Tăng tốc phát triển du lịch bền vững
Thực hiện Nghị quyết số 82/NQ-CP ngày 18/05/2023 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai nhiệm vụ trên địa bàn tỉnh với phương châm “Sản phẩm đặc sắc - Dịch vụ chuyên nghiệp – Thủ tục thuận tiện, đơn giản – Giá cả cạnh tranh – Môi trường sạch đẹp – Điểm đến an toàn, văn minh, thân thiện”.
Để ngành Du lịch phát triển, tỉnh định hướng đến năm 2025 du lịch trở thành ngành kinh tế trọng điểm, xây dựng 1 khu du lịch cấp tỉnh, thu hút trên 3,5 triệu lượt khách; tổng thu từ du lịch đóng góp 10,34% giá trị vào tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh. Phát triển về cơ sở lưu trú khoảng 9.000 buồng, phòng; tạo ra 28.200 việc làm, trong đó có 14.100 việc làm trực tiếp. Phấn đấu đến năm 2030, Công viên Địa chất toàn cầu (CVĐCTC) Cao nguyên đá Đồng Văn (CNĐ ĐV) trở thành khu du lịch quốc gia; thu hút 5 triệu lượt khách du lịch; tổng thu từ du lịch đóng góp 14,34% giá trị vào tổng sản phẩm trên địa bàn; tạo việc làm cho trên 20.000 lao động trực tiếp.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành Du lịch đã có định hướng cơ cấu lại theo hướng hiện đại, chất lượng, bền vững. Tổ chức đánh giá thị trường khách du lịch, xây dựng cơ sở dữ liệu thị trường khách du lịch quốc tế. Tiếp tục thực hiện các giải pháp thúc đẩy phát triển nhanh thị trường du lịch nội địa. Đa dạng hóa, khai thác hiệu quả thị trường nguồn khách quốc tế lớn, chú trọng thị trường có khả năng chi trả cao, nghỉ dưỡng dài ngày, phát triển phân khúc khách theo các sản phẩm chuyên đề. Tăng cường thu hút đầu tư phát triển du lịch có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào khu du lịch cấp tỉnh, cấp quốc gia, các tuyến du lịch liên vùng. Trong đó, phối hợp với các sở, ngành, địa phương triển khai các hoạt động thu hút đầu tư, đầu tư cơ sở hạ tầng cho vùng CVĐCTC CNĐ ĐV trở thành khu du lịch quốc gia; Danh thắng quốc gia ruộng bậc thang Hoàng Su Phì thành khu du lịch cấp tỉnh; xây dựng Con đường trải nghiệm du lịch số 5 kết nối CVĐCTC CNĐ ĐV với Công viên Non nước Cao Bằng.
Tại huyện Đồng Văn đã đưa ra định hướng phát triển du lịch như: Phấn đấu đến năm 2025 trên địa bàn huyện có 260 cơ sở lưu trú du lịch, phát triển trên 90 nhà hàng, hơn 70 cơ sở kinh doanh dịch vụ mua sắm và các dịch vụ khác; tỷ lệ đô thị hóa đạt 10%; tổ chức đón trên 2,6 triệu lượt khách du lịch đến với huyện, trong đó khách quốc tế hơn 600.000 lượt; doanh thu từ du lịch, dịch vụ đến năm 2025 ước đạt trên 2.600 tỷ đồng; tạo việc làm cho gần 1.000 lao động. Trong đó, huyện chú trọng phát huy các thế mạnh về bản sắc văn hóa, phối hợp tổ chức các sự kiện như: Giải đua xe đạp chinh phục Cao nguyên đá; Lễ hội “Hoa Tam giác mạch”; Lễ hội Khèn Mông; Lễ hội Gầu tào; Lễ cúng thần rừng… Phát triển các sản phẩm du lịch liên quan đến nông nghiệp, dịch vụ du lịch gắn với nông thôn và nông dân, phát huy các ngành nghề, làng nghề, dịch vụ nông thôn, các sản phẩm thủ công, đan lát, các sản phẩm từ Tam giác mạch, mật ong Bạc hà, chè Lũng Phìn, gạo Khẩu mang, thịt Bò khô…
Huyện Bắc Quang cũng đề ra mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2025 từng bước trở thành ngành kinh tế trọng điểm, thu hút đầu tư và xây dựng hoàn thành tối thiểu 3 điểm (làng du lịch), thu hút 150.000 lượt khách/năm; tổng thu từ khách du lịch đóng góp khoảng 10% trong tổng thu nhập cơ cấu kinh tế của huyện. Duy trì tốt 80 cơ sở lưu trú du lịch và phát triển thêm các cơ sở lưu trú du lịch với trên 550 buồng, phòng; hàng năm tạo ra trên 2.000 việc làm, trong đó có trên 1.000 việc làm trực tiếp. Bố trí nguồn lực đầu tư và thu hút đầu tư cho các điểm đến có tiềm năng như: Khu di tích cách mạng Tiểu khu Trọng Con (Bằng Hành); danh thắng Thác Thí gắn với làng dân tộc Dao; làng nghề truyền thống Thanh Sơn, Tân Sơn (thị trấn Việt Quang); Quần thể di tích quốc gia xã Đức Xuân và Làng Văn hóa dân tộc Pà Thẻn Minh Thượng gắn với không gian xanh và cổng trời Tân Lập; điểm đến sinh thái Hồ Quang Minh thuộc thôn Khiềm, xã Quang Minh; điểm đến sinh thái Nậm An, xã Tân Thành...
Bên cạnh đó, ngành Du lịch cũng quan tâm đến công tác quy hoạch xây dựng và phát triển đô thị trong vùng CVĐCTC. Đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Đồ án quy hoạch khu du lịch sông Nho Quế để thu hút các dự án đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn các huyện. Đi đôi với việc kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời khi phát sinh vi phạm về trật tự xây dựng trên địa bàn. Đẩy mạnh kết nối, hỗ trợ cộng đồng nông thôn làm du lịch nông nghiệp thông qua các doanh nghiệp lữ hành; hình thành các “điểm đến vệ tinh” với các trung tâm du lịch nhằm lan tỏa những điểm đến ở nông thôn, đặc biệt là đối với khách du lịch quốc tế. Tập trung xây dựng “Làng văn hóa du lịch tiêu biểu gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP)”. Triển khai thực hiện dự án số 6 “Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025. Triển khai Nghị quyết số 10/2023/NQ-HĐND ngày 15/7/2023 của HĐND tỉnh Quy định một số chính sách hỗ trợ phát triển du lịch đến năm 2028, để hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Tiếp tục tạo thuận lợi thu hút khách du lịch quốc tế đến tỉnh; nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực. Phát triển sản phẩm và truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch, đổi mới phương thức, công cụ, ứng dụng công nghệ số trong xúc tiến, quảng bá du lịch.
Bằng nhiều giải pháp cụ thể, ngành Du lịch đang phát triển thương hiệu du lịch Hà Giang gắn với lịch sử, truyền thống, bản sắc văn hóa dân tộc và danh hiệu CVĐCTC CNĐ ĐV; xây dựng Hà Giang là điểm đến an toàn, bản sắc, hấp dẫn, nhân văn, hiếu khách.
Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/van-hoa/202309/tang-toc-phat-trien-du-lich-ben-vung-8373786/