Tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam đạt 7,09%

Tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, tính chung cả năm 2024, GDP của Việt Nam ước tăng 7,09% so với năm 2023...

Báo cáo mới nhất của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2024 cho biết, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý 4/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý 4 các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024, duy trì xu hướng quý sau cao hơn quý trước (quý 1 tăng 5,98%, quý 2 tăng 7,25%, quý 3 tăng 7,43%).

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%. Về sử dụng GDP quý 4/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.

 Nguồn: Tổng cục Thống kê

Nguồn: Tổng cục Thống kê

Trong cả năm 2024, GDP của Việt Nam ước tính tăng 7,09% so với năm trước , chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024. Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,27%, đóng góp 5,37%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,24%, đóng góp 45,17%; khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%.

Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2024 đạt mức tăng trưởng tích cực 3,27% mặc dù chịu ảnh hưởng của thiên tai, bão lũ. Trong đó, sản lượng nhiều nông sản tăng cao, chăn nuôi phát triển ổn định, sản lượng thủy sản nuôi trồng tăng khá.

Cụ thể, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp năm 2024 tăng 2,94% so với năm trước, đóng góp 0,26 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; ngành lâm nghiệp tăng 5,03% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,03 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 4,03%, đóng góp 0,10 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp phục hồi tích cực và tăng trưởng mạnh mẽ so với năm 2023. Giá trị tăng thêm ngành công nghiệp năm 2024 tăng 8,32% so với năm trước, chỉ thấp hơn mức tăng 8,52% của năm 2022 trong giai đoạn 2019-2024 , đóng góp 2,70 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,83%, thấp hơn mức tăng các năm 2011, 2016, 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024 , đóng góp 2,49 điểm phần trăm. Ngành cung cấp nước, quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 9,43%, đóng góp 0,06 điểm phần trăm. Ngành sản xuất và phân phối điện tăng 10,05%, đóng góp 0,37 điểm phần trăm. Ngành khai khoáng giảm 7,24%, làm giảm 0,21 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 7,87%, đóng góp 0,57 điểm phần trăm.

Các hoạt động thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ năm 2024 tăng 7,38%, cao hơn tốc độ tăng 6,91% của năm 2023.

Theo đó, một số ngành dịch vụ thị trường có tỷ trọng lớn, đóng góp quan trọng vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế như: Bán buôn và bán lẻ tăng 7,96% so với năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 10,82%, đóng góp 0,68 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 7,11%, đóng góp 0,43 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 9,76%, đóng góp 0,26 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế năm 2024, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,86%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,64%; khu vực dịch vụ chiếm 42,36%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,14% (Cơ cấu tương ứng của năm 2023 là 11,86%; 37,58%; 42,30%; 8,26%).

Về sử dụng GDP năm 2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,57% so với năm 2023; tích lũy tài sản tăng 7,20%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 15,45%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 16,10%.

Số liệu của IMF cho hay, quy mô kinh tế Việt Nam vào năm 1990 ghi nhận ở mức 8,22 tỷ USD. Đến năm 2008, con số này đã tăng lên mức 125 tỷ USD, cao gấp 15 lần so với thời điểm 1990. Trong giai đoạn từ 2008-, Việt Nam chỉ mất 15 năm để quy mô kinh tế tăng từ mức 100 tỷ USD lên mức 400 tỷ USD.

Về thứ hạng trong khu vực Đông Nam Á, trong năm 1990, với quy mô GDP chỉ khoảng 8,22 tỷ USD tỷ, kinh tế Việt Nam đứng sau hàng loạt nền kinh tế như Indonesia, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Philippines.

Đến năm 2023, quy mô GDP của Việt Nam đạt khoảng 433,7 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Với kết quả này, quy mô kinh tế của Việt Nam năm 2023 xếp trên Malaysia (415,57 tỷ USD), Myanmar (64,5 tỷ USD), Campuchia (41,86 tỷ USD), Lào (15,2 tỷ USD), Brunei (15,13 tỷ USD), và Đông Timor (2 tỷ USD).

Năm 2024, IMF ước tính, quy mô GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 448,4 tỷ USD, xếp thứ 5 trong khu vực. Trong khi đó, Indonesia dẫn đầu khu vực với quy mô GDP đạt khoảng 1,4 nghìn tỷ USD. Xếp thứ hai là Singapore với quy mô GDP năm 2024 ước đạt 530,7 tỷ USD. Theo sau lần lượt là Thái Lan và Philippines, với quy mô GDP theo giá hiện hành lần lượt ước đạt 528,9 tỷ USD và 470 tỷ USD.

Đáng chú ý, IMF dự báo, đến năm 2028, GDP của Việt Nam có thể đạt khoảng 628 tỷ USD. Với kết quả này, quy mô GDP của Việt Nam sẽ vượt Thái Lan (624 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 3 trong khu vực Đông Nam Á, và lớn thứ 32 trên thế giới.

Còn báo cáo của Trung tâm dự báo, phân tích kinh tế độc lập của Anh (CEBR) đánh giá, năm 2024, với quy mô GDP theo giá hiện hành đạt 450 tỷ USD, Việt Nam dự kiến ở vị trí 34 trên Bảng xếp hạng liên minh kinh tế thế giới (World Economic League Table – WELT).

Các chuyên gia CEBR cho biết, Việt Nam đã đạt được một sự cân bằng thuận lợi giữa tăng trưởng và lạm phát vào năm 2024, với mức tăng trưởng GDP vượt mức trung bình với mức lạm phát dự kiến là 4,1%.

"Điều này trái ngược với sự gia tăng lạm phát mạnh mẽ ở nhiều nền kinh tế trên toàn thế giới", CEBR nhận định.

Đáng chú ý, các chuyên gia CEBR ước tính, thứ hạng quy mô kinh tế của Việt Nam có thể tăng nhanh trong tương lai. Theo đó, CEBR dự báo, đến năm 2029, với quy mô GDP dự kiến đạt 676 tỷ USD, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 33, đuổi kịp Thái Lan (676 tỷ USD) và vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Singapore (656 tỷ USD), Malaysia (594 tỷ USD).

Đến năm 2034, với GDP dự kiến đạt 983 tỷ USD, quy mô kinh tế của Việt Nam sẽ vượt 'xứ chùa Vàng' Thái Lan (848 tỷ USD) để trở thành nền kinh tế lớn thứ 27 trên thế giới. Và vào năm 2039, CEBR ước tính, quy mô kinh tế của Việt Nam có thể đạt 1.410 tỷ USD. Với kết quả này, Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 25, vượt qua các nền kinh tế khác trong khu vực ASEAN như Thái Lan (1.059 tỷ USD), Singapore (982 tỷ USD), Malaysia (1.055 tỷ USD) để lọt nhóm 25 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Kim Ngân

Nguồn Thương Gia: https://thuonggiaonline.vn/tang-truong-gdp-nam-2024-cua-viet-nam-dat-709-post557019.html