Tăng trưởng xanh gắn với hệ sinh thái thông minh ở Bình Dương: Bài 2: Tạo dư địa tái thiết các đô thị

Để mở rộng không gian phát triển, thiết lập hệ sinh thái các khu công nghiệp, cụm công nghiệp chuyên ngành, bảo đảm tăng trưởng xanh, Bình Dương đang triển khai chủ trương di dời các doanh nghiệp thâm dụng lao động tại khu vực phía Nam lên phía Bắc của tỉnh.

Việc dịch chuyển này giúp tạo dư địa cho quá trình tái thiết các đô thị cửa ngõ khu vực phía Nam, nơi được ví như những thỏi nam châm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về Bình Dương sinh sống, làm việc.

Địa phương nỗ lực, doanh nghiệp chủ động

Năm 2019, UBND tỉnh Bình Dương ban hành Quyết định số 3210/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Điều tra, đánh giá thực trạng hoạt động và đề xuất các cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Nam chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp tỉnh Bình Dương” (gọi tắt là đề án). Việc thực hiện đề án đang được tỉnh từng bước triển khai với lộ trình cụ thể.

Chúng tôi có mặt tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định (phường An Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) khi doanh nghiệp đang đẩy mạnh thi đua sản xuất hoàn thành kế hoạch năm 2023 và khẩn trương chuẩn bị những điều kiện cần thiết để di chuyển cơ sở đến huyện Phú Giáo. Đây là doanh nghiệp tiên phong của TP Thuận An trong thực hiện đề án. Ông Lê Ngọc Sơn, Trợ lý Tổng giám đốc, Quản lý khu vực An Phú của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định, chia sẻ: “Ngay khi được vận động, triển khai chủ trương thực hiện đề án này, chúng tôi đồng thuận, nhất trí cao với chủ trương của tỉnh. Đơn vị đã có phương án báo cáo các cấp để vừa chuyển đổi công năng, vừa di dời bảo đảm nghiêm túc, hiệu quả. Khu vực An Phú sẽ chuyển đổi thành khu nhà ở thương mại và toàn bộ hoạt động sản xuất của Công ty cùng với hơn 20 doanh nghiệp (thuê nhà xưởng của Công ty) sẽ di chuyển lên huyện Phú Giáo”.

 Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại TP Tân Uyên (Bình Dương) nằm ngoài khu công nghiệp, không bảo đảm tiêu chí môi trường phải di dời lên các địa phương phía Bắc của tỉnh. Ảnh: TRẦN QUYỀN

Các doanh nghiệp sản xuất, chế biến gỗ tại TP Tân Uyên (Bình Dương) nằm ngoài khu công nghiệp, không bảo đảm tiêu chí môi trường phải di dời lên các địa phương phía Bắc của tỉnh. Ảnh: TRẦN QUYỀN

Tuy nhiên, vấn đề mà các doanh nghiệp trong phạm vi của Công ty Cổ phần Tập đoàn Gia Định quản lý chính là điều kiện đầu tư sẽ khó khăn hơn do vị trí mới xa khu vực kho bãi và cảng, kinh phí đầu tư hạ tầng mới sẽ rất lớn, trong khi doanh nghiệp đang gặp khó khăn... Ngoài ra, với tổng số hơn 2.000 lao động trong khu vực này phải di chuyển sẽ tạo ra áp lực về chăm lo nhà ở, an sinh để họ yên tâm gắn bó với doanh nghiệp. “Nhận thức rõ khó khăn, chúng tôi mong các cấp cùng phối hợp tháo gỡ để bảo đảm chủ trương thực hiện đúng lộ trình, hiệu quả”, ông Lê Ngọc Sơn bày tỏ.

Đem những băn khoăn của doanh nghiệp trao đổi với lãnh đạo UBND TP Thuận An, chúng tôi được đồng chí Nguyễn Thành Úy, Phó chủ tịch UBND TP Thuận An cho biết, từ tháng 9-2022, UBND thành phố đã ban hành quyết định về việc thành lập Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc thực hiện đề án. UBND thành phố đã rà soát, tổng hợp danh sách 555 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, chế biến, gia công... nằm ngoài các khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Trên cơ sở đó, thành phố đang từng bước phối hợp với các sở, ban, ngành của tỉnh tham mưu UBND tỉnh Bình Dương hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ. Dự kiến, thành phố sẽ di dời thí điểm sớm một số doanh nghiệp. Trên thực tế, những kiến nghị của doanh nghiệp cũng chính là trăn trở của cấp ủy, chính quyền địa phương. Đó là thực hiện đề án như thế nào để vừa có sự đồng thuận của doanh nghiệp, hợp lòng công nhân lao động, vừa đúng chủ trương của tỉnh.

Cùng với TP Thuận An, TP Dĩ An cũng có bước chuẩn bị rõ ràng cho lộ trình di dời, chuyển đổi công năng 350 doanh nghiệp nằm ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Còn tại TP Thủ Dầu Một, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Trần Bảo Lâm, Phó chủ tịch UBND TP Thủ Dầu Một cũng khẳng định thành phố sẽ hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp thay đổi công năng và di dời, chuyển đổi theo đúng lộ trình đề án của tỉnh đã xác định.

Dự kiến, công tác di dời các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở phía Nam tỉnh Bình Dương sẽ diễn ra đến năm 2030. Hiện, số lượng các doanh nghiệp thuộc diện này chiếm hơn 71% tổng số cơ sở sản xuất công nghiệp trên địa bàn, tập trung ở các địa phương: TP Thuận An, TP Dĩ An, TP Tân Uyên và thị xã Bến Cát. Các ngành nghề hoạt động chủ yếu là sản xuất sắt thép, phế liệu, cơ khí, hóa chất, da giày... phần lớn có quy mô nhỏ và vừa, phân bố không phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị và công nghiệp. Các doanh nghiệp chịu tác động của đề án này đều thấy rõ sự cần thiết của việc di dời để phát triển không gian đô thị phía Nam, nhưng cũng băn khoăn về nguồn vốn để chuyển đổi và di dời, quỹ đất để tiếp tục sản xuất, kinh doanh, chưa có chính sách cụ thể để tuyên truyền cho người lao động khi họ đã an cư ổn định... Họ đề xuất cần thực hiện đề án trong khoảng thời gian dài để những doanh nghiệp cùng ngành nghề có thể hỗ trợ nhau hình thành chuỗi cung ứng, ổn định duy trì sản xuất, kinh doanh.

Theo ông Nguyễn Quang Vũ, Chủ tịch Hiệp hội Da giày Bình Dương, sẽ có gần 3.000 doanh nghiệp và khoảng 588.000 lao động của ngành chịu ảnh hưởng từ đề án này. Da giày là ngành thâm dụng lao động, khi thực hiện việc di dời các ngành phải tính cả việc bảo đảm nguồn lực, cụ thể là tuyển dụng lao động để phát triển sản xuất.

Tại các cuộc đối thoại với Hiệp hội, doanh nghiệp về triển khai đề án vừa qua, đồng chí Nguyễn Văn Dành, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương đã nhấn mạnh việc vận động, hỗ trợ di dời, chuyển đổi công năng các doanh nghiệp sản xuất phía Nam giúp tránh gây ô nhiễm môi trường, nguy cơ cháy, nổ trong khu dân cư, đồng thời góp phần thực hiện điều chỉnh quy hoạch và chỉnh trang đô thị của tỉnh theo hướng đô thị văn minh, thông minh, hiện đại. Mục đích của đề án di dời, chuyển đổi để doanh nghiệp phát triển mạnh và bền vững hơn. Trước mắt, Sở Công Thương tỉnh đang tích cực phối hợp với các sở, ngành, địa phương để tham mưu UBND tỉnh xây dựng các nhóm tiêu chí, lộ trình phù hợp trên cơ sở bảo đảm cao nhất sự thuận lợi và ổn định cho doanh nghiệp.

Quyết tâm chuyển đổi để phát triển

Đề án chuyển đổi công năng, di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở Bình Dương được hoàn thành sẽ có ý nghĩa lớn trong phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh. Để chuẩn bị cho việc di dời các doanh nghiệp lên phía Bắc, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Dương đang rà soát lại những khu công nghiệp, cụm công nghiệp sẵn có, làm việc với chủ đầu tư để bố trí quỹ đất thích hợp giúp doanh nghiệp di dời, chuyển đổi công năng sản xuất. Các huyện phía Bắc như: Bàu Bàng, Bắc Tân Uyên, Phú Giáo... đã tập trung đầu tư hệ thống giao thông, tạo sự kết nối đồng bộ giữa các vùng, khu vực để thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, thỏa mãn các điều kiện phát triển sản xuất của nhà đầu tư, cũng như đời sống người lao động.

Hiện nay, Sở Công Thương tỉnh Bình Dương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập ban chỉ đạo, tổ giúp việc và đang thực hiện công tác quy hoạch bổ sung một số cụm công nghiệp để các doanh nghiệp di dời vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp ở địa bàn phía Bắc. UBND tỉnh sẽ quy hoạch một khu hoặc cụm công nghiệp kiểu mẫu để thí điểm các mô hình nhà máy di dời phát huy hiệu quả, sau đó triển khai nhân rộng. Ông Giang Quốc Dũng, Phó tổng giám đốc Becamex IDC cho biết: "Becamex IDC không đứng ngoài cuộc trong việc thực hiện đề án di dời, chuyển đổi các doanh nghiệp ở phía Nam. Becamex IDC đang gấp rút hoàn thiện nhiều khu công nghiệp phía Bắc như: Bàu Bàng, Cây Trường, VSIP 3... nhằm đa dạng hóa, phục vụ tốt nhất nhu cầu của nhà đầu tư, doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Becamex IDC tiếp tục nâng cấp, hoàn thiện các tuyến đường giao thông quan trọng: Quốc lộ 13, Mỹ Phước-Tân Vạn, đường ĐT743 và nhiều tuyến đường khác, tăng cường sự kết nối, nâng cao năng lực logistics, chuỗi cung ứng nguyên liệu... cho doanh nghiệp yên tâm di dời".

Với vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm Đông Nam Bộ, Bình Dương phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết số 24-NQ/TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Trong đó, tỉnh tập trung phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp có giá trị gia tăng cao, đô thị, dịch vụ, logistics. Tỉnh chú trọng công tác thúc đẩy đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong ngành công nghiệp để tăng hiệu quả sản xuất, tiết kiệm tài nguyên, bảo đảm các yếu tố môi trường và thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp đáp ứng những tiêu chuẩn sinh thái. Đây chính là hướng đi phù hợp cho tỉnh để giải bài toán bẫy thu nhập trung bình.

Theo đồng chí Võ Văn Minh, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, tỉnh xác định thực hiện cải thiện kết cấu và hình thái không gian đô thị khu vực phía Nam, dịch chuyển công năng các khu sản xuất công nghiệp lên vùng lõi mới phía Bắc, gắn với tái cơ cấu để trở thành các khu công nghiệp, cụm công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn và khu công nghiệp khoa học-công nghệ, để lại không gian phía Nam cho phát triển đô thị-dịch vụ và thương mại. Từ đó, Bình Dương sẽ tận dụng tốt lợi thế của hệ thống giao thông kết nối vùng, hình thành hệ thống vành đai công nghiệp mới gắn với phát triển hệ thống logistics hiện đại.

(còn nữa)

Bài và ảnh: PHI HÙNG - YẾN LONG - HỒNG GIANG

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Kinh tế xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tang-truong-xanh-gan-voi-he-sinh-thai-thong-minh-o-binh-duong-bai-2-tao-du-dia-tai-thiet-cac-do-thi-738691