Tăng trách nhiệm trường học khi trao quyền lựa chọn sách giáo khoa
Việc trao quyền lựa chọn sách giáo khoa cho trường học là cơ sở lựa chọn sách phù hợp với đặc điểm người học và nhu cầu đặc biệt từng địa bàn.
Đảm bảo lựa chọn công khai
Theo quy định mới của Bộ GD&ĐT, từ năm học 2024 - 2025 trở đi, quyền chọn sách giáo khoa (SGK) được trao về cho các cơ sở giáo dục thay vì căn cứ vào kết quả lựa chọn chung của UBND tỉnh như các năm học trước.
Đây là cơ hội để lựa chọn SGK phù hợp nhất với đặc điểm người học và nhu cầu đặc biệt từng địa bàn. Đồng thời nâng cao hơn nữa trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên, phụ huynh trong lựa chọn sách.
Triển khai Thông tư 27 của Bộ GD&ĐT về việc lựa chọn SGK trong cơ sở giáo dục phổ thông, Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu đã ban hành kế hoạch lựa chọn SGK lớp 5, 9 và 12 trên địa bàn tỉnh.
Nguyên tắc lựa chọn SGK phải trong danh mục đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt để sử dụng ổn định trong cơ sở giáo dục. Mỗi khối lớp lựa chọn 1 SGK cho mỗi môn học, hoạt động giáo dục (bao gồm các nội dung, chuyên đề học tập lựa chọn nếu có) được thực hiện ở cơ sở giáo dục. Việc lựa chọn SGK đảm bảo dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, vì quyền lợi của học sinh.
Theo đó, mỗi nhà trường phải thành lập một Hội đồng lựa chọn SGK do hiệu trưởng quyết định.
Ông Tống Thanh Sơn, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Tè cho biết: “Hiện các cơ sở giáo dục trên địa bàn đã thành lập Hội đồng lựa chọn SGK. Đồng thời, phân công nhiệm vụ cho Tổ, nhóm chuyên môn nghiên cứu SGK của một hoặc một số môn học/hoạt động giáo dục. Việc này giúp nâng cao trách nhiệm của mỗi cán bộ, giáo viên trong lựa chọn sách”.
“Trên cơ sở kế hoạch lựa chọn SGK của Sở GD&ĐT, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành văn bản chỉ đạo công tác lựa chọn SGK lớp 5, 9 trên địa bàn. Theo đó, Phòng có trách nhiệm hướng dẫn các cơ sở giáo dục thuộc thẩm quyền quản lý tổ chức lựa chọn SGK đảm bảo theo quy định tại Thông tư số 27. Đồng thời, thẩm định hồ sơ lựa chọn SGK của các cơ sở giáo dục” - ông Khổng Văn Thiện, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Phong Thổ cho biết.
Tại huyện Tân Uyên, sau khi giới thiệu xong 5 bộ SGK tới các cơ sở giáo dục, địa phương tiếp tục các bước lựa chọn sách theo quy định. Ông Nguyễn Tuấn Anh, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Tân Uyên cho biết: “Trong ngày 19/3, phòng sẽ tổ chức hội nghị trực tuyến đến 21 cơ sở giáo dục tiểu học, THCS trên địa bàn về nội dung và quy trình lựa chọn SGK”.
Bên cạnh đó, Thông tư 27 cũng quy định Hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường có thêm thành phần là đại diện ban đại diện cha mẹ học sinh. Các thành phần còn lại gồm đại diện cán bộ, tổ chuyên môn, giáo viên. UBND cấp tỉnh chỉ đưa ra quyết định phê duyệt danh mục SGK do các cơ sở giáo dục lựa chọn”.
“Sau khi Hội đồng lựa chọn SGK của nhà trường duyệt xong phương án lựa chọn thì tiếp tục lấy ý kiến phụ huynh và học sinh. Đây là bước cuối cùng, quan trọng và bắt buộc khi lựa chọn để đảm bảo tính công khai, tránh chỉ định trước khi phòng tổng hợp kết quả lựa chọn để gửi Sở” – ông Tống Thanh Sơn chia sẻ.
Nâng trách nhiệm của nhà trường
Trao đổi về việc trao quyền cho trường lựa chọn SGK, thầy Bùi Tiến Phong, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và THCS xã Sam Mứn, huyện Điện Biên cho biết: “Theo quy định trước đây, các trường cũng đã có quyền trong việc lựa chọn SGK. Nhưng với Thông tư mới, sẽ cụ thể và tạo thuận lợi hơn cho các trường. Khi giao quyền cho cơ sở giáo dục lựa chọn SGK thì đồng nghĩa với việc trách nhiệm của các trường cũng cao hơn, mỗi đơn vị sẽ lựa chọn và chịu trách nhiệm hoàn toàn với sự lựa chọn của mình”.
Theo thấy Phong, giáo viên - người trực tiếp đứng lớp chính là người hiểu rõ nhất thực tế dạy và học, để có thể chọn được bộ sách đúng nhu cầu. Các trường sẽ xem xét bộ sách phù hợp với chương trình và điều kiện thực tế của riêng trường mình chứ không phải chung cho vùng. Việc lựa chọn này cũng rõ ràng, khách quan, dân chủ cao.
Nói về quy trình chọn SGK, thầy Bùi Tiến Phong cũng cho biết, quy trình tương tự như trước đây. Trường đã dự kiến kế hoạch, thành lập hội đồng chọn sách. Bắt đầu từ các giáo viên, tổ chuyên môn nghiên cứu và đánh giá, nhận xét các bộ sách, sau đó đề xuất lên hội đồng nhà trường. Trên cơ sở đó, hội đồng chọn sách (bao gồm ban giám hiệu, tổ trưởng, tổ phó chuyên môn và giáo viên cốt cán, đại diện phụ phuynh) sẽ họp thảo luận, thẩm định và lập hồ sơ lựa chọn SGK.
Thông tư 27 về việc lựa chọn SGK sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 12/2/2024, được áp dụng từ năm học 2024 - 2025, đối 3 khối lớp cuối cùng bắt đầu theo học Chương trình GDPT mới là lớp 5, 9 và 12.
Đến thời điểm này, tại tỉnh Điện Biên, các nhà xuất bản (của các bộ sách đã được Bộ GD&ĐT phê duyệt) mới đến các cơ sở giáo dục để giới thiệu sách. Các quy trình đang được tiến hành.
Ông Thái Đình Huyên, Trưởng phòng Giáo dục trung học, Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên cho biết: “Sở đang tiến hành các bước tham mưu, trình UBND tỉnh quy định cụ thể tiêu chí lựa chọn SGK cho địa bàn, căn cứ tiêu chí lựa chọn SGK của Thông tư”.
Ông Huyên chia sẻ thêm, các cơ sở đều đồng thuận và ủng hộ thay đổi mới này trong giao quyền lựa chọn SGK. Bởi lẽ đây cũng là đề nghị từ các tỉnh lên, sau thời gian thời gian triển khai, rút kinh nghiệm để phù hợp với thực tế. Hơn nữa trước đây để lựa chọn SGK, hội đồng tỉnh cũng dựa trên kết quả nghiên cứu, đề xuất của cơ sở. Vì thế quy định mới sẽ giúp giảm thủ tục, bớt quy trình thực hiện; tăng trách nhiệm và quyền lợi cho cơ sở.
Việc giao quyền lựa chọn SGK được đồng thuận cao, tuy nhiên nhiều cán bộ, giáo viên cũng xác định rằng, việc nghiên cứu chọn sách cần phù hợp, nhưng cũng vẫn là tài liệu chưa đưa vào thực hành giảng dạy tại địa bàn, phải qua thực tiễn mới phát sinh vấn đề và rút được kinh nghiệm.