Tăng trưởng xanh tập trung 3 trụ cột: Thể chế, khoa học công nghệ và nguồn lực

Tăng trưởng xanh, chuyển dịch xanh đã nhận được sự quan tâm lớn của Đảng, Nhà nước ta thời gian qua. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện cần sự chung tay của các doanh nghiệp và địa phương để thúc đẩy quá trình này.

Ông Nguyễn Đức Hiển, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho biết, hiện nước ta đang trong quá trình thúc đẩy về tăng trưởng xanh, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn.

Chính phủ cũng đã ban hành các chiến lược như Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; Chiến lược Biến đổi khí hậu; Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh; Chương trình hành động chuyển đổi năng lượng xanh, giảm phát thải khí carbon và khí methane; Chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững; triển khai hàng loạt các kế hoạch, đặc biệt trong đó là Quy hoạch điện 8 về năng lượng.

Ông Hiển cũng cho rằng, về mặt chủ trương, đường lối và các chiến lược chính sách đã rất đầy đủ, song vấn đề là cần đưa các chủ trương vào cuộc sống và triển khai đồng bộ các chiến lược, kế hoạch.

“Để đạt được yêu cầu chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế xanh còn nhiều thách thức. Để chuyển đổi xanh cần nhất quán quan điểm đây là sự nghiệp chung của toàn dân, cộng đồng doanh nghiệp và các cơ quan tổ chức. Trong đó và phải thúc đẩy, tập trung 3 trụ cột: Thể chế; khoa học công nghệ; nguồn lực và nhất là tài chính”, ông Hiển khuyến nghị.

Hiện nhiều địa phương, DN trong cả nước đã và đang quan tâm đến việc đảm bảo phát triển kinh tế xanh, gắn với đảm bảo môi trường bền vững

Hiện nhiều địa phương, DN trong cả nước đã và đang quan tâm đến việc đảm bảo phát triển kinh tế xanh, gắn với đảm bảo môi trường bền vững

Thực hiện mục tiêu tăng trưởng xanh, nhiều địa phương trong cả nước đã và đang quan tâm đến việc đảm bảo phát triển kinh tế gắn với đảm bảo môi trường bền vững. Ông Trần Xuân Dưỡng, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam cho biết, đối với mục tiêu tăng trưởng xanh vấn đề đầu tiên tỉnh quan tâm đó là nội dung đảm bảo về công tác môi trường. Do đó, ngay từ đầu, trong công tác lựa chọn các nhà đầu tư, Hà Nam lựa chọn nhà đầu tư có công nghệ tiên tiến và thân thiện với môi trường, tập trung thu hút nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản và châu Âu.

“Để thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, Hà Nam đang tập trung chuyển từ phát triển “nâu” sang “xanh”. Hà Nam là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, sản xuất tại địa bàn chủ yếu là ngành nghề sản xuất đá nên phải tập trung giảm thiểu ảnh hưởng môi trường. Quan trọng hơn là Hà Nam tạo ra chuỗi hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp, làm sao phải ứng dụng công nghệ về xử lý môi trường triệt để”, ông Dưỡng cho biết.

Theo các chuyên gia kinh tế, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn đang trở thành xu thế tất yếu, đòi hỏi các quốc gia, trong đó có Việt Nam cần chuyển đổi sớm. Đồng thời cho rằng, cuộc cách mạng xanh chỉ thành công khi có sự tham gian của các bên, điều kiện tiên quyết là tạo lập môi trường pháp lý cởi mở, minh bạch, thuận lợi, kiến tạo phát triển, có tính cạnh tranh; hệ thống hạ tầng đồng bộ bao gồm cả hạ tầng số và nguồn nhân lực.

Nguyễn Hằng/VOV1

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/tang-truong-xanh-tap-trung-3-tru-cot-the-che-khoa-hoc-cong-nghe-va-nguon-luc-post1090298.vov