Tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2020 qua dự báo của các tổ chức quốc tế
Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế tăng trưởng dương trong năm 2020 trước tác động của đại dịch Covid-19.
Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) trong báo cáo triển vọng kinh tế thế giới mới nhất dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng GDP ở mức 2,7% trong năm 2020, là tốc độ thấp nhất trong hàng chục năm của Việt Nam.
Tuy nhiên, trong khu vực châu Á, Việt Nam là một trong số ít những nền kinh tế có mức tăng trưởng dương và thậm chí cao nhất trong khu vực châu Á mới nổi. IMF cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mạnh trở lại vào năm 2021 ở mức 7%, tương đương mức của năm 2019.
Tại khu vực ASEAN-5, Indonesia và Philippines được dự báo tăng trưởng ở mức lần lượt 0,5% và 0,6% trong khi Thái Lan, Malaysia thậm chí tăng trưởng -6,7% và -1,7% trong năm 2020.
So với dự báo của các đơn vị trong và ngoài nước, mức tăng trưởng dự báo của IMF khá thận trọng.
Theo Ngân hàng phát triển châu Á, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam dự kiến chậm lại vào năm 2020, xuống mức 4,8%.
Ngân hàng thế giới cho rằng Việt Nam sẽ tăng trưởng mức 4,9% trong năm nay, giảm 1,6 điểm phần trăm so với dự báo trước đó. Theo kịch bản tình huống thấp hơn với giả sử dịch Covid-19 kéo dài, nền kinh tế trong nước và thế giới phục hồi chậm, tăng trưởng GDP sẽ chỉ còn mức 1,5%, thấp nhất trong hàng chục năm qua.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam sẽ chậm lại ở mức 3,3% năm nay so với mức 7,0% của năm ngoái do đại dịch Covid-19, là tốc độ tăng trưởng hàng năm thấp nhất kể từ giữa những năm 1980.
Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách trong báo cáo giữa tháng này nhận định trong kịch bản xấu nhất với giả định tác động của Covid-19 kéo dài tới quý IV/2020, tăng trưởng kinh tế ở mức -1%. Trong hai kịch bản lạc quan hơn, GDP sẽ tăng với tốc độ 4,2% hoặc 1,5%.
IMF trong báo cáo nhận định nhiều quốc gia đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng đa chiều, bao gồm cú sốc về sức khỏe, kinh tế trong nước gián đoạn, nhu cầu bên ngoài giảm mạnh, dòng vốn bị đảo ngược và giá cả hàng hóa sụt giảm.
Hãng Nikkei dẫn lời ông Changyong Rhee, Giám đốc IMF châu Á – Thái Bình Dương, nhận định tương lai thời gian tới của phần lớn khu vực châu Á phụ thuộc vào sự phục hồi kinh tế của các đối tác thương mại quan trọng.
Không giống như cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008, các lĩnh vực đóng vai trò quan trọng của châu Á, đặc biệt là dịch vụ, đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi các biện pháp ngăn chặn đại dịch.
Khu vực châu Á được dự báo tăng trưởng 0% trong năm 2020, lần đầu tiên trong suốt 60 năm qua. Ngay cả khi khủng hoảng tài chính toàn cầu 2007 – 2008 diễn ra, châu Á vẫn giữ được tốc độ trung bình khoảng 4,7%/năm và từng tăng trưởng 1,3% thời kỳ khủng hoảng tài chính châu Á 1997.