Tăng tuổi nghỉ hưu: Không phải mỗi Việt Nam mới có nghề đặc thù
Không phải chỉ Việt Nam mới có nhóm ngành nghề đặc thù, độc hại. Do đó, cần phân biệt rõ giữa tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu của người lao động...
Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội lưu ý như vậy tại cuộc họp báo thông tin về việc thực hiện chính sách lao động, người có công và xã hội 6 tháng đầu năm, ngày 2/7 tại Hà Nội.
Phân biệt rõ tuổi nghỉ hưu và tuổi nghề
Bộ luật Lao động sửa đổi đang đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ, trường hợp người lao động làm công việc thuộc danh mục các ngành nghề nặng nhọc, độc hại thì được quyền nghỉ hưu sớm hơn 5 năm.
Làm rõ hơn về nội dung ngành nghề độc hại được nghỉ hưu sớm, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết, vừa qua các đại biểu Quốc hội cũng đề xuất tại kỳ họp sắp tới Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội phải có được danh mục cụ thể trên. Hiện Bộ cũng đang xin ý kiến các Bộ, ngành về danh mục những ngành nghề nặng nhọc, độc hại, có tham vấn tổ chức đại diện người lao động và người sử dụng lao động.
"Tổ chức đại diện người lao động khẳng định, họ đã nỗ lực cải thiện các điều kiện làm việc, an toàn vệ sinh lao động, những công việc nguy hiểm phần nào đã được sử dụng máy móc hỗ trợ, thay thế. Rõ ràng, chúng ta không thể phủ nhận nỗ lực của doanh nghiệp trong vấn đề này, vì thế danh mục những ngành nghề độc hại càng ngày càng cần ngắn lại", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lưu ý.
Bên cạnh đó, một số hiệp hội doanh nghiệp khác như Hiệp hội doanh nghiệp Nhật Bản cũng đã kiến nghị rằng, nguy cơ về an toàn vệ sinh lao động trong những ngành nghề của họ đến nay đã giảm thiểu đi rất nhiều. Do đó, hiệp hội này đề xuất mức đóng vào quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp cho những doanh nghiệp nào làm tốt cần ít đi, còn những doanh nghiệp không chịu cải thiện điều kiện lao động sẽ phải đóng nhiều hơn.
Cũng theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, dù hiện có nhiều ngành nghề, công việc đặc thù như: giáo viên mầm non, diễn viên múa, vận động viên thể thao... song khẳng định thực tế không chỉ mỗi Việt Nam có tồn tại nhóm lao động này.
"Chẳng lẽ mỗi Việt Nam có giáo viên mầm non. Do đó, theo tôi cần phân biệt tuổi nghề và tuổi nghỉ hưu. Ở các nước, hiện đang quy định tuổi hưu là tuổi tối thiểu nhận chế độ hưu trí, ví dụ tuổi hưu là 60 đối với nữ, 62 với nam và người lao động có thể nghỉ hưu ở bất kỳ tuổi nào thấp hơn. Nhưng, để đủ điều kiện nhận chế độ hưu trí thì phải đạt đúng mức tuổi quy định", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, vị Thứ trưởng cũng khẳng định, tinh thần của Bộ là luôn lắng nghe, quy định tuổi nghỉ hưu chung là 60 cho nữ, 62 cho nam nhưng sẽ có nhóm danh mục công việc đặc thù, độc hại, Bộ sẽ cố gắng để sớm có được danh mục này.
Dù vậy, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng lưu ý, hiện nay một số nghề đặc thù đang quy định trong Luật Bảo hiểm xã hội. Do đó, dự kiến năm 2021, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội cũng sẽ cần có những nghiên cứu cụ thể hơn về các nhóm tuổi, nhóm ngành nghề và công việc đặc thù để nghỉ hưu.
Chưa đề xuất ngày nghỉ thay thế ngày 27/7
Cũng tại họp báo, trả lời báo chí liên quan đến việc Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội xin rút đề xuất bổ sung một ngày nghỉ lễ 27/7 tại kỳ họp Quốc hội mới đây, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp lý giải là để phù hợp với tình hình thực tiễn. Bởi vì, theo yêu cầu của Quốc hội, bất kỳ chính sách mới nào cũng cần đánh giá tác động đầy đủ cả về mặt kinh tế, xã hội.
Trong khi đó, từ nay đến kỳ họp tháng 10 là khoảng thời gian khá ngắn, nhưng vấn đề hiện đang còn nhiều ý kiến trái chiều. Hơn hết, việc lựa chọn một ngày nghỉ phù hợp cũng còn nhiều quan điểm, có đại biểu đề xuất chọn ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, song ý kiến khác lại đề xuất ngày Gia đình Việt Nam.
"Việc thống nhất lựa chọn được một ngày sẽ tốn khá nhiều thời gian, trong khi vẫn cần đánh giá tác động rất kỹ, do đó ban soạn thảo đã xin rút, tạm thời chúng tôi chưa có đề xuất nào thay thế cho ngày 27/7", Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp khẳng định.