Tăng tuổi nghỉ hưu phải phù hợp với đặc thù công việc
Xung quanh đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu đối với người lao động trong Dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), các chuyên gia cho rằng, cần nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu.
Theo TS Ngô Quỳnh An - Phó Trưởng khoa Kinh tế và quản lý nguồn nhân lực (Đại học Kinh tế Quốc dân), lựa chọn của người lao động hiện rất đa dạng. Có bộ phận muốn nghỉ hưu như độ tuổi hiện nay, nhưng có nhiều người lại muốn kéo dài thời gian làm việc hơn khi họ đang có nhiều kinh nghiệm và muốn cống hiến tri thức, trí tuệ của mình nhiều hơn nữa. Do đó, chính sách cần lưu ý đến tuổi nghỉ hưu phù hợp khi Việt Nam qua thời kỳ dân số vàng.
Theo Phó Giám đốc Học viện Tư pháp Nguyễn Xuân Thu, tuổi chuẩn nghỉ hưu ở nước ta vẫn tương đối thấp so với tiêu chuẩn lao động quốc tế và mặt bằng chung của thế giới. Ở góc độ bình đẳng giới, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay chưa đảm bảo yêu cầu về bình đẳng giới, làm giảm cơ hội việc làm, thu nhập và thăng tiến của nữ.
Bên cạnh đó, quy định về tuổi nghỉ hưu hiện nay chưa thực sự phù hợp với sự vận động, phát triển của đời sống kinh tế - xã hội Việt Nam, tác động không tích cực tới khả năng cân đối quỹ bảo hiểm xã hội, tới chi tiêu của ngân sách nhà nước và sự phát triển của thị trường lao động.
Đồng tình với những vấn đề liên quan đến độ tuổi nghỉ hưu của người lao động trong Dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi), tuy nhiên PGS-TS Nguyễn Văn Định – nguyên Trưởng Khoa Bảo hiểm (Đại học Kinh tế Quốc dân) nêu quan điểm, tăng tuổi nghỉ hưu sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường lao động, kéo dài thời gian làm việc của từng cá nhân người lao động dễ dẫn đến hệ quả là rủi ro thất nghiệp, thiếu việc làm gia tăng.
Cùng với đó, cần nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định. Cùng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, việc giảm độ tuổi được hưởng trợ cấp tuổi già cũng sẽ góp phần mở rộng diện bảo vệ cho những người cao tuổi.
“Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các chính sách an sinh xã hội khác có liên quan, nhất là các chính sách bảo hiểm xã hội và bảo trợ xã hội. Việc cải cách chính sách tiền lương phải được gắn chặt với việc cải cách chính sách bảo hiểm xã hội” - PGS.TS Nguyễn Văn Định đề xuất.
Tổng Công ty Thương mại Hà Nội có hơn 3.000 lao động, đặc thù là hoạt động theo ca kíp, phần nhiều bộ phận xuất nhập khẩu đều làm việc về đêm. Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng cho hay, qua tham khảo ý kiến của người lao động, những người trực tiếp làm việc chân tay thì mong muốn tuổi nghỉ hưu giữ nguyên theo luật hiện hành. Chỉ một bộ phận nhỏ người lao động làm việc gián tiếp là đồng ý tăng tuổi nghỉ hưu như Dự thảo Bộ Luật đề xuất.
Các ý kiến cũng đề nghị nghiên cứu và cụ thể hóa từng đối tượng cần tăng tuổi nghỉ hưu và những đối tượng có thể giữ nguyên như hiện nay hoặc được về hưu sớm trước tuổi quy định. Đặc biệt, tăng tuổi nghỉ hưu phải có lộ trình và phù hợp với đặc thù công việc.
"Việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu liên quan đến nhiều chủ thể, nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề, do đó, cần được nghiên cứu, cân nhắc kỹ với tầm nhìn dài hạn, không nên vội vàng." - Luật sư Nguyễn Văn Hà Trưởng Văn phòng Luật sư Hà Lan (Hà Nội)
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tang-tuoi-nghi-huu-phai-phu-hop-voi-dac-thu-cong-viec-354989.html