Tăng trưởng có thể vượt mục tiêu, lạm phát trong tầm kiểm soát

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, kết quả tăng trưởng GDP tích cực nửa đầu năm, đặc biệt là trong quý II/2024 có thể tạo đà đưa tăng trưởng GDP cả năm 2024 nước ta vượt mục tiêu, đạt mức 6,8 - 7,3% và khả năng lạm phát dao động khoảng 3,8 - 4,1% khi các bộ, ngành, địa phương triển khai quyết liệt các giải pháp.

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

Nguồn: Tổng cục Thống kê Đồ họa: Văn Chung

PV: Ông đánh giá thế nào về việc kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2024?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân tăng 4,08% so với cùng kỳ năm 2023. Chỉ số lạm phát cơ bản bình quân tăng 2,75% so với cùng kỳ, thấp hơn mức CPI bình quân chung (tăng 4,08%), chủ yếu do giá lương thực, điện, dịch vụ giáo dục và dịch vụ y tế là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Có thể nói, nửa đầu năm 2024, CPI kiểm soát như mục tiêu đề ra do sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ trong việc quản lý thị trường tài chính tiền tệ; sự vào cuộc nhanh chóng, kịp thời, đồng bộ và quyết liệt của các cơ quan quản lý giá cả và cơ quan quản lý thị trường, tránh các đợt tăng giá sốc vào một số thời điểm nhạy cảm.

PV: Bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, đâu là các nhân tố tác động tới tăng trưởng và lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Theo tôi, 6 tháng cuối năm 2024, các nhân tố gây thách thức và tạo thuận lợi cho công tác kiểm soát lạm phát của Việt Nam đan xen, gồm các yếu tố khách quan do tác động từ nền kinh tế thế giới và cả các tác nhân từ nội tại nền kinh tế.

Trước hết, lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm thấp nhưng vẫn còn ở mức tương đối cao, dự báo khoảng 5,8%, có thể tác động tới kinh tế Việt Nam thông qua nhập khẩu lạm phát. Điều này có thể sẽ gây khó khăn cho hoạt động huy động vốn và làm cho tốc độ phục hồi kinh tế chậm lại.

Ngoài ra, những cú sốc về nguồn cung có thể làm tăng giá hàng hóa, đặc biệt là gián đoạn nguồn cung dầu, các nguyên liệu do xáo trộn địa chính trị trên biển Đỏ và cuộc xung đột Nga - Ukraine có thể tác động dai dẳng đến thị trường toàn cầu. Giá năng lượng cao hơn sẽ chuyển sang giá tiêu dùng và làm kỳ vọng lạm phát tăng lên.

Do Việt Nam là quốc gia có độ mở cửa hội nhập sâu rộng và toàn diện với thế giới, mức độ nhập khẩu nguyên liệu đầu vào cho sản xuất chiếm tới 37% nên khả năng nhập khẩu lạm phát thông qua nhập khẩu nguyên, nhiên vật liệu đầu vào rất lớn.

Thứ hai, hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu trong quý III và IV/2024 có xu hướng tiếp tục tăng cao có thể đẩy lạm phát tăng cao. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 15,2% và doanh thu du lịch lữ hành tăng 37,1%. Khi hoạt động du lịch, dịch vụ và hoạt động xuất nhập khẩu tăng trưởng trở lại sẽ đẩy tăng trưởng GDP, nhưng cũng đẩy cầu tiêu dùng tăng lên cũng là một nhân tố có thể thúc đẩy lạm phát tăng cao.

Thứ ba, việc vốn đầu tư công tăng cao trong năm 2024 và quyết tâm giải ngân 90% - 95% trong năm 2024 của Chính phủ sẽ đưa một khối lượng vốn hơn 600.000 tỷ đồng ra thị trường. Đây sẽ là nhân tố thúc đẩy tăng trưởng GDP, cũng là áp lực lớn tăng giá nhiều loại vật tư nguyên liệu, hàng hóa liên quan đến đầu tư công của nền kinh tế, gây áp lực tăng lạm phát.

Thứ tư, việc tăng lương từ ngày 1/7/2024 cũng là nhân tố gây sức ép tăng cung tiền và tăng áp lực lạm phát trong 6 tháng cuối năm 2024. Tuy nhiên, mức tăng lương này chỉ được áp dụng với dưới 8% lực lượng lao động trong nền kinh tế nên tác động không quá lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát. Hơn nữa, Quốc hội, Chính phủ, Bộ Tài chính đã có chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng cho nhiều mặt hàng; giảm 36 loại phí, lệ phí; giảm tiền thuê đất… có thể làm mặt bằng giá cả của nền kinh tế giảm thấp.

PV: Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế và kìm giữ lạm phát xuống mức thấp nhất, cần lưu ý những giải pháp gì, thưa ông?

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh: Để có thể đạt tốc độ tăng trưởng GDP và giữ chỉ số CPI ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu của Quốc hội đề ra và tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát cần thực hiện tốt một số biện pháp. Theo đó, cần tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động, thực hiện điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, tích cực quản lý và điều chỉnh tỷ giá hối đoái linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, từng bước ổn định và nâng cao giá trị đồng Việt Nam, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số CPI.

Về phía Bộ Tài chính, cần xem xét kỹ lưỡng nhu cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, tính toán cẩn trọng mức độ, thời hạn, hình thức, phương thức huy động vay nợ công để vừa đảm bảo kích thích nền kinh tế hồi phục và phát triển nhanh chóng, vừa đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn vay, đảm bảo khả năng trả nợ vay và sự ổn định, phát triển trong dài hạn của nền kinh tế. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Ngoài ra, Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương) và Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, tránh tình trạng tăng giá theo tăng lương của một số chủ thể, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, hàng hóa do Nhà nước quyết định, đặc biệt trong thời điểm sau 1/7/2024 khi việc tăng lương cơ sở được thực hiện.

Việc tăng giá điện, nước, giá dịch vụ y tế, giáo dục đào tạo thực hiện tăng theo lộ trình của Chính phủ cần tính toán thời gian, mức độ phù hợp, tránh dẫn tới áp lực làm tăng sức ép lạm phát…

PV: Xin cảm ơn ông!

Tránh các tình huống ảnh hưởng đến thị trường tài chính - tiền tệ và lạm phát

Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Chính phủ, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ về sự biến động trên cả thị trường bất động sản, thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường ngoại tệ và thị trường vàng, có các biện pháp xử lý kịp thời nhằm tránh các tình huống đột xuất có thể ảnh hưởng xấu đến thị trường tài chính tiền tệ và lạm phát.

PGS.TS Đinh Trọng Thịnh nhận định: "Đến thời điểm hiện tại, với các chỉ số tăng trưởng GDP quý I đạt 5,66% và quý II đạt 6,93%, so với dự báo chúng tôi đưa ra cuối năm 2023, đầu năm 2024. Kịch bản trong 6 tháng cuối năm 2024 sẽ theo phương án 2". Đó là, nếu giá dầu và nguồn cung nguyên vật liệu ổn định, lạm phát của các nền kinh tế lớn vẫn ở mức cao, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, kinh tế Việt Nam năm 2024 có thể tăng trưởng ở mức 6,3 - 7% với mức lạm phát cả năm sẽ trong khoảng 3,5 - 3,8%.

Đồng thời, cập nhật các số liệu và tình hình thực tế, có thể có thêm phương án tăng trưởng GDP năm 2024 sẽ vượt mục tiêu, đạt mức 6,8 - 7,3% thì khả năng lạm phát cả năm có thể sẽ ở mức là 3,8 - 4,1%.

Kịch bản này sẽ đạt được khi giá dầu thô, nguyên vật liệu dao động ở mức như hiện nay hoặc thấp hơn, cơ hội chống lạm phát của các quốc gia tốt hơn, kinh tế thế giới phục hồi tốt hơn dự báo từ đầu năm. Ngoài ra, kịch bản trên sẽ đạt được khi các gói hỗ trợ hồi phục và tăng trưởng kinh tế phát huy tốt tác dụng, doanh nghiệp Việt Nam tận dụng tốt các cơ hội, nắm bắt và thích ứng với các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam ký kết, tiếp tục đẩy mạnh xuất nhập khẩu, khu vực du lịch, dịch vụ tăng trưởng mạnh mẽ, giải ngân đầu tư công đạt mức cao./.

Đức Việt

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/tang-truong-co-the-vuot-muc-tieu-lam-phat-trong-tam-kiem-soat-155518.html