Tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế

Theo TS Nguyễn Đình Cung, trong bối cảnh hiện nay, các kết quả trước mắt như tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế.

Bài liên quan

Năm 2030, tỷ trọng công nghiệp trong GDP đạt trên 40%

Thủ tướng đề nghị Hà Nội đặt mục tiêu GDP năm 2025 cao hơn 8.300 USD

Sau đại dịch Covid-19, Hà Nội phấn đấu gấp 1,3 lần tốc độ GDP của cả nước

Tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế.

ADB dự báo GDP Việt Nam tăng trưởng 1,8%

Tại buổi công bố báo cáo ngày 15/9, ông Andrew Jeffries - Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng phát triển Á Châu (ADB) tại Việt Nam nhận định, Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên thế giới trong việc đối phó với dịch bệnh. Tuy nhiên, Việt Nam không đứng ngoài tác động của dịch bệnh đối với nền kinh tế như các quốc gia khác.

Theo đó, tiêu dùng nội địa giảm sút và nhu cầu toàn cầu suy yếu do Covid-19 đã ảnh hưởng tới nền kinh tế Việt Nam nhiều hơn dự kiến. Nhưng tăng trưởng kinh tế vẫn sẽ vững vàng trong năm 2020, phần lớn nhờ thành công của Chính phủ trong việc kiểm soát sự lây lan của Covid-19. Tăng trưởng kinh tế sẽ được hỗ trợ bởi sự ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, tăng cường chi tiêu công và những cải cách đang tiến hành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.

Còn theo ông Nguyễn Minh Cường - Chuyên gia kinh tế ADB, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đã giảm mạnh từ 3,7% so với cùng kỳ năm trước trong quý I/2020 xuống 0,4% trong quý II/2020, kéo tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2020 xuống còn 1,8%, mức thấp nhất kể từ 2011. Về phía cung, tăng trưởng khu vực dịch vụ giảm từ 6,7% trong 6 tháng đầu năm 2019 xuống 0,6% trong cùng kỳ năm nay do lượng khách du lịch nước ngoài giảm 56%, làm cho mức đóng góp của khu vực dịch vụ vào tăng trưởng GDP giảm từ 2,5 điểm phần trăm cùng kỳ năm trước xuống 0,2 điểm phần trăm trong năm nay.

Về trung và dài hạn, báo cáo ADB đánh giá nền kinh tế Việt Nam sẽ được hưởng lợi từ sự chuyển hướng sản xuất đang tiếp diễn từ Trung Quốc sang Việt Nam, sự phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc, và việc thực thi hiệp định EVFTA. Tăng trưởng thấp sẽ kìm giữ lạm phát ở mức 3,3% trong năm 2020 và 3,5% trong năm 2021. Đồng thời nhận định, đại dịch Covid-19 kéo dài trên toàn cầu vẫn là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng tăng trưởng của Việt Nam trong năm nay và năm sau. Ngoài ra, mối đe dọa khác là căng thẳng thương mại toàn cầu, dẫn tới gia tăng bảo hộ thương mại và các rủi ro tài chính có thể trầm trọng…

Tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế

Do tác động của Covid-19, Chính phủ Việt Nam đã dự kiến hạ mục tiêu tăng trưởng. Tại phiên họp đầu tháng 9, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng ước tính GDP cả năm đạt 2% và có thể là 2,5% nếu điều kiện cho phép. Còn tăng trưởng năm 2021 ước khoảng 6,7%.

Trung tuần tháng 7/2020, Ngân hàng Thế giới (World Bank) đưa ra 2 kịch bản tăng trưởng cho Việt Nam. Ở kịch bản tích cực, GDP Việt Nam năm 2020 đạt 2,8% và đạt 6,8% trong năm 2021. Ở kịch bản tiêu cực, con số lần lượt là 1,5% và 4,5%.

Trong khi đó, theo các chuyên gia kinh tế, ưu tiên hàng đầu hiện nay là chống dịch nhưng không để đứt gãy nền kinh tế, giữ vững cân đối vĩ mô. Nỗ lực tăng trưởng ở mức cao nhất có thể là rất quan trọng vì đây không chỉ là vấn đề kinh tế mà còn liên quan đến công ăn việc làm, thu nhập người lao động và đời sống người dân. Vì vậy, quan trọng không kém là gói kích thích hỗ trợ nền kinh tế thứ 2 cần được triển khai nhanh và quy mô đủ lớn, có điểm nhấn, đúng đối tượng mới có thể hỗ trợ được nền kinh tế vượt qua khó khăn hiện nay.

Liên quan đến vấn đề này, theo TS Võ Trí Thành, nếu có chính sách bảo vệ các nhóm dễ bị tổn thương gồm khu vực phi chính thức, doanh nghiệp nhỏ và vừa, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bị tác động nghiêm trọng bởi Covid-19... thì kinh tế về cơ bản sẽ duy trì được tăng trưởng thấp, nhưng cũng sẽ không đến mức suy thoái. Dự kiến tăng trưởng GDP năm nay sẽ ở khoảng 2%, ông Thành nhận định.

Còn TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, các kết quả trước mắt như tăng trưởng GDP không quan trọng bằng định hướng lâu dài cho nền kinh tế. Vì thế, chính sách hỗ trợ cần phải bài bản, đồng bộ, dài hạn với hai định hướng. Bao gồm một là hỗ trợ những đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch, đi kèm với đó là miễn, giảm thuế và hai là các chính sách hướng tới thúc đẩy, phục hồi tăng trưởng kinh tế trong những năm tiếp theo. “Đây là hai nhiệm vụ không thể tách rời”, TS Nguyễn Đình Cung khẳng định.

Ngọc An

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/tang-truong-gdp-khong-quan-trong-bang-dinh-huong-lau-dai-cho-nen-kinh-te-post96504.html