Tăng tuổi nghỉ hưu: 'Phải phân biệt tuổi hưu và tuổi nghề'

Bộ LĐ-TB&XH cho rằng cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên cấp I, diễn viên múa, giáo viên thể thao…

“Tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội (QH) khóa XIV vừa qua, Chính phủ đã xin rút, không bổ sung ngày nghỉ lễ 27-7. Vậy Bộ LĐ-TB&XH có tiếp tục bổ sung một ngày nghỉ lễ khác vào Bộ luật Lao động (sửa đổi)?”.

PVPháp Luật TP.HCM đặt câu hỏi như vậy tại buổi họp báo của Bộ LĐ-TB&XH thông tin kết quả thực hiện các chính sách lao động, người có công và xã hội sáu tháng đầu năm 2019, diễn ra ngày 2-7.

Nhiều ý kiến đề xuất nghỉ ngày Gia đình Việt Nam

Ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết đề xuất bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật trên do số ngày nghỉ của Việt Nam ít hơn so với nhiều nước lân cận. Bên cạnh đó, số ngày nghỉ lễ của Việt Nam chưa đồng đều trong các năm. Cụ thể, từ tháng 5 tới tháng 9, người lao động không có ngày nghỉ lễ nào.

Tại kỳ họp thứ 7, các đại biểu (ĐB) QH cho ý kiến về vấn đề này, nhiều ĐB đồng ý bổ sung ngày nghỉ lễ vào dự luật nhưng không nên lấy ngày 27-7 mà lấy ngày Quốc tế Thiếu nhi (1-6), ngày Gia đình Việt Nam (28-6)…

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, sau khi tiếp thu ý kiến của ĐBQH, Chính phủ xin rút lại đề xuất đưa thêm ngày nghỉ vào dự luật. Theo yêu cầu của QH, khi có đề xuất mới cần có sự trưng cầu ý kiến rộng rãi và đánh giá tác động đầy đủ. Trong khi đó, thời gian từ nay tới khi tổ chức kỳ họp QH lần thứ 8 (tháng 10) không còn nhiều. “Chính vì thế, ban soạn thảo hiện chưa có đề xuất mới nào để thay thế cho đề xuất ngày 27-7 đã được rút lại” - ông Doãn Mậu Diệp thông báo.

Liên quan đến đề xuất này, theo báo cáo tổng hợp ý kiến ĐBQH, nhiều ý kiến ĐB đề nghị chọn ngày 28-6 (ngày Gia đình Việt Nam) để đúng ý nghĩa của ngày nghỉ lễ, tạo điều kiện cho người lao động được sum họp gia đình.

Có ý kiến chỉ ủng hộ tăng thêm ngày nghỉ đối với công nhân, còn công chức, viên chức thì không nên nghỉ vì còn rất nhiều người lao động tự do, lao động tự làm việc, người nội trợ, nông dân mà việc nghỉ lại không phụ thuộc vào quy định chung này, do đó cần phải xem xét kỹ lưỡng có nên quy định tăng thêm một ngày nghỉ lễ hay không.

Cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên cấp I, diễn viên múa, giáo viên thể thao… Trong ảnh:Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trong một tiết học STEM. Ảnh: CTV

Cần xem xét việc tăng tuổi nghỉ hưu đối với các ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên cấp I, diễn viên múa, giáo viên thể thao… Trong ảnh:Thầy và trò Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3, TP.HCM) trong một tiết học STEM. Ảnh: CTV

Xin ý kiến danh mục nghề có quyền nghỉ hưu sớm

Liên quan đến câu hỏi của PV Pháp Luật TP.HCM về danh mục các ngành nghề, công việc độc hại, nguy hiểm phải được trình QH trong kỳ họp tháng 10 tới đây, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết nội dung dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động đã quy định điều chỉnh tăng dần tuổi hưu theo lộ trình của nam lên 62 và nữ lên 60 từ năm 2021. Trong đó, những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, đặc thù có quyền nghỉ hưu sớm hơn.

“Tại kỳ họp thứ 7, nhiều ĐBQH cũng đề xuất cần có thêm danh mục các nghề nghiệp mà người lao động có thể nghỉ hưu sớm. Hiện nay Bộ đang xin ý kiến các bộ, ngành về danh mục các ngành nghề độc hại, nguy hiểm. Đặc biệt là ý kiến của tổ chức đại diện người lao động, người sử dụng lao động, các hiệp hội” - ông Doãn Mậu Diệp nói.

Vị thứ trưởng cũng cho biết đối với các ngành nghề đặc thù như giáo viên mầm non, giáo viên cấp I, diễn viên múa, giáo viên thể thao… cần phải xem xét có nên tăng tuổi hưu không. “Nhưng không chỉ ở Việt Nam mới có lao động đặc thù. Chính vì vậy, chúng ta cần phân biệt rõ tuổi nghề và tuổi hưu. Tuổi hưu là tuổi tối thiểu để nhận chế độ hưu trí, còn tuổi nghề thì có thể kéo dài và rút ngắn hơn. Như luật pháp các nước, họ quy định tuổi nghề có thể nghỉ ở tuổi 57 nhưng tuổi hưu phải 60, tức anh có thể nghỉ nghề nhưng để được nhận lương hưu phải 60 tuổi…” - ông Diệp dẫn chứng.

Trên cơ sở đó, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho rằng dự luật hướng tới quy định sẽ có những nhóm lao động đặc thù. “Hiện một số quy định lao động đặc thù đang được quy định rải rác trong Luật Bảo hiểm xã hội. Dự kiến năm 2021, khi sửa đổi Luật Bảo hiểm xã hội, chúng ta sẽ có những nghiên cứu cụ thể hơn về các nhóm tuổi, nhóm ngành nghề và công việc đặc thù để nghỉ hưu” - Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cho biết.

Phát hiện gần 3.000 hồ sơ thương binh giả

Thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH và Bộ Quốc phòng đã ký chương trình phối hợp thanh tra việc thực hiện xác lập hồ sơ thương binh tại bảy quân khu và Bộ tư lệnh Thủ đô.

Qua kiểm tra bằng phương pháp trưng cầu giám định kỹ thuật hình sự với 117.718 hồ sơ, phát hiện gần 3.000 hồ sơ hưởng không đúng quy định, phải đình chỉ chế độ. Hình thức sai phạm là hồ sơ được lập bằng giấy chuyển viện, giấy bị thương giả, lý lịch quân nhân bị chỉnh sửa, dấu giả…

ĐÀM THỊ MINH THU,Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH

VIẾT LONG

Nguồn PLO: https://plo.vn/xa-hoi/tang-tuoi-nghi-huu-phai-phan-biet-tuoi-huu-va-tuoi-nghe-843750.html