dự án kinh doanh của Nga-Việt Nam.
Đặc điểm của hoạt động kinh tế đối ngoại của hai nước là tổng quan hợp tác với các tổ chức tín dụng của Nga-Việt Nam, maketing, PR và quảng cáo có hiệu quả trên lãnh thổ Nga-Việt Nam.
Theo Giám đốc Quỹ hỗ trợ phát triển hợp tác Nga-Việt, ông Nguyễn Quốc Hùng, quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Liên bang Nga hiện còn chưa tương xứng với tiềm năng và cấp độ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Vì vậy việc mở rộng và tìm kiếm những hình thức hợp tác mới để phát triển quan hệ thương mại và đầu tư hai nước là một nhiệm vụ cấp bách.
Ông cho rằng sáng kiến tổ chức chương trình “Tăng tốc kinh doanh Nga-Việt” là hướng đi đúng và đầy triển vọng, tạo tiền đề và hỗ trợ cho các doanh nghiệp khởi nghiệp giúp hai nước không chỉ hiểu biết hơn về điều kiện xúc tiến kinh doanh cũng như luật pháp tại mỗi nước mà còn mở rộng tầm nhìn của họ về đất nước và con người, từ đó giúp các doanh nghiệp lựa chọn được những đối tác kinh doanh và lĩnh vực đầu tư thích hợp nhất./.