Tăng trưởng tín dụng: Tín hiệu khả quan
Trong điều kiện nền kinh tế chịu tác dụng bởi dịch Covid-19, trong quý I - II/2020, tín dụng tăng rất chậm, thậm chí có thời điểm tăng trưởng âm, thì trong quý III/2020, đã có những khởi sắc. Đây là dấu hiệu tích cực trong việc tiếp cận vốn của doanh nghiệp (DN), người dân, góp phần tăng trưởng tín dụng, phục hồi nền kinh tế trong những tháng cuối năm.
Nỗ lực tăng trưởng
Tại buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9 vừa diễn ra, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết, đến cuối tháng 9, tín dụng tăng 6,1%. Đây là tín hiệu khả quan, chứng tỏ khả năng hấp thụ vốn đã có khởi sắc.
Còn tại Quảng Ngãi, nếu như trong 6 tháng đầu năm 2020, tổng dư nợ đạt khoảng 49.750 tỷ đồng, giảm 0,37% so cuối năm 2019, thì đến cuối tháng 9.2020, tổng dư nợ ước đạt 51.300 tỷ đồng, tăng 2,74% so với cuối năm 2019. Trong đó, dư nợ cho vay ngắn hạn ước đạt 28.000 tỷ đồng, chiếm 54,6% tổng dư nợ; cho vay trung, dài hạn ước đạt 23.300 tỷ đồng, chiếm 45,4% tổng dư nợ; dư nợ cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn ước đạt 21.900 tỷ đồng, chiếm 42,7% tổng dư nợ.
Ngành ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay, nỗ lực tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
Có được kết quả này là do hoạt động sản xuất, kinh doanh đã khởi sắc hơn sau khi dịch bệnh được khống chế. Bên cạnh đó, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã ba lần giảm lãi suất điều hành với mức giảm tổng cộng lên tới 1,5 - 2%/năm, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn rẻ để giảm sâu mặt bằng lãi suất hỗ trợ DN và người dân phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Giám đốc Vietcombank Quảng Ngãi Võ Văn Linh cho biết: Mặc dù tín dụng bắt đầu có tín hiệu khởi sắc và chắc chắc sẽ có tăng trưởng mạnh trong những tháng cuối năm. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch quá lớn, khiến nền kinh tế kiệt quệ trong thời gian dài, nên sẽ khó đạt mức tăng trưởng được giao từ đầu năm.
Theo Giám đốc MB Quảng Ngãi Nguyễn Hữu Thành, đến thời điểm này, MB Quảng Ngãi đã hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng được giao 2.100 tỷ đồng. Thế nhưng, nếu phân tích theo từng phân khúc khách hàng, thì trong 9 tháng năm 2020, phân khúc khách hàng cá nhân vẫn đảm bảo tăng trưởng, còn phân khúc khách hàng DN không tăng trưởng...
Lãi suất giảm, kích cầu tín dụng tăng
Từ đầu tháng 10.2020, sau khi Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm một loạt lãi suất điều hành, các ngân hàng thương mại trên địa bàn tỉnh cũng thay đổi biểu lãi suất huy động theo chiều hướng giảm sâu dưới trần quy định. Như vậy, một khi lãi suất huy động thấp được nhận định sẽ là cơ sở để giảm lãi suất cho vay, tăng khả năng hấp thụ vốn của thị trường, tạo động lực cho tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm.
Trong điều kiện dịch Covid-19 được kiểm soát tốt như hiện nay và hoạt động của DN cải thiện, cùng với các chính sách hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu tích cực, thì dư nợ tín dụng có thể tăng 8 - 10%. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đó, ngành ngân hàng cần triển khai thực hiện nhiều giải pháp.
Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước tỉnh Hồ Bân cho biết: Ngân hàng Nhà nước tỉnh đã chỉ đạo các chi nhánh, tổ chức tín dụng trên địa bàn thực hiện một số giải pháp tập trung vốn đẩy mạnh cho vay các lĩnh vực ưu tiên, mở rộng tín dụng có hiệu quả theo chủ trương của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương, song song với việc bảo đảm ngân hàng trên địa bàn tỉnh hoạt động ổn định, an toàn và hiệu quả.