Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện dần về cuối năm
Tín dụng tăng chậm dù mặt bằng lãi suất cho vay đã giảm 1-3% so với đầu năm nay. Các ngân hàng kỳ vọng, tăng trưởng dư nợ sẽ cải thiện dần về cuối năm.
Mới đạt 1/3 chặng đường
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, tín dụng đã tăng mạnh trong tuần cuối tháng 9/2023 khi gần 120.000 tỷ đồng (tương đương 1% tổng dư nợ) được bơm ra nền kinh tế. Đến ngày 29/9, tín dụng toàn nền kinh tế đạt khoảng 12,7 triệu tỷ đồng, tăng 6,9% so với đầu năm, cao hơn dự báo của NHNN (6,1-6,2%). Tuy vẫn thấp hơn so với cùng kỳ, song hoạt động cho vay đã từng bước cải thiện trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm, dù cầu vốn doanh nghiệp chưa tăng cao.
Tín dụng bắt đầu có dấu hiệu khởi sắc, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ năm ngoái và tính đến hết quý III mới đạt một nửa kế hoạch năm (14%). Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay từng bước được ngân hàng cắt giảm so với đầu năm nay (mức giảm 1-3% đối với doanh nghiệp và 1-2,5% đối với khách hàng cá nhân), với kỳ vọng kích cầu tín dụng trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.
Ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc Ngân hàng ACB cho biết, tăng trưởng tín dụng của ACB có xu hướng hồi phục, đạt 7% tính đến cuối tháng 8/2023 và dự kiến cả năm đạt mục tiêu 12-14%. Dự báo, tín dụng toàn ngành ngân hàng sẽ tăng tốc hơn trong những tháng còn lại của năm 2023.
Tăng trưởng tín dụng tại Ngân hàng VIB đến cuối tháng 8/2023 đã đạt 3%, cải thiện so với mức 0,9% vào cuối tháng 6/2023. Mức tăng trưởng tín dụng cả năm của ngân hàng này dự kiến là 10 - 12%, thấp hơn room được cấp là 14,25%.
Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Ngân hàng OCB cho biết, tăng trưởng tín dụng của OCB đến cuối tháng 9/2023 đạt mức 11%. Ngân hàng đang từng bước thực hiện mục tiêu đạt mức tăng trưởng tín dụng theo hạn mức đã được NHNN cấp đầu năm nay.
Trong khi đó, theo bà Nguyễn Thị Quỳnh Giao, Phó tổng giám đốc Ngân hàng BIDV, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này tính đến ngày 26/9 đạt 7%, cao hơn bình quân toàn hệ thống. Còn lãnh đạo Ngân hàng VietinBank cho hay, VietinBank ghi nhận tăng trưởng tín dụng tích cực so với mặt bằng chung thị trường, đạt gần 9%, nhưng vẫn xa so với kế hoạch.
Tín dụng sẽ ở mức nào?
Theo ông Nguyễn Đình Tùng, nhu cầu vốn của các doanh nghiệp trong lĩnh vực bán lẻ đang dần trở lại, chỉ có cầu vốn cho vay mua nhà còn thấp, bởi thị trường bất động sản vẫn trầm lắng và giao dịch trên thị trường chưa sôi động. So với đầu năm nay, lãi suất cho vay mua nhà đã giảm khá nhiều, nếu tính khuyến mãi thì khoảng 7-8%/năm, còn nếu không thì khoảng 10%/năm - ngang bằng thời kỳ trước dịch Covid-19.
“Từ nay đến cuối năm, lãi suất sẽ còn giảm thêm, song mức giảm sẽ không mạnh so với mấy tháng trước, vì đã giảm sâu”, ông Tùng nói và cho rằng, dù tín dụng khó tăng, song OCB vẫn tăng huy động vốn nhằm chuẩn bị tốt cho thanh khoản để đáp ứng cầu vốn trở lại trong thời điểm cuối năm, khi tình hình kinh tế khởi sắc trở lại và thị trường dần tích cực.
Với hạn mức tín dụng được phê duyệt là 14,5% cho năm nay, theo ông Từ Tiến Phát, Tổng giám đốc ACB, ngân hàng này sẽ tiếp tục tập trung vào nhóm khách hàng doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu và sản xuất bằng cách áp dụng mức lãi suất cho vay hấp dẫn hơn kèm các gói dịch vụ khác.
Ông Phát cho biết, bên cạnh thế chấp, ACB đang đẩy mạnh cho vay tín chấp, như trong lĩnh vực xuất khẩu để hỗ trợ các doanh nghiệp có thị trường có thể thế chấp bằng dòng tiền. Doanh nghiệp có thể đưa dòng tiền vào, ACB quản lý dòng tiền xuất khẩu của doanh nghiệp. Đây là hình thức vay thế chấp dòng tiền, hay nói cách khác là vừa ưu đãi, vừa thúc đẩy tăng trưởng tín dụng trong những tháng cuối năm và cả năm tới.
Theo kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của tổ chức tín dụng trong quý IV/2023 do NHNN thực hiện, các tổ chức tín dụng nhận định, dư nợ toàn hệ thống sẽ tăng 4,6% trong quý IV và tăng 12,3% trong cả năm 2023. Mức kỳ vọng này thấp hơn 0,2% so với kết quả trong kỳ điều tra quý III/2023, cũng thấp hơn so với mục tiêu mà NHNN đặt ra từ đầu năm, phù hợp với ước tính của đa số các chuyên gia và công ty chứng khoán.
TS. Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường đại học Kinh tế TP.HCM cho rằng, nếu phía cầu không có thì đẩy mạnh hỗ trợ sản xuất và phát triển cũng không hiệu quả. Nhiều doanh nghiệp hiện không có nhu cầu vay vốn để sản xuất - kinh doanh và đó chính là lý do hệ thống ngân hàng đang “thừa tiền”. Tăng trưởng tín dụng trong năm nay khả năng chỉ đạt khoảng 12-13%.
Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/tang-truong-tin-dung-se-cai-thien-dan-ve-cuoi-nam-d200532.html