Tăng trách nhiệm trong xây dựng pháp luật

Trong Nghị quyết số 135/NQ-CP phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 8-2023, Chính phủ nêu rõ, các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ phải trực tiếp phụ trách lãnh đạo, chỉ đạo công tác xây dựng pháp luật và chịu trách nhiệm về chất lượng dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do mình ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Đây là sự nhấn mạnh cần thiết trong bối cảnh yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng pháp luật đặt ra càng ngày cao.

Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định 1 trong 6 nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ là hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách nhằm phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa, quyền làm chủ của nhân dân...

Quán triệt tinh thần này, thời gian qua, Chính phủ đã tổ chức 19 phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; trình Quốc hội thông qua 35 luật, pháp lệnh, nghị quyết. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành hơn 400 văn bản quy phạm pháp luật. Công tác xây dựng, hoàn thiện pháp luật được xác định là một trong những đột phá chiến lược, góp phần tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, khơi thông nguồn lực phát triển; bổ sung, hoàn thiện, tạo khung pháp lý cho những vấn đề mới.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chất lượng lập pháp, trước hết là chất lượng các dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật thuộc trách nhiệm tham mưu của các bộ, ngành vẫn còn hạn chế. Ngay nội dung chất vấn và trả lời chất vấn tại phiên họp thứ 25 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa qua, nợ, chậm văn bản pháp luật vẫn là chủ đề “nóng”. Đây là hạn chế nhiều năm nhưng chưa được khắc phục.

Nguyên nhân của tình trạng này trong nhiều trường hợp lại do chính luật được các bộ, ngành xây dựng dự thảo có quá nhiều nội dung đòi hỏi phải quy định chi tiết.

Ví dụ, Luật Bảo vệ môi trường có đến 65 nội dung trong luật giao quy định chi tiết. Chưa kể, kỷ cương lập pháp còn chưa nghiêm, trách nhiệm của người đứng đầu chưa rõ... Đây cũng là lý do khiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định bổ sung trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 yêu cầu về tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật; quy định rõ trách nhiệm của cơ quan trình, cơ quan chủ trì soạn thảo...

Có thể khẳng định, chỉ đạo của Chính phủ về trách nhiệm trực tiếp của các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ trong Nghị quyết số 135/NQ-CP nêu trên là giải pháp quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng pháp luật hiện nay.

Để thực hiện nghiêm chỉ đạo này, các bộ, ngành phải quán triệt sâu sắc Kết luận số 19-KL/TƯ ngày 14-11-2021 của Bộ Chính trị về định hướng chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, đặc biệt là yêu cầu siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là người đứng đầu; chống tiêu cực ngay trong công tác xây dựng pháp luật, không để xảy ra tình trạng lồng ghép “lợi ích nhóm”, lợi ích cục bộ của cơ quan quản lý nhà nước trong văn bản pháp luật.

Việc xây dựng, ban hành luật phải thận trọng, chắc chắn, làm tốt từng khâu, đặt yêu cầu cao về chất lượng, không chạy theo số lượng, phải bám sát và kịp thời đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; lấy quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân, doanh nghiệp làm trọng tâm. Khắc phục ngay tình trạng văn bản luật thiếu tính ổn định, “luật khung, luật ống”, chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.

Điều quan trọng là phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật, đồng thời phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên đối với quy trình lập pháp.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tang-trach-nhiem-trong-xay-dung-phap-luat-640006.html