Tăng trách nhiệm, giảm oan sai
Tại hội thảo khoa học: 'Hoạt động phối hợp giữa Đoàn đại biểu Quốc hội và Hội Luật gia tỉnh Đồng Nai trong công tác giám sát phòng ngừa án oan sai tại địa phương - thực trạng và giải pháp' do Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tổ chức, các đại biểu tham dự đã thẳng thắn chỉ ra những tồn tại, hạn chế trong hoạt động tố tụng, nêu ra nhiều giải pháp hữu hiệu để không còn án oan sai.
Từ khi có Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước năm 2009 và 2017, các cơ quan tố tụng tỉnh Đồng Nai đã thực hiện bồi thường và xin lỗi công khai gần chục vụ việc liên quan tới việc khởi tố, truy tố, xét xử oan sai công dân.
* Hạn chế trong công tác tố tụng
Nổi bật như vụ công dân Bùi Minh Hải (xã Long Tân, huyện Nhơn Trạch) bị truy tố oan về tội giết người vào năm 1998 và bị Tòa án nhân dân tỉnh tuyên mức án chung thân. Trong thời gian chờ xử phúc thẩm vụ án, cơ quan điều tra đã bắt giữ thủ phạm Nguyễn Văn Tèo và Tèo khai nhận đã giết nạn nhân D. nên ông Hải được minh oan.
Hay như vụ án của ông Bùi Xuân Quang (xã Hố Nai 3, huyện Trảng Bom) bị Viện Kiểm sát nhân dân huyện Vĩnh Cửu truy tố oan về tội trộm cắp tài sản vào năm 2015. Ông Quang bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Vĩnh Cửu ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam 4 tháng 9 ngày về hành vi trộm 922 cây tràm (định giá 27 triệu đồng) của một người dân. Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu vụ việc, tòa án đã trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Sau đó, cơ quan điều tra xác định không có căn cứ kết luận ông Quang có hành vi trộm cắp tài sản. Ngày 24-4-2017, Công an huyện Vĩnh Cửu ra quyết định đình chỉ điều tra vụ án, điều tra bị can đối với ông Quang.
Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bùi Xuân Thống cho biết, trong thời gian tới, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và Hội Luật gia tỉnh tiếp tục phối hợp tốt hơn nữa trong công tác giám sát phòng ngừa án oan sai tại địa phương. Hướng tới Hội Luật gia tỉnh phối hợp với Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh giám sát, tiếp nhận, tham vấn hướng giải quyết các vụ việc theo đúng quy định pháp luật và quy chế phối hợp mà hai bên đã ký kết.
Luật sư Trương Tiến Dũng, Hội Luật gia tỉnh chỉ ra một số nguyên nhân chính dẫn đến oan sai trong các vụ án hình sự như sau: có những vụ án, tòa án nhiều lần trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vì các chứng cứ, tình tiết vụ án chưa được thực hiện chặt chẽ nên chưa đủ yếu tố buộc tội nhưng cơ quan điều tra, kiểm sát không bổ sung vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố. Đặc biệt, tại phần xét hỏi của tòa án, người bị oan sai luôn kêu oan, bác bỏ lời khai nhận tội nhưng tòa án vẫn cho rằng, họ không thành khẩn khai báo, quanh co chối tội.Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, những vụ án oan sai phần lớn là do cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không đi tìm chứng cứ gỡ tội trước và loại dần cho đến khi không còn chứng cứ gỡ tội nữa thì mới tiến hành chứng cứ buộc tội. Thế nhưng, một số cơ quan, người tiến hành tố tụng làm ngược lại, chỉ đi tìm và tạo ra chứng cứ buộc tội, ít quan tâm chứng cứ gỡ tội, không áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội hay còn gọi là giả định vô tội (Đây là một trong những nguyên tắc cơ bản, được ứng dụng rộng rãi trong nền khoa học pháp lý hiện đại. Nội dung cốt lõi của nguyên tắc cho rằng, mọi nghi can đều vô tội cho đến khi được chứng minh là có tội).
* Để không còn án oan sai
TS.Đàm Bích Hiên, Học viện Hành chính quốc gia cho biết, ở một số tỉnh, thành, trong đó có Đồng Nai, nhiều trường hợp xử án để kéo dài, vẫn còn hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng, không chịu bồi thường trách nhiệm về lỗi của mình gây ra cho công dân.
Theo TS.Đàm Bích Hiên, để xác định trách nhiệm bồi thường đối với án oan sai không khó. Một số vụ việc chưa qua xét xử thì giai đoạn thụ lý của cơ quan nào, cơ quan đó phải chịu trách nhiệm. Khi việc bồi thường có liên quan đến nhiều cơ quan phải tăng cường công tác phối hợp giữa những cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong vấn đề pháp lý, trách nhiệm bồi thường đối với án oan sai. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm đối với trách nhiệm pháp lý của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với án oan sai.
Để không còn án oan sai, Luật gia Nguyễn Đức, Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh cho rằng, cơ quan ban hành luật tiếp tục hoàn thiện các quy định của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước... và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan để tránh hiện tượng áp dụng sai tội, xét xử oan đối với người vô tội.
“Các cơ quan tiến hành tố tụng phải tuân thủ nguyên tắc “suy đoán vô tội”; đồng thời, cần nâng cao năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp, tăng cường trách nhiệm của những người thực thi công vụ trong các cơ quan tố tụng nhằm hạn chế đến mức tối đa xảy ra những án oan sai” - luật sư Nguyễn Đức nhấn mạnh.
Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/phapluat/201909/tang-trach-nhiem-giam-oan-sai-2962024/