Tăng trưởng tín dụng phải đảm bảo an toàn, thúc đẩy kinh tế liên vùng
Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chỉ đạo, Ngân hàng Nhà nước khu vực 14 quản lý thị trường tiền tệ, ngân hàng tại địa bàn kinh tế lớn là TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long phải bám sát các hoạt động của tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng, đi đôi với kiểm soát chất lượng và cảnh báo rủi ro sớm, từ đó hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy kinh tế liên vùng.
Chiều 21/7, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam đã tổ chức Hội nghị công bố Quyết định tổ chức và nhân sự NHNN chi nhánh Khu vực 14 tại TP. Cần Thơ.

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chỉ đạo Hội nghị
Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh tham dự và chỉ đạo Hội nghị, chúc mừng NHNN chi nhánh Khu vực 14 trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự sau khi sắp xếp lại cho phù hợp với hoạt động điều chỉnh địa giới hành chính các tỉnh thành sau ngày 1/7/2025.
Phó Thống đốc yêu cầu NHNN chi nhánh Khu vực 14 xây dựng đội ngũ cán bộ vững về chính trị, mạnh về chuyên môn. Hoàn thiện cơ chế làm việc nội bộ, tăng cường quản lý kho quỹ, đảm bảo an toàn tiền tệ; thực hiện nghiêm túc quy định tiếp công dân...
Theo đó, tăng cường chuyển đổi số, cải cách hành chính và phối hợp chặt chẽ với chính quyền TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, để tiếp tục Chương trình Kết nối ngân hàng – doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn doanh nghiệp, giám sát chặt chẽ hoạt động của các tổ chức tín dụng, tăng trưởng tín dụng đi đôi vơíphòng ngừa rủi ro, từ đó có cảnh báo sớm…
Phó Thống đốc yêu cầu các tổ chức tín dụng trong khu vực, tuân thủ các quy định pháp luật, các chỉ đạo của NHNN Việt Nam, tăng trưởng tín dụng hiệu quả, kiểm soát rủi ro, ưu tiên tín dụng cho lĩnh vực sản xuất, nhà ở xã hội, các dự án trọng điểm. Bên cạnh đó, tiếp tục chú trọng đầu tư chuyển đổi số, dịch vụthanh toán hiện đại. Chủ động truyền thông, cảnh báo rủi ro lừa đảo, tăng cường tương tác với khách hàng và cơ quan quản lý để bảo đảm cấp tín dụng an toàn và hiệu quả.
Theo báo cáo của NHNN chi nhánh Khu vực 14 ước tính đến cuối tháng 7/2025, tổng dư nợ cho vay toàn khu vực này đạt hơn 491.747 tỷ đồng, tăng 7,68% so với cuối năm 2024. Trong đó, tín dụng tăng cao nhất tại các xã, phường (thuộc địa bàn Sóc Trăng và Hậu Giang - cũ) lần lượt tăng 12,93% và 10,37%. Các lĩnh vực, ngành nghề, lĩnh vực thương mại – dịch vụ có tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng trên 66,1% tổng dư nợ toàn khu vực.
NHNN khu vực nhận định, cơ cấu tín dụng phù hợp với đặc thù kinh tế địa phương, trong đó Cần Thơ giữ vai trò trung tâm thương mại, logistics và giao thương của Đồng bằng sông Cửu Long - kết nối liên vùng và xuất khẩu qua TP. Hồ Chí Minh và các cảng quốc tế. Điều này cũng cho thấy tăng trưởng tíndụng xuất khẩu tại khu vực này tăng mạnh 20,94% so với cuối năm 2024.
Ngoài ra, hệ thống ngân hàng trong khu vực còn tập trung cho vay vào các lĩnh vực đặc thù có thế mạnh của miền Tây Nam bộ như lúa gạo, thủy sản, rau quả. Trong đó, cho vay lúa gạo đạt trên đạt 38.300 tỷ đồng (tăng gần 13%); cho vay thủy sản 44.800 tỷ đồng (tăng 10,81%); cho vay rau quả đạt 14.100 tỷ đồng (tăng 15,4%).
Về phía địa phương, ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND TP. Cần Thơ, đánh giá cao những đóng góp của ngành Ngân hàng trong việc hỗ trợ TP. Cần Thơ nói riêng và các tỉnh thành trong vùng nói chung trong phát triển kinh tế xã hội và hoàn thành các kế hoạch chỉ tiêu kinh tế vĩ mô.
Ông Nam cho rằng, ngành Ngân hàng đã rất chủ động, tích cực và nhanh chóng trong việc ổn định sắp xếp lại cơ cấu tổ chức bộ máy nhân sự ở các chi nhánh Khu vực trên cả nước để từ đó ổn định bộ máy quản lý hành chính nhà nước lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng và triển khai thông suốt, liền mạch các chính sách tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển kinh tế xã hội các địa phương.
Trong thời gian tới, ông Nam cho biết sẽ phối hợp chặt chẽ với NHNN chi nhánh Khu vực 14 và làm việc hệ thống các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP. Cần Thơ để bàn các giải pháp mở rộng tín dụng có kiểm soát, ưu tiên tăng trưởng tín dụng nhiều hơn nữa cho các lĩnh vực sản xuất, nông nghiệp, xuất khẩu và thương mại – dịch vụ.

Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh (áo sơ mi trắng đứng giữa) trao Quyết định điều động và bổ nhiệm cho Ban lãnh đạo NHNN chi nhánh Khu vực 14
Tại Hội nghị, Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh thừa ủy quyền của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, đã trao các Quyết định điều động và bổ nhiệm các vị trí trong Ban giám đốc và cán bộ chủ chốt ở NHNN khu vực 14. Phó Thống đốc Nguyễn Ngọc Cảnh chúc mừng NHNN chi nhánh Khu vực 14 trong việc kiện toàn bộ máy tổ chức nhân sự sau khi sắp xếp lại cho phù hợp với hoạt động điều chỉnh địa giới hành chính giữa các tỉnh thành ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.
Ông Trần Quốc Hà - quyền Giám NHNN chi nhánh Khu vực 14 đại diện Ban giám đốc và cán bộ, người lao động tiếp thu các ý kiến của lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, đồng thời cho biết, sau khi sắp xếp lại, từ ngày 1/7/2025, NHNN chi nhánh Khu vực 14 phụ trách địa bàn TP. Cần Thơ và tỉnh Vĩnh Long, quản lý 148 chi nhánh ngân hàng thương mại, 49 Quỹ tín dụng Nhân dân.
Thời gian qua, hoạt động ngân hàng và dòng vốn tín dụng đang được dẫn dắt đúng hướng, tập trung vào các trụ cột tăng trưởng kinh tế vùng, hỗ trợ sản xuất – kinh doanh và giảm phát thải trong nông nghiệp. Tín dụng phát triển nông nghiệp – nông thôn tiếp tục là nền tảng, với dư nợ lên tới 237.450 tỷ đồng, chiếm 48,29% tổng dư nợ, tăng 13,37% so với cuối năm ngoái. Các chương trình tín dụng chính sách, cho vay hộ nghèo và khu vực kinh tế tập thể cũng được triển khai đồng bộ, với tổng dư nợ ước tính hơn 30.600 tỷ đồng. Ngoài ra vốn tín dụng còn đầu tư vốn phát triển mạnh lĩnh vực hạ tầng, nhất là triển khai các cao tốc đường bộ và hạ tầng các cảng sông, cảng biển quan trọng. Thông qua nguồn vốn tín dụng từ hệ thống ngân hàng đã giúp kinh tế khu vực tiếp tục tăng trưởng tích cực.

Ban lãnh đạo và tập thể cán bộ chủ chốt NHNN chi nhánh Khu vực 14 ra mắt toàn thể