Tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ lên mức kỷ lục

Đây là dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) trong bối cảnh chương trình tiêm chủng vắc-xin COVID-19 ngày càng mở rộng, chính phủ các nước 'tung' các khoản tiền lớn hỗ trợ nền kinh tế. Tuy nhiên biến thể mới của virus có thể là 'chướng ngại vật' cản trở mục tiêu tăng trưởng của các quốc gia.

Kinh tế toàn cầu - những tín hiệu lạc quan

Sau một thời gian chìm đắm trong đại dịch, nền kinh tế toàn cầu đang trở mình mạnh mẽ vươn lên. Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, tổ chức này kỳ vọng tăng trưởng kinh tế thế giới sẽ đạt 6% trong năm nay, cao hơn mức 5,5% được dự báo hồi tháng 1. Đây sẽ là mức tăng trưởng nhanh nhất từng được IMF ghi nhận từ năm 1980. Mặc dù năm 2022, dự báo mức tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm xuống còn 4,4%, vẫn tăng hơn so với dự báo hồi tháng 1 chỉ có 4,2%. Việc IMF nâng dự báo tăng trưởng cho thấy triển vọng tươi sáng hơn của nền kinh tế toàn cầu.

Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ dự báo đạt mức tăng trưởng 6,4% trong năm nay, trong khi khu vực Liên minh châu Âu (EU) dự kiến sẽ tăng ở mức khiêm tốn hơn với 4,4% trong năm 2021 nhờ vào sự phục hồi nhanh của Italia. IMF cho biết, nhờ những phản ứng chính sách chưa từng có tiền lệ của các nước mà cuộc suy thoái kinh tế do COVID-19 gây nên có khả năng sẽ để lại những hậu quả nhỏ hơn so với cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF Gita Gopinath nói: “Lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe này đang ngày càng hiển hiện rõ rệt”. Đồng thời cho rằng, mức độ phục hồi kinh tế sẽ không đồng đều ở các nước khác nhau.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng tới sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Phục hồi lệch pha

Dự báo lạc quan nhất còn cho rằng, GDP toàn cầu sẽ quay trở lại mức trước đại dịch vào giữa năm nay, nhưng sẽ có sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Chính chương trình tiêm chủng khác nhau cộng thêm hỗ trợ nền kinh tế không đồng đều của các nước đang khiến sự phục hồi kinh tế thế giới không đồng bộ. Theo IMF, nếu không có 16 .000 tỷ USD các Chính phủ bơm vào hỗ trợ các công ty và người dân trong thời gian bị phong tỏa bởi đại dịch COVID-19, sự suy thoái kinh tế toàn cầu hồi năm ngoái có thể còn tồi tệ hơn gấp 3 lần.

Chuyên gia kinh tế trưởng của IMF nhận định, mức độ phục hồi sẽ chậm ở các nước phụ thuộc vào du lịch và các nước nghèo không có đủ ngân sách cho các gói kích thích kinh tế lớn. Tại Mỹ hiện đã cung cấp số liều vắc-xin tương đương gần 25% dân số, thì tỷ lệ này của EU chưa đến 10%, của Mexico, Nga và Brazil là dưới 6% và của Nhật Bản còn ít hơn 1%. Nhiều quốc gia đặc biệt là châu Âu, một số nước châu Á như Singapore, Thái Lan kinh tế phụ thuộc vào du lịch phải chờ đợi thêm một thời gian, cho đến khi các sân bay, biên giới được mở cửa trở lại.

Mỹ sẽ chứng kiến sự phục hồi nhanh nhất sau khi quốc gia này đưa ra gói kích thích kinh tế lịch sử, lên tới 1.900 tỷ USD. Nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ, được dự báo sẽ tăng trưởng 6,4% vào năm 2021 - mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 1984 - và 3,5% vào năm 2022. Kinh tế Mỹ sẽ ổn định hơn cùng với sự gia tăng tỷ lệ tiêm chủng đang cho phép người Mỹ mở cửa lại nhà hàng, quán bar, cửa hàng và sân bay với số lượng lớn hơn. Tại châu Á, 2 nền kinh tế lớn nhất là Trung Quốc và Ấn Độ - dự báo sẽ vượt qua mức trước khủng hoảng. Hàn Quốc - nền kinh tế từ mức tăng trưởng -1% năm 2020 sẽ cán mốc 3% trong năm nay.

Bên cạnh đó, vẫn còn một số quốc gia chưa thể thoát khỏi bóng ma dịch bệnh và suy thoái như Pháp và Italia dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2021 giảm nhẹ. Đức và Tây Ban Nha có triển vọng phục hồi cao hơn. Mặc dù hiện nay, chiến dịch tiêm chủng vắc-xin ở châu Âu bị chỉ trích là chậm chạp, một số nơi, dịch bệnh tiếp tục đợt bùng phát mới, nhưng tăng trưởng của các quốc gia khu vực đồng euro nói chung vẫn đạt 3,9% trong năm nay.

Thiệt hại kinh tế do cuộc khủng hoảng mang tên đại dịch COVID-19 còn làm “đảo ngược tiến trình giảm nghèo” . Năm ngoái dịch bệnh đã khiến nhóm người nghèo cùng cực tăng lên 95 triệu người so với dự báo trước đại dịch. Trong năm nay những biến thể mới sẽ là yếu tố đe dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.

Trần Hải

( (theo AP))

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/tang-truong-kinh-te-toan-cau-se-len-muc-ky-luc-n189691.html