Tăng tốc sản xuất, bảo đảm nguồn cung bình ổn thị trường

Chương trình tham gia bình ổn thị trường tại TP Hồ Chí Minh năm 2024 có nét mới với sự tham gia của nhiều đơn vị sản xuất, thương hiệu nổi tiếng đóng góp những mặt hàng mới, bổ sung danh mục hàng bình ổn giá. Điều này vừa giúp tăng quy mô đơn vị cung ứng, kích thích sản xuất, vừa mở rộng ý nghĩa của chương trình bình ổn giá, kích cầu tiêu dùng, chia sẻ khó khăn với người dân.

Dự báo những tháng cuối năm 2024, đặc biệt dịp lễ, tết, tại TP Hồ Chí Minh, nhu cầu tiêu dùng hàng hóa của người dân sẽ tăng cao. Để bình ổn thị trường, kinh nghiệm từ những năm trước, biện pháp cốt lõi mà TP Hồ Chí Minh đưa ra là tập trung tăng tốc đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn hàng dồi dào, kiểm soát tốt lạm phát. Thành phố phấn đấu năm 2024 đạt mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) trên 7,5%, tạo đà cho năm 2025 đạt mục tiêu tăng trưởng 8-8,5%. Theo đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND thành phố, thực hiện chủ trương, chỉ tiêu trên, thành phố đã chỉ đạo triển khai nhiều nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đồng bộ, quyết liệt, huy động nhiều nguồn lực tăng tốc đẩy mạnh sản xuất, bảo đảm nguồn hàng dồi dào, nhằm đáp ứng tốt tiêu dùng trong nước và mở rộng thị trường xuất khẩu.

 Hàng hóa dồi dào tại Siêu thị BigC Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Hàng hóa dồi dào tại Siêu thị BigC Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh.

Trước hết, thành phố thúc đẩy thực hiện nhiều biện pháp đẩy nhanh giải ngân đầu tư công, tăng cường khả năng hấp thụ vốn của các doanh nghiệp; đồng thời tiếp tục thực hiện kích cầu tiêu dùng gắn với các chương trình bình ổn thị trường, tạo động lực tăng trưởng mới. Thành phố chủ động tháo gỡ vướng mắc, khó khăn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các biện pháp cải cách hành chính. Các doanh nghiệp bình ổn thị trường được thành phố hỗ trợ vốn vay lãi suất thấp, có cơ chế thực hiện cơ cấu lại nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ những khách hàng, doanh nghiệp gặp khó khăn. Cụ thể như gói tín dụng lâm sản, thủy sản, đối tượng vay là khách hàng có dự án, phương án phục vụ sản xuất, kinh doanh, lãi suất cho vay thấp hơn lãi suất tối thiểu 1-2%/năm so với mức lãi suất cho vay bình quân cùng kỳ hạn của chính các ngân hàng.

Trong hỗ trợ sản xuất hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm, thành phố tập trung đầu tư xây dựng, nâng cấp hệ thống công trình thủy lợi, bảo đảm chống úng ngập, triều cường và cấp nước, tưới tiêu phục vụ sản xuất, đời sống. Dự kiến giai đoạn 2024-2025, thành phố thực hiện đầu tư 185 công trình thủy lợi với tổng mức đầu tư hơn 4.100 tỷ đồng. Các ban, ngành, địa phương tăng cường phối hợp đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo, tăng năng suất lao động; đồng thời triển khai hiệu quả mô hình kinh doanh kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, tạo đột phá trong phát triển sản xuất, kinh doanh.

Thành phố chủ động nghiên cứu, xây dựng nguồn dữ liệu làm cơ sở dự báo, đánh giá sát nhu cầu thị trường, từ đó có kế hoạch tổ chức sản xuất bảo đảm năng suất, sản lượng hàng hóa, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong nước và xuất khẩu. Thành phố cũng đẩy mạnh nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế; đột phá trong bảo vệ môi trường, mở rộng quỹ đất phát triển sản xuất, công nghiệp và dịch vụ, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án trọng điểm, dự án an sinh xã hội, giúp người dân an cư lạc nghiệp, ổn định cuộc sống. Thành phố đẩy mạnh hợp tác kinh tế liên kết vùng, tạo nguồn nguyên liệu, cung cấp hàng hóa, dịch vụ và tiêu thụ sản phẩm, nhất là hàng hóa thiết yếu phục vụ đời sống nhân dân và bảo đảm dự trữ cho những tình huống thiên tai, dịch bệnh, ứng phó, thích ứng với biến đổi khí hậu.

 Công nhân Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần) tích cực sản xuất bảo đảm hàng hóa.

Công nhân Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần) tích cực sản xuất bảo đảm hàng hóa.

Nhằm bảo đảm nguồn cung, bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm và Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, TP Hồ Chí Minh đã xây dựng hệ thống đầu mối doanh nghiệp cung ứng hàng hóa, bảo đảm mức giá giảm nhằm kích cầu, chia sẻ khó khăn với người tiêu dùng. Đến nay đã có 69 doanh nghiệp đầu mối tham gia, tăng 10 doanh nghiệp so với năm 2023.

Điểm mới của nguồn cung là năm nay nhiều mặt hàng bình ổn được mở rộng, đa dạng hơn, không chỉ dừng lại ở các mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu như mọi năm. Các mặt hàng được mở rộng, bổ sung như: Nước rửa chén, nước lau nhà, bột giặt, chất tẩy rửa, khăn giấy, túi rác phân hủy sinh học; muối, nước uống, thực phẩm thiết yếu; laptop, máy tính để bàn, máy in phun, máy in laser... Trong đó có một số mặt hàng của các thương hiệu lớn như: Gạo của Tập đoàn Lộc Trời, đồng phục học sinh của Tổng công ty 28 (Tổng cục Hậu cần, Bộ Quốc phòng), nước uống Sapuwa của Công ty TNHH Nước uống tinh khiết Sài Gòn...

Theo đồng chí Bùi Tá Hoàng Vũ, Giám đốc Sở Công Thương TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ tăng cường phối hợp với các ban, ngành, địa phương chủ động cung cấp thông tin thị trường, hỗ trợ các doanh nghiệp xây dựng mạng lưới tiêu thụ sản phẩm và đẩy mạnh hợp tác giao thương giữa các đơn vị để tăng cường liên kết sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; đồng thời định hướng doanh nghiệp tăng năng suất, sản lượng cuối năm sát thực tiễn thị trường. Sở cũng chủ động phối hợp tăng cường thanh tra, kiểm tra chống găm hàng, đầu cơ, buôn lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng; bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, không để xảy ra thiếu hàng cục bộ, tăng giá đột biến, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, người lao động.

Bài và ảnh: DUY NGUYỄN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-toc-san-xuat-bao-dam-nguon-cung-binh-on-thi-truong-791029