Tăng tốc thị trường tour trong nước và outbound
Thị trường du lịch trong nước và du lịch ra nước ngoài (outbound) đang bứt phá rõ nét từ quý III/2025, nhờ nhu cầu du lịch mùa thu - đông gia tăng, lượng đặt tour khởi sắc và chính sách visa, hàng không cởi mở hơn.
Nửa đầu năm 2025, du lịch trong nước ghi nhận tốc độ phục hồi tương đối tốt, nhất là tại các điểm đến truyền thống như Đà Nẵng, Đà Lạt, Phú Quốc, Sa Pa, Ninh Bình… Tuy nhiên, do ảnh hưởng từ kinh tế, tâm lý thắt chặt chi tiêu của người dân và tình trạng “ngại đi tour trọn gói”, nên nhiều doanh nghiệp lữ hành vẫn chưa thể tăng trưởng như kỳ vọng.
Bước sang quý III, thị trường có dấu hiệu chuyển động tích cực hơn. Theo Cục Du lịch quốc gia Việt Nam, 6 tháng đầu năm 2025 ghi nhận 10.664.608 lượt khách, tăng 20,7% so với cùng kỳ năm 2024. Mùa hè năm nay, một số hãng lữ hành lớn ghi nhận lượng tour đoàn gia đình, khách công ty và học sinh tăng mạnh, đặc biệt là các chương trình “nghỉ dưỡng xanh” và tour kết hợp thể thao, văn hóa - lịch sử.
Bà Đinh Nguyệt Ánh, Tổng giám đốc Vietrantour cho biết: “Nhu cầu tour nội địa dịp 2/9 tăng đột biến, nhất là các điểm ngắn ngày như miền Trung, Tây Nguyên và Tây Bắc. Tour trải nghiệm bản địa, nghỉ dưỡng wellness, hoặc kết hợp trekking, camping đang rất được giới trẻ ưa chuộng”.
Cùng với nhu cầu nghỉ lễ, xu hướng du lịch mùa thu kết hợp săn ảnh, ngắm lúa chín ở Hà Giang, Mù Cang Chải, hay tour đường sông miền Tây cũng đang được đẩy mạnh truyền thông để thu hút nhóm khách trung lưu và cao cấp.
Trái ngược với sự ảm đạm của những tháng đầu năm, tour outbound, đặc biệt là tour đi châu Âu, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Australia đang chứng kiến làn sóng quay lại đáng kể từ nhóm khách trung - thượng lưu.
Theo thống kê từ Hiệp hội Du lịch Việt Nam, lượng khách outbound trong tháng 6 - 7/2025 đã phục hồi khoảng 80%. Riêng các tour Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc luôn kín chỗ vào các khung giờ bay đẹp.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó tổng giám đốc Vietravel nhận định: “Thị trường outbound đã thực sự khởi sắc trở lại. Khách Việt bắt đầu chi tiêu cho trải nghiệm chất lượng, ưu tiên dịch vụ trọn gói, bảo hiểm du lịch đầy đủ và có hướng dẫn viên bản địa. Đặc biệt, các tour charter đi châu Âu hoặc Trung Đông dịp cuối năm đang được đặt kín từ rất sớm”.
Các công ty lữ hành cũng ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng từ nhóm khách gia đình đi Australia, New Zealand và tour hành hương đến Ấn Độ, Bhutan. Đây là phân khúc khách “ít nhưng chất”, giúp doanh nghiệp tăng biên lợi nhuận và dễ kiểm soát chất lượng dịch vụ.
Song, dù đang vào mùa cao điểm, thị trường du lịch trong nước và outbound vẫn đối mặt với không ít thách thức.
Ở thị trường nội địa, áp lực cạnh tranh về giá khiến nhiều doanh nghiệp nhỏ khó duy trì chất lượng dịch vụ. Hiện tượng “phá giá tour”, đưa khách vào điểm mua sắm kém chất lượng, hoặc rút bớt dịch vụ phụ vẫn diễn ra ở một số nơi, ảnh hưởng đến uy tín toàn ngành.
Trong khi đó, với tour outbound, rào cản lớn nhất vẫn là chính sách visa chưa thật sự linh hoạt. Một số nước vẫn yêu cầu thời gian xét duyệt lâu, hồ sơ phức tạp. Mặt khác, vé máy bay chiều về từ châu Âu, Mỹ, Trung Đông còn khá cao và khan hiếm, ảnh hưởng đến tính linh hoạt trong thiết kế tour.
Trong bối cảnh thị trường đang ấm dần, nhiều chuyên gia nhận định, từ tháng 8 đến Tết Nguyên đán 2026 là thời điểm vàng để ngành lữ hành tăng tốc, phục hồi toàn diện. Từ nay đến cuối năm là giai đoạn thuận lợi để doanh nghiệp du lịch triển khai dòng tour mới, tái cơ cấu chuỗi dịch vụ và tăng tốc bán hàng. Những đơn vị chủ động sớm sẽ nắm cơ hội chiếm lĩnh thị phần. Trong đó, các doanh nghiệp có khả năng xây dựng chuỗi dịch vụ khép kín từ vé máy bay, khách sạn, bảo hiểm đến hậu mãi đang chiếm lợi thế.
Tuy nhiên, để quá trình tăng tốc diễn ra bền vững, ngành du lịch rất cần sự hỗ trợ của Nhà nước và các địa phương, thông qua những chính sách như đẩy mạnh số hóa trong quản lý và tích hợp dữ liệu liên ngành; mở rộng chính sách visa điện tử song phương với các nước ASEAN+3 và Trung Đông; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận tín dụng ưu đãi, đặc biệt là nhóm vừa và nhỏ; đồng thời đầu tư quảng bá tại các thị trường có mức chi tiêu cao…
Thị trường tour trong nước và outbound đang mở ra cơ hội tăng trưởng thực chất sau thời gian dài phục hồi. Chúng ta không thể trông chờ vào khách tự quay lại. Đây là lúc cần chiến lược marketing quốc gia bài bản, gắn với thương hiệu điểm đến, ứng dụng công nghệ mới và định vị trải nghiệm cao cấp.
Những doanh nghiệp nắm bắt kịp thời xu hướng, đầu tư công nghệ, đa dạng hóa sản phẩm và giữ được chất lượng dịch vụ sẽ có lợi thế dẫn dắt cuộc đua tăng tốc. Nhưng để “chạy đường dài”, ngành du lịch vẫn cần môi trường chính sách đồng hành và những cú hích từ hệ sinh thái hỗ trợ.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-toc-thi-truong-tour-trong-nuoc-va-outbound-d338275.html