Tăng tuổi nghỉ hưu làm gì khi sức khỏe người Việt cực kém?
Nhiều bạn đọc đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học của đề xuất tăng tuổi hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam, đồng thời phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu.
Tại kỳ họp Quốc hội mới đây, thay mặt Chính phủ, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH) đã trình 2 phương án nâng tuổi nghỉ hưu cho người lao động (NLĐ). Theo đó, Phương án 1: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Phương án 2: Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của NLĐ trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi.
Thảo luận tại tổ, nhiều ý kiến tán thành tăng tuổi nghỉ hưu, nhưng cần đánh giá, phân loại và có danh mục cụ thể theo từng nhóm lao động cụ thể để xác định rõ những nhóm có thể tăng tuổi nghỉ hưu (ví dụ: công chức, người làm nghiên cứu khoa học…), những ngành nghề, công việc đặc thù không nên tăng (người lao động trực tiếp, giáo viên mầm non, tiểu học, nghệ sĩ xiếc, người làm nghệ thuật, vận động viên thể thao và cán bộ, công chức cấp xã…). Đồng thời, nhiều đại biểu đề nghị ban soạn thảo làm rõ cơ sở khoa học của đề xuất tăng tuổi hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam, đồng thời phân tích rõ những ưu điểm, nhược điểm của từng phương án về độ tuổi và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu
Gởi ý kiến đến Báo Người Lao động, bạn đọc Trần Thông, bày tỏ: "Đề nghị giữ nguyên tuổi nghỉ hưu như hiện nay và nới rộng ra NLĐ đến tuổi nghỉ hưu nhưng có đơn xin ở lại làm thêm nếu đủ điều kiện sức khỏe thì người sử dụng lao động được phép ký hợp động lao động (HĐLĐ) theo thỏa thuận. Còn đối với cán bộ công chức thì được làm thêm nhưng không được giữ chức vụ lãnh đạo.
Theo bạn đọc Hà Văn Hùng, quy định tuổi về hưu, nên phân ra từng lĩnh vực ngành nghề sao cho phù hợp. Những NLĐ trực tiếp, không nên tang tuổi hưu vì năng suất thấp, sẽ gây khó khan cho doanh nghiệp và kể cả NLĐ. Quy định tuổi nghỉ hưu để căn cứ tính tỷ lệ % hưởng BHXH không thôi là không hợp lý.Quốc hội nên cân nhắc, khi sửa đổi ban hành luật sao cho vừa hợp lý và vừa hợp tình, hợp lòng dân và mang tính lâu dài. Thực tế hơn, bạn đọc Duy Linh, nêu thực trạng: Đa số NLĐ nhiều ngành nghề chưa đến tuổi nghỉ hưu như hiện nay đã không còn đủ sức khỏe để làm việc, phía người sử dụng những lao động (ngành nghề nặng nhọc) cũng gặp khó khăn để sắp xếp việc phù hợp với sức khỏe của họ. Một số công việc hành chánh chuyên môn đến tuổi hưu cũng cần nghỉ để người trẻ có sức khỏe tốt lẫn chuyên môn được cập nhật phù hợp với thực tế hiện tại thay thế. Vậy có nhất thiết phải tăng tuổi nghỉ hưu hay không?
Tương tự, bạn đọc Hoàng Thế Kiêm, nêu ví dụ: "Khi nam giới tới 60 tuổi, có thể do điều kiện khó khăn họ vẫn phải đi làm thêm, nhưng là làm theo sức khỏe của họ, không phải làm đủ 8h/1 ngày, tức là họ không bị ràng buộc về thời gian. Còn những người có điều kiện kinh tế họ sẽ được thư giãn vài năm trước khi chính thức hết cảm hứng về mọi vấn đề. Như vậy tăng tuổi nghỉ hưu sẽ bóc lột NLĐ cho tới khi họ kiệt sức, sống lay lắt cho đến khi qua đời. sức khỏe của người Việt cực kém, chỉ có tuổi thọ là tăng.
Nhẹ nhàng hơn, bạn đọc Nguyễn Văn Hà, góp ý: "Nếu tăng tuổi nghỉ hưu thì nhà nước có những phương án cụ thể nào để các doanh nghiệp không được sa thải NLĐ khi họ trong độ tuổi nữ trên 55 nam trên 60 tuổi". Tương tự, bạn đọc Trần Quyên, bày tỏ: "Một vấn đề như vậy tại sao phải bàn cãi nhiều vậy, cứ giữ nguyên tuổi nghỉ hưu bắt buộc như hiện nay, với nam là 60 tuổi, nữ 55 tuổi. Ngoài tuổi nói trên, nếu cả nam và nữ ai còn sức khỏe còn nhu cầu, còn tâm huyết làm việc làm việc thì cứ để họ tự nguyện ở lại cống hiến tiếp, còn ai muốn nghỉ thì họ xin nghỉ. Làm như vậy sẽ phù hợp với các ngành nghề, các vị trí lao động.