Tăng trưởng bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng đạt mục tiêu Chính phủ đề ra
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng quý IV/2024 tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước giúp nâng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cả năm 2024 tăng 9% so với năm trước, đạt mục tiêu đề ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 12/2024 ước đạt 570,7 nghìn tỷ đồng, tăng 1,9% so với tháng trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Quý IV/2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 1.686,1 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với quý trước và tăng 9,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 1.290,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,7% so với quý trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 191,1 nghìn tỷ đồng, tăng 2,8% và tăng 11,3%; doanh thu du lịch lữ hành đạt 16,4 nghìn tỷ đồng, giảm 0,4% và tăng 11,3%; doanh thu dịch vụ khác đạt 188,1 nghìn tỷ đồng, tăng 11,1% và tăng 8,2%.
Năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỷ đồng, tăng 9% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).
So với năm 2019 - năm chưa xảy ra dịch Covid-19, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2024 tăng 29,4%, trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 31,5% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 39,8%.
Doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 ước đạt 4.921,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 77% tổng mức và tăng 8,3% so với năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 10,8%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 3,6%; may mặc tăng 8,4%; phương tiện đi lại (trừ ô tô) tăng 8,2%; vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng 6%.
So với năm trước, doanh thu bán lẻ hàng hóa năm 2024 của một số địa phương như Quảng Ninh tăng 9,7%; Hải Phòng tăng 9,6%; Cần Thơ tăng 7,8%; Đà Nẵng tăng 7,2%; Hà Nội tăng 6,6%; TP. Hồ Chí Minh tăng 5,2%.
Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống năm 2024 ước đạt 733,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 11,5% tổng mức và tăng 12,9% so với năm trước. Một số địa phương có doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng cao như Khánh Hòa tăng 16,7%; Cần Thơ tăng 13,7%; Hà Nội tăng 11,7%; TP. Hồ Chí Minh tăng 10,5%; Bình Dương tăng 9,8%.
Doanh thu du lịch lữ hành năm 2024 ước đạt 62,5 nghìn tỷ đồng, chiếm 1% tổng mức và tăng 16% so với năm trước do các địa phương ngay từ đầu năm đã tích cực đẩy mạnh xúc tiến du lịch, tăng cường thu hút khách trong nước và quốc tế. Doanh thu năm 2024 của một số địa phương như Cần Thơ tăng 33,7%; Quảng Ninh tăng 21,4%; TP. Hồ Chí Minh tăng 18,7%; Khánh Hòa tăng 16,5%; Bình Dương tăng 15,7%; Hà Nội tăng 12,4%.
Doanh thu dịch vụ khác năm 2024 ước đạt 672,9 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,5% tổng mức và tăng 9% so với năm trước. Cụ thể mức tăng, giảm năm 2024 so với năm trước của Điện Biên tăng 17,8%; Đồng Nai tăng 15,4%; Nam Định tăng 13,5%; Cần Thơ tăng 12%; Hải Dương tăng 9,2%; Hà Nội tăng 8,5%; TP. Hồ Chí Minh tăng 7,9%; Hưng Yên giảm 9,4%.
Có thể thấy rõ, các giải pháp đẩy mạnh phát triển thị trường trong nước, kích cầu tiêu dùng những tháng cuối năm đã góp phần tích cực thúc đẩy tăng trưởng ngành dịch vụ năm 2024./.