Tăng trưởng xanh: Cần tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá
Xu hướng phát triển bền vững, tăng trưởng xanh đang tác động mạnh mẽ đến phương thức sản xuất kinh doanh trên toàn cầu. Do đó, lộ trình chuyển đổi xanh là xu thế không thể đảo ngược, bắt buộc các doanh nghiệp phải thực hiện và thay đổi nếu muốn phát triển bền vững và vươn ra thị trường quốc tế.
Doanh nghiệp đối mặt nhiều thách thức
Nhằm tăng cường kiểm soát chất lượng đối với các mặt hàng nhập khẩu, thời gian qua, các quốc gia châu Âu đã đặt ra một “Thỏa thuận Xanh châu Âu” cho hàng hóa nhập khẩu vào khu vực này. Theo Tham tán thương mại Việt Nam tại Thụy Điển Nguyễn Thị Hoàng Thúy, “Thỏa thuận Xanh châu Âu” có khả năng ảnh hưởng đến khá nhiều ngành công nghiệp của Việt Nam, trong đó có những ngành vốn là thế mạnh xuất khẩu như dệt may, da giầy, thủy sản…
Ví dụ, theo Thỏa thuận Xanh châu Âu, các sản phẩm dệt may nhập khẩu phải được sản xuất bằng các vật liệu và quy trình thân thiện với môi trường; Đồng thời đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững và dán nhãn sinh thái nghiêm ngặt. Do đó, để đáp ứng được các yêu cầu này, doanh nghiệp Việt Nam trong lĩnh vực dệt may sẽ cần điều chỉnh quy trình sản xuất và đầu tư vào công nghệ mới để duy trì tính cạnh tranh.
Trước những động thái trên, để thúc đẩy các mô hình sản xuất kinh doanh theo hướng tăng trưởng xanh, việc áp dụng các giải pháp giảm mức tiêu hao nguyên, nhiên vật liệu của ngành sản xuất dệt may, thép, nhựa, hóa chất, giấy... đang được nhiều doanh nghiệp triển khai. Trong đó, hầu hết các doanh nghiệp đều ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số, phát triển kết cấu hạ tầng bền vững để nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát huy lợi thế cạnh tranh và giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tại Việt Nam, tăng trưởng xanh đang nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, được hỗ trợ bởi khung khổ pháp lý, dẫn dắt bởi chiến lược và kế hoạch hành động quốc gia. Tuy vậy, dù đã có nỗ lực nhưng không phải doanh nghiệp nào cũng có thể thực hiện được theo hướng tăng trưởng xanh bởi vướng nguồn lực tài chính, công nghệ, nhân lực... Do đó, cũng cần cơ chế, chính sách, ưu đãi để thực hiện.
Chia sẻ tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững năm 2023, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Duy Đông cho rằng, quá trình chuyển dịch xanh song hành với nhiều khó khăn và thách thức, đặc biệt trong việc đảm bảo tính bao trùm, toàn diện và hướng tới con người là trung tâm của sự phát triển. Vì thế, cần chủ động giải quyết các vấn đề để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh hơn, ít cacbon hơn và tuần hoàn nhưng đảm bảo tính bao trùm, toàn diện, hướng tới “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong quá trình phát triển này.
Theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, quá trình chuyển dịch xanh diễn ra trong bối cảnh nhiều xu hướng lớn xuất hiện như tự động hóa, đổi mới sáng tạo hay sự già hóa nhanh chóng của dân số. Quá trình này dẫn tới sự tái phân bổ lao động giữa các khu vực, lĩnh vực, từ đó đòi hỏi chuyển đổi kỹ năng của người lao động - một vấn đề không đơn giản đối với người già, người lao động có trình độ thấp, người lao động ở các khu vực khó khăn.
Đồng tình với ý kiến của Thứ trưởng Trần Duy Đông, các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, về phía doanh nghiệp, các doanh nghiệp nhỏ và vừa được coi là động lực quan trọng trong quá trình chuyển đổi xanh, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo và thúc đẩy phát triển bền vững. Tuy nhiên, đây cũng là nhóm đối tượng đối mặt với nhiều rào cản trong chuyển dịch, khi khả năng đầu tư vào công nghệ xanh hạn chế, nhận thức với các vấn đề về môi trường, tài nguyên chưa cao, khả năng tiếp cận kiến thức và tài chính còn thấp…
Cần tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá
Xác định tăng trưởng xanh là chìa khóa của phát triển bền vững, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Chiến lược tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Chiến lược này đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển xanh, bền vững. Để cụ thể hóa chiến lược về tăng trưởng xanh, Việt Nam đã ban hành Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030. Trong đó, Việt Nam xác định rõ mô hình tăng trưởng theo hướng xanh hóa các ngành kinh tế; giảm cường độ phát thải khí nhà kính; xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững...
Việt Nam là một trong những quốc gia trong khu vực sớm tiếp cận với các mô hình tăng trưởng xanh. Qua hơn 10 năm triển khai Chiến lược tăng trưởng xanh kể từ năm 2012, có thể thấy rằng, nhận thức của người dân, của cộng đồng và toàn xã hội về ý nghĩa của tăng trưởng xanh đã được cải thiện rõ rệt thông qua các bước thay đổi hành vi sản xuất và kinh doanh bền vững, xuất hiện ngày càng nhiều các mô hình kinh doanh tuần hoàn, an toàn, văn minh và thân thiện với môi trường.
Nhận định về tiềm năng thúc đẩy tăng trưởng xanh đối với Việt Nam, tại Diễn đàn quốc gia về phát triển bền vững năm 2023, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng, Việt Nam có rất nhiều cơ hội thúc đẩy tăng trưởng xanh bởi những tiến bộ nhanh chóng của công nghệ năng lượng tái tạo. Đồng thời, tiềm năng về năng lượng tái tạo của Việt Nam là rất lớn với đường bờ biển dài hơn 2.000 km, nhiều tiềm năng điện gió ngoài khơi và Việt Nam cũng có thể tận dụng thế mạnh thủy điện để phát triển điện tái tạo…
Tuy nhiên, Việt Nam đang phải đối mặt với một số thách thức trên con đường đến tăng trưởng xanh. Điều đó trước hết thể hiện ở mặt tư duy còn hạn chế, vẫn còn tư tưởng bao cấp, dựa quá nhiều vào mô hình truyền thống. Năng lực kiến tạo giá trị của Việt Nam cũng đang là vấn đề khi nguồn lực, năng lực, nỗ lực lớn nhưng lại chưa có chiến lược bài bản, chưa có động lực để làm tốt. Trong bối cảnh đó, để chuyển đổi xanh đạt hiệu quả tối ưu nhất, theo PGS.TS Vũ Minh Khương, doanh nghiệp thay đổi tư duy chiến lược và tầm nhìn đột phá là rất quan trọng.
Cũng đề cập đến vai trò quan trọng của doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh, tăng trưởng xanh, ông Vũ Tiến Lộc - Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho rằng, trong chuyển đổi xanh, khu vực kinh tế tư nhân là động lực chính, trong đó doanh nghiệp nhỏ và vừa là “xương sống”, quyết định sự thành bại của chuyển đổi xanh trong nền kinh tế.
“Thay đổi nhận thức chuyển đổi xanh là con đường độc đạo là vấn đề sống còn của doanh nghiệp. Đây là vấn đề của các hộ kinh doanh, các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chứ không chỉ là doanh nghiệp lớn. Đây cũng là “hộ chiếu” để tham gia thị trường trong nước và thế giới, tiếp cận mạng lưới sản xuất và chuỗi cung ứng toàn cầu”, ông Vũ Tiến Lộc nhận định.